Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

Đà Nẵng đón chuyến bay đầu tiên năm 2021

Sáng nay (1/1), Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức đón chuyến bay đầu tiên của năm 2021.

Theo đó, chuyến bay mang số hiệu VN159 chở 180 hành khách từ Hà Nội đến Đà Nẵng, hạ cánh lúc 8h55 sáng nay. Lễ đón diễn ra tại nhà ga quốc nội (Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng).

Trong chuyến bay, có 2 hành khách may mắn nhận được vé bay khứ hồi hạng thương gia hành trình nội địa.

Du khách Phan Văn Đông (46 tuổi, trú Hà Nội) chia sẻ: “Đoàn chúng tôi có 17 người vào Đà Nẵng du lịch trong 3 ngày. Đà Nẵng là thành phố đẹp, người dân thân thiện, ẩm thực ngon, mọi người rất hào hứng khi đến đây dịp đầu năm”.

{keywords}
Du khách đến Đà Nẵng ngày đầu năm 2021

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó GĐ Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, chuyến bay “xông đất” năm 2021 có ý nghĩa quan trọng. Thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch hấp dẫn để thu hút khách nội địa.

“Hiện nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn tiếp tục thực hiện chặt chẽ, để đảm bảo môi trường du lịch Đà Nẵng ngày càng an toàn, thân thiện”, ông Bình cho biết.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện nay Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng đang khai thác 13 đường bay nội địa, với tần suất hơn 300 chuyến khứ hồi/tuần gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Phú Quốc, Pleiku, Vinh, Côn Đảo, Vân Đồn và Thanh Hóa.

Dự kiến các đường bay thương mại quốc tế, đặc biệt là đường bay kết nối đến các thị trường trọng điểm Đông Bắc Á, có thể sẽ được khai thác trở lại từ cuối quý II năm 2021.

Hồ Giáp

Vé máy bay, tàu Tết còn nhiều

Vé máy bay, tàu Tết còn nhiều

Chưa năm nào việc đi lại dịp nghỉ Tết Dương lịch lại dễ dàng đặt vé với giá rẻ như năm nay. Thậm chí, khách vẫn có thể mua được vé khuyến mại để đi trong dịp nghỉ Tết dù chỉ còn cách ngày nghỉ 1-2 hôm.



Theo Báo VietNamNet

Đối ngoại Việt Nam 2020: Bản lĩnh và tâm thế mới

Nhân dịp năm mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài viết về những thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong năm 2020 cũng như phương hướng năm 2021.

VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết: "Đối ngoại Việt Nam 2020: Bản lĩnh và tâm thế mới".

Năm 2020 vừa qua đi với nhiều biến động to lớn, chưa từng có, với hệ lụy và tác động đa chiều, đa lĩnh vực, ở tầm toàn cầu và có thể còn kéo dài trong nhiều năm tới. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, gam màu xám nổi lên ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực trong bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2020.

Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng, sâu rộng đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn quyết liệt chưa từng có kể từ sau chiến tranh lạnh. Các trào lưu chống toàn cầu hóa, dân túy, bảo hộ vốn xuất hiện từ trước lại càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ.

Tình hình Biển Đông có nhiều phức tạp mới, tiềm ẩn nguy cơ đối với hòa bình, ổn định ở khu vực. Bên cạnh dịch bệnh, các thách thức an ninh phi truyền thống khác nổi lên gay gắt, trong đó có vấn đề an ninh nguồn nước, thiên tai, lũ lụt tác động mạnh đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

{keywords}
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Mặc dù vậy, điểm sáng trong bức tranh thế giới năm qua là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn và là khát vọng cháy bỏng của nhân dân thế giới. Châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục khẳng định là khu vực phát triển kinh tế năng động, là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và có tầm ảnh hưởng về chính trị ngày càng gia tăng.

ASEAN củng cố đoàn kết, thích ứng nhanh với nhiều biến động mạnh của tình hình quốc tế, đặc biệt là tác động của đại dịch và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực và nỗ lực xây dựng Cộng đồng đoàn kết, tự cường và thịnh vượng, hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm để vững bước tiến lên với tầm nhìn mới sau 2025 về một khu vực hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm và tiến bộ xã hội.

Những biến động phức tạp và đa chiều của tình hình thế giới, khu vực năm 2020 đã và đang tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của nước ta, đặt ra những thách thức, cơ hội đan xen. Trong khi đó, năm 2020 là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020.

Trước những thách thức của tình hình, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị đã triển khai xuất sắc nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng môi trường hòa bình, ổn định được giữ vững. Đối ngoại Việt Nam năm 2020 đã vượt qua nhiều thách thức, tranh thủ, tạo ra và tận dụng tốt những cơ hội hợp tác mới, góp phần cùng cả nước khắc phục khó khăn và tiếp tục vươn lên trên con đường phát triển.

Bản lĩnh vượt qua khó khăn

Trong bối cảnh môi trường quốc tế, khu vực có nhiều bất ổn, công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, góp phần giữ đà và thúc đẩy quan hệ với các đối tác, nâng cao vị thế của Việt Nam trong tình hình mới, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ nhất, quan hệ hợp tác của ta với các nước, nhất là đối với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng tiếp tục được củng cố, thúc đẩy. Trước những khó khăn do đại dịch gây ra, chúng ta vẫn thúc đẩy nhiều trao đổi, hợp tác với các nước, nhất là đẩy mạnh trao đổi trực tuyến ở các cấp. Trong đó, lãnh đạo Cấp cao ta đã tiến hành 34 cuộc điện đàm, trao đổi trực tuyến song phương với lãnh đạo các nước. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn triển khai an toàn các hoạt động trao đổi đoàn quan trọng. Lãnh đạo và quan chức cấp cao nhiều nước vẫn chọn Việt Nam đến thăm và thúc đẩy quan hệ.

Chúng ta cũng tiến hành linh hoạt, sáng tạo, kể cả thông qua hình thức trực tuyến, nhiều hoạt động kỷ niệm năm tròn, năm lẻ, năm thiết lập quan hệ ngoại giao, duy trì các cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ, ký kết thỏa thuận quốc tế với nhiều đối tác quan trọng. Năm qua đã chứng kiến quan hệ Việt Nam - New Zealand được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược, qua đó nâng mạng lưới đối tác chiến lược lên 17 quốc gia, cùng với 13 đối tác toàn diện.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam

Thứ hai, năm 2020 để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam, chủ động, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, nhất là ta đã đảm nhiệm thành công cùng lúc nhiều trọng trách quốc tế: Chủ tịch ASEAN 2020 và AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA)/Liên Hợp quốc(LHQ) trong năm đầu của nhiệm kỳ 2020 - 2021.Việt Nam cũng đã phát huy tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế, hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế, tài chính cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế ứng phó với đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hữu nghị của Việt Nam đều tích cực tham gia hỗ trợ các quốc gia, đối tác gặp khó khăn. Ta cũng tranh thủ được sự hỗ trợ về tài chính và trang thiết bị y tế từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế phục vụ kiểm soát dịch bệnh trong nước. Mô hình chống dịch hiệu quả, cùng với tinh thần trách nhiệm và nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam trong hợp tác quốc tế chống dịch đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Ta đã chủ động dẫn dắt, điều phối ASEAN vượt qua nhiều thách thức, ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19; linh hoạt tổ chức trực tuyến thành công nhiều hội nghị, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 cùng các hội nghị với các đối tác đối thoại chủ chốt; thúc đẩy thông qua nhiều văn kiện, trong đó có trên 80 văn kiện tại các Hội nghị Cấp cao, trong tất cả các lĩnh vực quan trọng, nhất là xây dựng Cộng đồng và định hướng xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế, bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển, thượng tôn pháp luật ở khu vực. ASEAN tiếp tục giữ vai trò trung tâm ở khu vực, được các nước coi trọng.

Chúng ta đã đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ (tháng 1/2020). Đồng thời trong cả năm qua, ta đã tham gia chủ động, tích cực tại HĐBA, thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thoả đáng cho các tranh chấp, xung đột... Việt Nam đã để lại những dấu ấn riêng rất cụ thể như lần đầu tiên thúc đẩy HĐBA thông qua một Tuyên bố Chủ tịch về tuân thủ Hiến chương LHQ; tổ chức đối thoại ASEAN - LHQ, qua HĐBA nâng tầm ASEAN và qua ASEAN cụ thể hoá nhiều nội dung hợp tác ở cấp độ toàn cầu.

Việt Nam cũng đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy nghị quyết của Đại hội đồng LHQ thông qua lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh với số nước đồng bảo trợ kỷ lục 112 nước. Tham gia của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tiếp tục được tăng cường. Nhiều sáng kiến, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác như ASEM, APEC, G20, WEF, các cơ chế Tiểu vùng Mê Công… được các nước ủng hộ, đánh giá cao.

Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế đạt được những tiến triển có tính đột phá, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Bên cạnh thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8/2020) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Liên minh Châu Âu, thúc đẩy ký FTA với Anh và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, góp phần quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong 11 tháng đầu năm 2020 giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng 5,3%. Nhiều doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, kinh doanh.

Thứ tư, công tác biên giới lãnh thổ có nhiều kết quả tích cực. Việt Nam và Campuchia đã trao đổi văn kiện phê chuẩn 2 văn kiện pháp lý công nhận 84% thành quả phân giới cắm mốc, chính thức đưa các văn kiện này có hiệu lực. Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước biên giới trên đất liền và 10 năm thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền. Đây là những thành quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng các nước láng giềng xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở Biển Đông; gửi công hàm tới Liên hợp quốc khẳng định rõ lập trường của ta; chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển. ASEAN tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc về Biển Đông trong các văn kiện liên quan của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhấn mạnh Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở xác định các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và là khuôn khổ điều chỉnh các hoạt động trên biển. ASEAN cũng thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Thứ năm, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân Việt Nam đã được triển khai kịp thời; hỗ trợ hiệu quả kiều bào ta ở nước ngoài vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Dù khó khăn do đại dịch, song kiều bào tiếp tục hướng về đất nước, đóng góp xây dựng quê hương bằng nhiều hình thức phong phú. Ta đã triển khai công tác bảo hộ công dân trên phạm vi rộng chưa từng có, tổ chức hơn 280 chuyến bay, đưa gần 80.000 công dân từ hơn 59 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước an toàn; đồng thời tiếp tục tiến hành công tác bảo hộ đối với ngư dân và tàu cá của ta ở nước ngoài.

Thứ sáu, công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại được triển khai tích cực, đặc biệt là đã tận dụng hiệu quả công nghệ số để đẩy mạnh đưa Việt Nam ra thế giới với nhiều sản phẩm và cách làm sáng tạo. Trong năm qua, UNESCO đã công nhận công viên địa chất Đắc Nông là công viên địa chất toàn cầu; Vinh (Nghệ An) và Sa Đéc (Đồng Tháp) là thành phố học tập toàn cầu. Bạn bè quốc tế ngày càng biết đến Việt Nam không chỉ là một quốc gia hòa bình, ổn định, an toàn, nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế mà còn có khả năng tự cường, thích ứng và xử lý hiệu quả các thách thức như đã thể hiện trong thành công chống dịch bệnh.

Những kết quả đối ngoại quan trọng trong năm qua có được là nhờ sự chỉ đạo sâu sát và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, sự đồng tâm hiệp lực và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các binh chủng đối ngoại gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các Bộ, ngành, địa phương. Những thành tựu ý nghĩa trên cũng thể hiện bản lĩnh và sự vươn lên của lực lượng cán bộ đối ngoại ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tâm thế mới trong giai đoạn chiến lược mới

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tạo nền tảng để thực hiện khát vọng phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của nước ta.

Thế giới cũng đã bước sang thập nhiên thứ 3 của thế kỷ 21 với những chuyển biến sâu sắc, mau lẹ và khó lường, tác động trực tiếp, nhiều chiều đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Song trong khó khăn, thách thức, chúng ta vẫn thấy được tia sáng của vận hội và thuận lợi. Đó là thế và lực mới của đất nước sau 35 năm Đổi mới; sự vững mạnh, đoàn kết của cả hệ thống chính trị; sự tin tưởng, đồng hành, ủng hộ của nhân dân cũng như sự trưởng thành, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ đối ngoại. Đây là những tiền đề vững chắc để Việt Nam vững bước vào năm 2021 và những năm tiếp theo với tâm thế mới.    

{keywords}

Nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam năm 2021 là tổ chức triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, làm sâu sắc quan hệ với các nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần củng cố môi trường hòa bình, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.

Chúng ta tin tưởng rằng, với đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, cùng sự hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại trong năm 2021, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, để “tiếng chiêng” của đối ngoại Việt Nam mạnh mẽ, vang xa, thể hiện thực lực đất nước và khát vọng phát triển ngày càng lớn mạnh, phồn vinh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

Đối ngoại Việt Nam năm 2020: Dấu mốc lịch sử và trách nhiệm kép

Đối ngoại Việt Nam năm 2020: Dấu mốc lịch sử và trách nhiệm kép

Năm 2020 đánh dấu mốc lịch sử với đối ngoại Việt Nam, khi lần đầu đảm nhiệm hai trọng trách là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Giữ vai trò kép đồng nghĩa gánh trách nhiệm kép.



Theo Báo VietNamNet

Tàn cuộc sau màn đếm ngược, phố đi bộ hồ Gươm ngập rác

Những hình ảnh "khó thương" trên phố đi bộ ở Hà Nội ngày đầu năm mới 2021 ngập tràn trong rác khắp lòng đường, hè phố.

Sau màn đếm ngược, pháo hoa chào đón năm mới 2021, tuyến đường quanh hồ Gươm, Hà Nội lại ngập ngụa nilon, hộp xốp, vỏ chai...

Từ nửa đêm đến rạng sáng, hàng nghìn người dân tập trung về phố đi bộ quanh hồ Gươm để chào đón năm mới. 

Chương trình đếm ngược chào đón năm mới kết thúc, hàng nghìn người dân kéo nhau ra về, để lại vô vàn các loại rác thải, khiến những con phố đẹp trở nên nhếch nhác.

Giấy bìa, nilon, thức ăn thừa, chai nhựa... tràn khắp các tuyến phố đi bộ. Lượng rác gấp nhiều lần so với ngày thường, khiến các công nhân môi trường phải thức suốt đêm để dọn dẹp.

{keywords}
Rạng sáng 1/1, sau màn bắn pháo hoa chào đón năm mới 2021, dòng người rời khỏi phố đi bộ cũng là lúc đủ các loại rác nằm ngổn ngang. Các thùng chứa rác quá tải, dọc hai bên phố, quanh các gốc cây ngập ngụa rác...
{keywords}
Phần lớn rác thải là các loại túi nilong, lon, vỏ chai nhựa, các loại cốc dùng một lần... người dân sử dụng xong vứt xuống đường.
{keywords}
Các cửa hàng bán đồ ăn nhanh phố Đinh Tiên Hoàng khách xả rác tại chỗ.
{keywords}
Thùng rác đầy ứ...
{keywords}
{keywords}
Rác bao vây gốc cây và bốt điện 
{keywords}
Người đi chơi đêm cuối năm không mấy bận tâm đến rác thải dưới chân.
{keywords}
{keywords}
Hơn 1h sáng, nhân viên vệ sinh bắt đầu dọn dẹp bên trong phố đi bộ Hồ Gươm, những thùng rác cũng được phân loại để chuyển đi.
{keywords}

Thành Nam

Ba miền rực rỡ pháo hoa khoảnh khắc chào năm 2021

Ba miền rực rỡ pháo hoa khoảnh khắc chào năm 2021

Hàng vạn người ở Hà Nội, TP.HCM... từ khắp các ngả đường đổ về trung tâm cùng chào đón năm mới 2021 sau một năm đầy biến động.



Theo Báo VietNamNet

Dấu chân lịch sử của người thợ ở nơi sâu nhất ngành than Việt Nam

“Ăn cơm dương gian, làm nghề âm phủ” là câu nói gắn với nghề thợ mỏ. Họ làm việc thường xuyên ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, mặt mũi đen đặc vì than.

Khuôn mặt sương gió, anh Nguyễn Trọng Thái (công nhân Công ty CP than Hà Lầm), thợ lò xuất sắc nhất của ngành than được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X diễn ra mới đây. Từng được vinh danh nhiều về thành tích lao động sản xuất nhưng khi báo chí phỏng vấn, anh có chút ngượng ngùng.

“Dự Đại hội vừa rồi là vinh dự rất lớn với những người lao động như chúng tôi. Đây là sự động viên, khích lệ để sau khi về địa phương tôi tiếp tục truyền đạt lại cho anh em  tinh thần thi đua yêu nước”, anh Thái chia sẻ.

Anh Thái sinh ra ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, trong gia đình có 4 anh em trai, bố làm kiểm lâm, mẹ làm giáo viên. Cuộc sống gia đình khó khăn, anh quyết tâm sẽ làm việc chăm chỉ để thoát nghèo.

{keywords}
Anh Nguyễn Trọng Thái

18 tuổi, anh tới đất mỏ Quảng Ninh làm công việc đội than thuê. Công việc không ổn định, năm 1992, anh quyết định đi học tại trường công nhân mỏ Hữu nghị Việt Xô. Ra trường năm 1994, anh được nhận về công tác tại Công trường Kiến thiết cơ bản 1, Mỏ than Hà Lầm (nay là Công ty CP than Hà Lầm).

Trước đây, thợ lò gần như "cha truyền con nối", nhưng sau này, tại mỗi công ty số thợ lò là người ngoài tỉnh Quảng Ninh như anh Thái rất đông.

Người thợ xuất sắc đào “vàng đen”

Sau ba năm làm việc, Nguyễn Trọng Thái đoạt giải thưởng “thợ xuất sắc toàn ngành” và được công ty đặc cách nâng lương,  trở thành Tổ trưởng tổ Đào lò của công trường kiến thiết cơ bản 1. Trên cương vị chỉ huy tổ thợ đào lò mang tên mình, tổ sản xuất Nguyễn Trọng Thái luôn duy trì vị trí đứng đầu. Quy định ở công ty Than Hà Lầm, ai làm tổ trưởng thì tổ mang tên người đó, đây như một cách vừa khích lệ tinh thần làm việc, vừa tăng trọng trách người đứng đầu.

Trong 10 năm từ 2009 đến 2018 tổ sản xuất do anh Thái phụ trách đào được gần 10.000m lò xây dựng cơ bản và lò chuẩn bị sản xuất (hằng năm đều vượt từ 110 đến 115% kế hoạch công ty giao), qua đó mở ra nhiều diện tích khai thác than mới cho công ty.

{keywords}
Anh Nguyễn Trọng Thái (người cầm bản vẽ thiết kế) trao đổi với lãnh đạo Công ty CP Than Hà Lầm tìm giải pháp sản xuất an toàn, hiệu quả. Ảnh: Công ty Cổ phần Than Hà Lầm

Tổ của anh đã thi công đào 10.000m lò trong lòng đất dưới độ sâu từ mức -50 đến -300m dưới mực nước biển, bảo đảm an toàn tại những dự án trọng điểm, khó khăn, mở ra nhiều điểm khai thác than áp dụng cơ giới hóa cho công ty để đạt sản lượng trên 2 triệu tấn than/năm.

Năng suất lao động bình quân của tổ luôn dẫn đầu công ty cũng như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Hiện nay, thu nhập bình quân của thành viên trong tổ đạt từ 16 triệu - 25 triệu đồng/tháng, tăng gần 300% lương bình quân đối với công nhân đào lò năm 2009.

Anh Nguyễn Trọng Thái đã có 96 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho đơn vị hơn 10 tỉ đồng. Bên cạnh trình độ chuyên môn giỏi, anh Thái tận tâm giúp đỡ, kèm cặp để nâng cao tay nghề cho các thế hệ công nhân đi sau. Anh đã bồi dưỡng 22 thợ lò trong tổ đạt danh hiệu thợ giỏi cấp công ty, trong đó có 8 người đạt danh hiệu thợ giỏi xuất sắc cấp tập đoàn.

Năm 2009 là bước ngoặt lịch sử của ngành than khi chính thức mở ra một giai đoạn chinh phục độ sâu mới. Anh Nguyễn Trọng Thái vinh dự là người đầu tiên đặt chân xuống độ sâu -300m.

“Trong quá trình làm nghề, đây có lẽ là sự kiện đáng nhớ nhất của tôi. Tôi được lãnh đạo lựa chọn là người đầu tiên xuống tiếp nhận công trình của một nhà thầu nước ngoài để tiếp tục thi công tiếp”, anh kể.

Lần đầu tiên “khai phá” mức kỷ lục mới của ngành, anh khá lo lắng và có đôi chút sợ sệt. Thế nhưng, khi xuống đến nơi rồi, anh lại thấy sung sướng vì đây là độ sâu không phải ai cũng làm được.

{keywords}
Ảnh: Công ty Cổ phần Than Hà Lầm

“Thời điểm tôi xuống, khu vực đó giống như đào một cái giếng. Chúng tôi đào từ độ sâu +75m đến độ sâu -300m tức là tổng độ sâu 375m, mức sâu nhất của ngành mỏ Việt Nam. Bên trong hệ thống mái che và cấp thoát nước chưa có nên tôi gần như ướt hết người, máy móc thiết bị đều được đưa xuống thủ công.

Càng xuống sâu, địa chất càng phức tạp, nước và khí CH4 nhiều, nguy cơ mất an toàn cao, trong khi đó công nghệ và thiết bị vẫn còn mới mẻ. Các thành viên trong tổ mày mò nghiên cứu, học hỏi các chuyên gia kỹ thuật để nhanh chóng làm chủ thiết bị, công nghệ...

Nhờ đó những đường lò xuyên lòng đất dưới mức -300 đã được chinh phục thành công, giúp công ty đưa được 2 lò chợ cơ giới hóa đầu tiên của Tập đoàn vào khai thác hiệu quả”, anh tự hào.

Để đánh dấu thành tựu của ngành, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Namđã lấy dấu chân của anh ở độ sâu -300m đúc đồng. Phòng truyền thống của Công ty CP Than Hà Lầm vẫn đang trưng bày hiện vật này.

Lần cứu hộ xa nhất và đáng nhớ nhất

Ngoài sản xuất, anh cùng anh em thợ mỏ còn tham gia công tác cứu hộ. Vào tháng 12/2014, hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) bị sập, có 12 người bị mắc kẹt bên trong.

Ngay khi sự cố xảy ra, anh là một trong những thợ lò của ngành than được điều vào Lâm Đồng để phối hợp với các lực lượng khác cứu hộ, cứu nạn. Anh dẫn nhóm 5 thợ lò của công ty than Hà Lầm bay ngay trong đêm để vào Lâm Đồng.

“Tôi đã từng tham gia nhiều cuộc cứu hộ nhưng chỉ trong phạm vi tập đoàn và ngành than, đây là lần cứu hộ xa nhất và đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

{keywords}
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao quà lưu niệm cho anh Nguyễn Trọng Thái tại chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2017. Ảnh: VGP

Miệng hầm thủy điện Đạ Dâng nhỏ, ngột ngạt, đất có thể sụp tiếp bất cứ lúc nào khiến anh em thợ, dù đã quen thuộc với hầm mỏ vẫn lo sợ.

Thế nhưng, với tâm niệm những người mắc kẹt phía trong chính là người thân của mình, chúng tôi cố gắng làm thật nhanh, tiến thật sâu. Toàn bộ nạn nhân đã được giải cứu kỳ diệu sau 80 giờ trong bóng tối, thiếu thức ăn, nước uống… Khi toàn bộ nạn nhân được giải cứu, chúng tôi đã ôm nhau khóc”, anh nhớ lại.

Các chiến sĩ công binh là những người đầu tiên tiếp cận và đưa 12 nạn nhân ra ngoài an toàn. Đây là chiến công chung của tất cả các lực lượng tham gia, trong đó có những tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm quý báu và hỗ trợ của đội cứu hộ ngành than, mà ở đó có vai trò của Nguyễn Trọng Thái.

Làm việc ở độ sâu hàng nghìn mét, nghề thợ mỏ có không ít rủi ro, thế nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn yêu nghề, gắn bó với nghề và hòn than để “sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc” như lời Bác dạy.

Với những cống hiến không mệt mỏi, anh vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng năm 2016 vì có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2020, anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Anh hùng, chiến sĩ thi đua đều tỏa sáng tinh thần yêu nước

Anh hùng, chiến sĩ thi đua đều tỏa sáng tinh thần yêu nước

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngoài tinh thần yêu nước, các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) còn có chung một khát vọng cháy bỏng là được cống hiến, xây dựng, đóng góp cho quê hương, đất nước.

Thành Nam



Theo Báo VietNamNet

Dự báo thời tiết hôm nay 1/1: Miền Bắc hửng nắng nhưng vẫn rét run

Dự báo thời tiết 1/1, ngày đầu của năm 2021, các tỉnh miền Bắc dù ban ngày có nắng nhưng vẫn rét đậm, rét hại. Nam Bộ trời lạnh về đêm và sáng sớm.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh nên các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có mưa, mưa rào.

{keywords}
Miền Bắc rét đậm

Ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời rét đậm, rét hại. Trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 7-10 độ, vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao dưới 0 độ và có khả năng cao xảy ra băng giá, sương muối.

Ban ngày trời nắng với nhiệt độ cao nhất buổi trưa và chiều phổ biến 16-19 độ.

Các tỉnh Trung Trung Bộ trời rét với nhiệt độ thấp nhất đêm và sáng sớm từ 14-17 độ; Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trời lạnh; ở Nam Bộ trời lạnh vào đêm và sáng sớm.

Thời tiết các vùng ngày 1/1:

Phía Tây Bắc Bộ

Đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Trời rét đậm, rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.

Nhiệt độ cao nhất 16-19 độ, có nơi trên 20 độ; thấp nhất 7-10 độ, có nơi dưới 4 độ.

Phía Đông Bắc Bộ

Đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Trời rét đậm, rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.

Nhiệt độ cao nhất 16-19 độ; thấp nhất 7-10 độ, vùng núi 6-8 độ, vùng núi cao có nơi dưới 2 độ.

Hà Nội

Ngày nắng, đêm không mưa. Trời rét đậm, rét hại. Nhiệt độ cao nhất 17-19 độ; thấp nhất 8-10 độ.

Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế

Phía Bắc có mưa vài nơi; phía Nam có mưa, mưa rào rải rác. Trời rét; phía Bắc rét đậm, có nơi rét hại.

Nhiệt độ cao nhất 16-19 độ, phía Nam có nơi trên 19 độ; thấp nhất phía Bắc 10-13 độ, phía Nam 14-17 độ.

Đà Nẵng đến Bình Thuận

Có mưa rào rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trời lạnh, phía Bắc có nơi trời rét.

Nhiệt độ cao nhất 22-25 độ, phía Nam 24-27 độ, có nơi trên 27 độ; thấp nhất 18-21 độ, phía Nam 21-23 độ.

Tây Nguyên

Có mưa rào vài nơi. Trời lạnh, có nơi trời rét. Nhiệt độ cao nhất 21-24 độ, có nơi trên 24 độ; thấp nhất 14-17 độ.

Nam Bộ

Có mưa rào vài nơi. Đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ; thấp nhất 20-23 độ. Tại TP.HCM là 30 độ và Cần Thơ 27 độ.

Ba miền rộn ràng đón chào năm mới 2021

Ba miền rộn ràng đón chào năm mới 2021

Hàng vạn người ở Hà Nội, TP.HCM... từ khắp các ngả đường đổ về trung tâm cùng chào đón năm mới 2021 sau một năm đầy biến động.

Hương Quỳnh



Theo Báo VietNamNet

Bán nước chui cho cả nghìn hộ dân ở Thanh Hóa, huyện ra văn bản khẩn

UBND huyện Hà Trung (Thanh Hóa) yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ xây dựng môi trường nước sạch Hà Trung dừng phát triển hạ tầng cấp nước sạch.

Ngày 31/12, UBND huyện Hà Trung có văn bản yêu cầu công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng môi trường nước sạch Hà Trung (Công ty nước sạch Hà Trung) dừng phát triển hạ tầng cấp nước trên địa bàn huyện.

Chủ tịch huyện cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn mời doanh nghiệp làm việc cụ thể với địa phương về kế hoạch phát triển dự án cấp nước; làm rõ hình thức, mức thỏa thuận thu phí lắp đặt ban đầu để báo cáo UBND huyện.

{keywords}
Đường ống nước của công ty được thả dưới mương nước

Liên quan tới chất lượng nguồn nước, ông Đinh Ngọc Quý, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, về quy định, các nhà máy nước sẽ phải kiểm tra mẫu 1-2 lần/tháng để kịp thời phát hiện mầm bệnh truyền nhiễm qua môi trường nước để có biện pháp xử lý.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa có chức năng hậu kiểm chất lượng nước của các nhà máy nước này. Tuy nhiên, đối với những công ty chưa có giấy phép hoạt động thì không có trong danh sách hậu kiểm định kỳ hay đột xuất của trung tâm.

{keywords}
Trạm liên hợp xử lý nước sạch như một bể nước của hộ gia đình

Trước đó như VietNamNet đã phản ánh, Công ty nước sạch Hà Trung mới chỉ được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cấp nước cho 2 xã Hà Tân và Hà Giang.

Dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng nhà máy nước, nhưng đơn vị này đã xây dựng Liên hợp trạm xử lý nước sạch tại xã Hà Yên, huyện Hà Trung và cấp nước cho cả nghìn hộ dân của 4 xã Hà Yên, Hà Tân, Hà Giang, Hà Bắc.

Không những thế, đơn vị này còn thu tiền của các hộ dân với giá cao để lắp đặt đường ống nước từ 6,5 - 7 triệu đồng/hộ.

Lê Dương

Nhà máy ở Thanh Hóa bán nước ‘chui’ cho cả nghìn hộ dân

Nhà máy ở Thanh Hóa bán nước ‘chui’ cho cả nghìn hộ dân

Mới được chấp thuận chủ trương, chưa được cấp phép xây dựng nhà máy nước, nhưng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ xây dựng môi trường nước sạch Hà Trung đã bán nước cho cả nghìn hộ dân.



Theo Báo VietNamNet

Chúng tôi núp dưới bóng cây đa, cây đề chứ không có hình ảnh gì cả

"Văn phòng Chính phủ là cơ quan giúp việc cho Thủ tướng, Chính phủ, chúng tôi núp dưới bóng cây tùng, cây đa, cây đề chứ không có hình ảnh gì cả".

Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chia sẻ nhiều trăn trở về quá trình loại bỏ lợi ích khi mạnh tay cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép con, tiến tới "Chính phủ điện tử, Chính phủ phi giấy tờ".

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, khi Chính phủ quyết tâm sử dụng hồ sơ điện tử thay vì hồ sơ giấy nghĩa là động chạm đến quyền lợi, cát cứ mà thực chất là lợi ích nhóm. Vì vậy quá trình cải cách này đòi hỏi phải làm minh bạch, phải giữ mình trong sạch, dám cắt bỏ lợi ích riêng để hướng tới lợi ích chung.

{keywords}
Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Việt Hùng

Văn phòng Chính phủ không bị tác động từ bất cứ bộ nào

Chắc hẳn trong quá trình này, bản thân Bộ trưởng nói riêng và VPCP nói chung gặp không ít rào cản và chịu nhiều áp lực từ các bộ, ngành?

Đã là đổi mới, cải cách thì phải có sự phản đối. Đổi mới mà không có sự phản đối, vẫn dựa trên những tiền lệ cũ, những rào cản không bị cắt bỏ, những quyền lợi, nhóm lợi ích không bị cắt bỏ thì không phải là đổi mới.

Với sự chỉ đạo rất gương mẫu của Thủ tướng thì khi giao nhiệm vụ chúng ta phải chấp hành, thực hiện. Khi thực thi, không phải ai cũng đồng thuận ngay, hiểu ngay một lúc. Nhưng phải có sự rất quyết tâm, rất quyết liệt, quan trọng là quá trình làm phải công khai.

Trong quá trình đó, gặp phải áp lực là chuyện bình thường. Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo từ bỏ “trên nóng, dưới lạnh”, tham nhũng “vặt”… Có nghĩa, không riêng VPCP mà tất cả bộ, ngành, địa phương đều phải tham gia cải cách mạnh mẽ.

So với ban đầu, sức ép bây giờ giảm nhiều vì chúng ta đã có làn sóng cải cách. Tất nhiên, dù có sức ép cũng phải thực hiện cho được mục tiêu hàng đầu là cải cách. Còn anh nào tạo ra rào cản, co kéo lợi ích về bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo thì người đứng đầu bộ đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân.

Tôi nghĩ, tất cả vì một đất nước hùng cường thì tư tưởng cục bộ cá nhân, vun vén cho nhóm lợi ích dần dần sẽ hạn chế. Hơn nữa, với sự giám sát của các cơ quan báo chí, người dân thì tư tưởng co kéo lợi ích sẽ dần bị loại bỏ, nếu có cũng nhẹ hơn rất nhiều.

Vấn đề là làm sao để hài hòa giữa lợi ích của người dân, DN với lợi ích của nhà nước và có khi nào Bộ trưởng phải thỏa hiệp trước sự phản ứng mạnh mẽ từ một phía nào đó?

Tôi cho rằng tất cả cơ chế, chính sách phải đảm bảo hài hòa các lợi ích, mà trước hết là lợi ích của đất nước, lợi ích của người dân, của DN.

Là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng, chúng tôi phải luôn trung thành, tận tụy, trung thực. Khi nhận thấy có vấn đề không ổn phát sinh hay có rào cản, chúng tôi phải báo cáo độc lập, phản biện luôn tại cuộc họp Chính phủ. 

Nếu VPCP không làm được như vậy thì có lỗi rất lớn và phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Cho nên, trong từng vấn đề VPCP thảo luận rất kỹ, cũng như lắng nghe báo chí, các hiệp hội…

Tôi cho rằng ở chỗ này, chỗ kia có lúc sẽ không tránh khỏi việc phải thỏa hiệp. Riêng VPCP là cơ quan trung gian nên chúng tôi rất khách quan, minh bạch, không chịu tác động từ bộ nào, cũng chẳng lấy của ai để co kéo gì về mình. Chúng tôi chỉ làm tất cả những việc được pháp luật quy định, giao nhiệm vụ.

Đồng tiền biết nói và thời gian biết nói hết

Nhìn lại một nhiệm kỳ giữ vai trò Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, người phát ngôn của Chính phủ với những việc đã làm được, Bộ trưởng mong muốn người dân nhớ về mình là một vị Bộ trưởng gần dân, bộ trưởng hành động, cải cách hay là một tên gọi nào khác?

Mong muốn của người dân thì rất nhiều, rất lớn và VPCP là cơ quan giúp việc cho Thủ tướng, chúng tôi núp dưới bóng cây tùng, cây đa, cây đề chứ không có hình ảnh gì cả.

{keywords}

Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP

Đồng tiền biết nói và thời gian biết nói hết. Chúng tôi không làm gì để thông qua báo chí đánh bóng cơ quan hay cá nhân.

Chúng tôi trung thành với Tổ quốc, đất nước, tận tụy phục vụ để hướng tới một Chính phủ phục vụ người dân, DN. Nếu người dân, DN hài lòng, chúng tôi rất phấn khởi, hài lòng với những gì mình đã đóng góp cho đất nước, cho Chính phủ. 

Tôi mong rằng báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, Thủ tướng và VPCP để  tạo ra những kết nối, thông tin 2 chiều hài hoà. Chúng tôi làm không tốt thì các cơ quan báo chí không thể nói tốt được và khi không làm được thì cũng không bao giờ nói chúng tôi làm được.

Chúng tôi luôn luôn minh bạch và tạo ra công cụ để đánh giá sự minh bạch này. Đồng tiền biết nói và thời gian biết nói hết. Chúng tôi không làm gì để thông qua báo chí đánh bóng cơ quan hay cá nhân.

Chúng tôi là người giúp việc, chỉ đứng sân sau. Nhưng những điều Chính phủ, Thủ tướng làm được, chúng tôi phải nói để thông qua báo chí cũng truyền tải tư tưởng đến người dân.

Thủ tướng đã truyền cảm hứng về tinh thần cải cách 

Chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc một nhiệm kỳ Chính phủ và bắt đầu một nhiệm kỳ mới, nhìn lại cả quá trình vừa qua, điều gì khiến Bộ trưởng vẫn còn trăn trở?

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, quyết tâm của chúng tôi là xây dựng VPCP thành đơn vị chuyên nghiệp, hiện đại, quản trị thông minh. Tư tưởng này được quán triệt và thấm nhuần đến từng cán bộ, công chức, viên chức.

Nhìn lại, tôi thấy sự cố gắng của anh em vô cùng lớn, đến giờ khác rất nhiều so với thời đầu nhiệm kỳ. Từ đánh giá cán bộ đến công khai, minh bạch trong đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đều rất công khai, không giấu giếm.

Chúng tôi cũng có phần mềm đánh giá công việc của từng chuyên viên. Anh nào giỏi mà làm chậm thì là “đánh võng”, còn làm chậm mà không giỏi tức là giấu dốt, bảo thủ. Chúng tôi phân công việc là theo năng lực chứ không bổ đầu mỗi anh phụ trách một mảng và phải làm việc theo nhóm để vừa giám sát, theo dõi, vừa trao đổi để xử lý công việc hiệu quả tốt hơn.

{keywords}
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiểm tra tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Tất nhiên, sự đóng góp của anh em VPCP chỉ góp một phần rất nhỏ trong thành công của Chính phủ. Với mong muốn của Chính phủ, Thủ tướng thì chúng tôi phải cố gắng rất nhiều, luôn trau dồi lý luận, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Ở VPCP, khi việc chưa xong thì chưa về chứ không có định nghĩa làm việc mỗi ngày 8 tiếng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách, đổi mới để đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và mong muốn của người dân.

Với tinh thần “dám vứt bỏ quyền lợi” liệu có làm giảm vị thế của VPCP vốn được nhiều người gọi là "siêu bộ" hay không thưa Bộ trưởng?

Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, tôi khẳng định ngay VPCP không phải “siêu bộ”. Từ “siêu bộ” người ta dùng để đánh giá cơ quan đó rất quyền lực, rào cản lớn. Còn pháp luật từ đó đến nay vẫn quy định VPCP là cơ quan tham mưu, giúp việc, tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng.

Có thể nói, Thủ tướng đã truyền cảm hứng về tinh thần cải cách, về một Chính phủ kiến tạo đến chúng tôi. Vì vậy, thời gian qua, VPCP là cơ quan rất gương mẫu, đi đầu trong cải cách, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đã thay đổi rất nhiều.

Biên chế của VPCP cũng giảm nhiều, đến năm 2021 đã giảm 11,9%. Nhưng với ứng dụng CNTT, chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ, công khai, minh bạch và không có chuyện “quyền anh, quyền tôi”.

Tôi nghĩ, người ta có quý mới gọi điện trao đổi, chứ không đã nói “sau lưng” thì đau đớn, day dứt, tâm tư hơn nhiều. Cho nên, khi Bí thư, Chủ tịch các địa phương chủ động liên hệ, dù văn bản chưa đến chúng tôi vẫn làm ngay. VPCP phải chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương nhưng dùng kỹ xảo, kỹ thuật để đánh lừa thì không thể qua mắt được chúng tôi.

Thu Hằng

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chính phủ nhiệm kỳ sau phải có trách nhiệm với khóa trước

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chính phủ nhiệm kỳ sau phải có trách nhiệm với khóa trước

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ với VietNamNet nhân dịp năm mới về những vui buồn, trăn trở trong chặng đường 4 năm giúp việc cho Thủ tướng.



Theo Báo VietNamNet

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Ba miền rộn ràng đón chào năm mới 2021

Hàng vạn người ở Hà Nội, TP.HCM... từ khắp các ngả đường đổ về trung tâm cùng chào đón năm mới 2021 sau một năm đầy biến động.

Dịp Tết Dương lịch 2021, TP.HCM bắn pháo hoa tại 4 điểm. Hai điểm tầm cao là khu vực đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn (quận 2) và tòa nhà Landmark 81, khu vực Công viên Central Park (phường 22, quận Bình Thạnh).

Hai điểm tầm thấp còn lại là công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11) và Khu công nghệ cao (quận 9). 

Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại 3 điểm là hồ Gươm, công viên Thống Nhất và sân vận động Mỹ Đình.

Một số điểm ở Hà Nội, TP.HCM cũng diễn ra các sự kiện chào năm mới 2021: Quảng trường Cách Mạng Tháng 8 (Hà Nội), Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phố đi bộ Nguyễn Huệ... thu hút hàng chục nghìn người theo đến theo dõi.

Ngoài 7 điểm bắn pháo hoa tại Hà Nội và TPHCM, trên cả nước còn có nhiều điểm trình diễn nghệ thuật đặc sắc. 

Các địa phương cũng đã yêu cầu người dân và lực lượng chức năng tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trong đó bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài đường.



Theo Báo VietNamNet

Ông Trần Quốc Vượng: Chú trọng công tác dân vận của các cơ quan nhà nước

"Chú trọng công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận chính quyền, bởi đây là nơi quyết định và cũng là nơi tổ chức thực thi chính sách, pháp luật".

Sáng nay 31/12, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác dân vận nhiệm kỳ ĐH XII của Đảng, tổng kết công tác dân vận năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và hơn 3 nghìn đại biểu dự trực tuyến tại các địa phương.

Thường trực Ban Bí thư - Trần Quốc Vượng (Ảnh: Thanh niên)
Thường trực Ban Bí thư - Trần Quốc Vượng (Ảnh: Thanh niên)

Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua là công tác dân vận đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cơ chế phối hợp trong hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng tham mưu cho các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo; góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, phát huy hiệu quả cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân; tích cực góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, lãng phí; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Trong đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân, phát huy dân chủ, chủ động tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Đặc biệt, công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm, chủ động nắm tình hình, hạn chế xảy ra các điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự...

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai công tác dân vận tại địa phương, Bí thư tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ cho biết, là tỉnh miền núi biên giới với hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế xã hội con nhiều khó khăn, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền lôi kéo kích động, chống phá đảng, nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vì vậy, tỉnh đã tích cực đổi mới công tác dân vận trong cơ quan nhà nước gắn với chức năng nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành. Trong đó ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội thiết yếu hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Bí thư tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ cho rằng: "Chúng tôi xác định một số giải pháp trong thời gian tới về công tác dân vận tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở  tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân thường xuyên tiếp xúc lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân và kịp thời giải quyết những kiến nghị nguyện vọng chính đáng của nhân dân".

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định, những kết quả quan trọng trong công tác dân vận góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, nhà nước và nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác dân vận tại các địa phương, đơn vị, ông Trần Quốc Vượng cho rằng: Thời gian tới, trước những thời cơ và thách thức mới, đặc biệt là dịch Covid -19 vẫn diễn biến khó lường, đặt ra yêu cầu cao đối với công tác dân vận của Đảng.

Do đó, Ban dân Vận Trung ương cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận của Đảng, lấy sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ đảng viên. Đặc biệt, cần cụ thể hóa và thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: "Chú trọng công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận chính quyền, bởi đây là nơi quyết định và cũng là nơi tổ chức thực thi chính sách, pháp luật. Cán bộ đảng viên phải “Thực sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”.

Phát buy vai trò nêu gương trong cuộc sống, nhất là cán bộ quản lý. Tạo chuyển biến thực sự trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng , dư luận xã hội trong nhân dân một cách khoa học, thực chất để kịp thời giải quyết, tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đơi sống nhân dân."

Ông Võ Văn Thưởng: Cần vượt qua cám dỗ, đặt danh dự trên từng trang viết

Ông Võ Văn Thưởng: Cần vượt qua cám dỗ, đặt danh dự trên từng trang viết

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đội ngũ người làm báo cần vượt qua cám dỗ, thực sự tâm huyết, công tâm, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân trên từng trang viết.

Theo vov.vn



Theo Báo VietNamNet

Tổng thống Putin chúc mừng năm mới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chúc mừng dịp Năm mới 2021 và Tết cổ truyền Việt Nam tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Theo thông cáo mới được đăng tải trên website chính thức của Điện Kremlin, trong thông điệp chúc mừng, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các động lực tích cực trong mối quan hệ Nga-Việt trong nhiều lĩnh vực, bất chấp những khó khăn gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Người đứng đầu nhà nước Nga bày tỏ tin tưởng rằng, thông qua những nỗ lực chung của Nga và Việt Nam, "Hai bên sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng đầy đủ lợi ích của nhân dân hữu nghị hai nước, đồng thời với việc củng cố hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Điện Kremlin thông tin.

{keywords}
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Putin

Cùng ngày, Tổng thống Putin cũng đã gửi lời chúc năm mới đến lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của nhiều quốc gia trên thế giới, lãnh đạo các tổ chức quốc tế.

Chiều nay, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam cũng gửi lời chúc mừng năm mới. Theo Đại sứ quán, năm 2020 là một năm đầy phức tạp, đòi hỏi nhiều sức lực và ý chí.

"Năm qua đã cho ta thấy cái giá của tình thương, sự quan tâm và chịu đựng. Chúc cho Năm mới 2021 đem lại không chỉ niềm vui, mà còn nhiều những sự kiện tốt lành cho mỗi gia đình. Chúng tôi xin chúc các bạn và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!", trang fanpage của Đại sứ quán Nga đăng lời chúc.

Thành Nam

Tổng thống Nga Putin: Tôi đồng ý với 'Tuyên bố Hà Nội'

Tổng thống Nga Putin: Tôi đồng ý với 'Tuyên bố Hà Nội'

Theo tin từ Đại sứ quán Nga, tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS được tổ chức vào tối qua (14/11) Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cao vai trò của EAS đối với các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. 



Theo Báo VietNamNet