Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nói về Đại sứ quán ảo được một số nước áp dụng mà Việt Nam có thể cân nhắc nhằm mở rộng tầm bao phủ đến những khu vực kiêm nhiệm.
Sáng 18/12, phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành với chủ đề: “Đổi mới, sáng tạo hướng tới xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại” diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đối ngoại và ngoại giao luôn gắn liền với sự phát triển bang giao quốc tế và phục vụ lợi ích các quốc gia-dân tộc. Chính sự phát triển của các quốc gia-dân tộc và bang giao quốc tế đã thúc đẩy các nền ngoại giao trên thế giới không ngừng phát triển.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu |
Nhiều năm nay, ngành ngoại giao đã và đang triển khai đồng bộ và gắn kết chặt chẽ các trụ cột, binh chủng ngoại giao, bao gồm ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân, nhằm thực hiện nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định...
Tại hội nghị Đối ngoại toàn quốc gần đây, Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới”.
Như vậy, theo Bộ trưởng Ngoại giao bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, đòi hỏi ngành ngoại giao phải chủ động, tích cực tìm cách làm mới, hướng đi mới, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước như ngoại giao công nghệ, ngoại giao số, ngoại giao môi trường, ngoại giao y tế, ngoại giao năng lượng...
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu rõ xây dựng một nền ngoại giao hiện đại đã được nêu tại Hội nghị Ngoại giao 30 năm 2018.
“Việc xây dựng nền ngoại giao hiện đại thuộc trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, trên tinh thần thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh - ngoại giao mang tính toàn diện. Đó là, lợi ích quốc gia-dân tộc, độc lập tự cường, là bạn với tất cả các nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Đặc biệt là nghệ thuật ngoại giao “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “ngoại giao tâm công” trên cơ sở 3 trụ cột ngoại giao, toàn bộ các bộ, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị, tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa và các lĩnh vực khác cùng vào cuộc”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu |
Nói về các hình thức ngoại giao truyền thống, Phó Thủ tướng nêu xây dựng nền ngoại giao hiện đại sử dụng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có nhiều ý kiến đã đặt vấn đề về ngoại giao số trong thời điểm hiện nay nhằm bắt kịp xu thế toàn cầu. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã xuất hiện hình thức ngoại giao trực tuyến nhằm duy trì các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao thông qua các thiết bị công nghệ số hay các cơ quan đại diện cũng có rất nhiều hình thức như là mời tiệc trực tuyến, trao đổi về văn hóa, ẩm thực, quảng bá trực tuyến.
Do đó, việc xây dựng nền ngoại giao hiện đại dựa trên cơ sở công nghệ số, tức là áp dụng công nghệ, khoa học để tiến hành các phương thức ngoại giao như một số nước trên thế giới đã áp dụng hình thức Đại sứ quán ảo…
Cùng với 96 Đại sứ quán, Tổng lãnh sự, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, Phó Thủ tướng cho rằng, để tiếp tục mở rộng tầm bao phủ hơn nữa đến tất cả các nước, nên cân nhắc đến ngoại giao số trực tuyến, đặc biệt tại các đại sứ quán kiêm nhiệm ở khu vực Mỹ La tinh, châu Phi…
Phó Thủ tướng Thường trực một lần nữa nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm rất lớn trong việc đưa nội hàm của ngoại giao hiện đại vào quá trình vận hành công tác Ngoại giao thông qua ngoại giao số. Cùng với đó, ngành Ngoại giao cần tiếp tục hoàn thiện thể chế; củng cố, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phù hợp xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại phục vụ thực hiện mục tiêu đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo xây dựng nền ngoại giao hiện đại cũng được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhắc đến. Ngành Ngoại giao đã có được đội ngũ cán bộ mạnh, phát huy được truyền thống của ngành.
Tuy nhiên, khâu tuyển chọn cán bộ cũng cần được tiếp tục phát huy nhằm huy động được nguồn nhân lực có năng lực, hiểu biết nhiều vấn đề, có văn hóa, có trình độ, phù hợp với xu thế ngoại giao số như hiện nay. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ cán bộ ngoại giao làm việc trong các lĩnh vực trọng yếu như biên giới, vấn đề trên biển, quan hệ với các nước…
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục phát huy trí tuệ, cùng với các bộ, ngành, xây dựng Chiến lược phát triển ngành Ngoại giao đến năm 2030.
Trần Thường - Phạm Hải
Ấn tượng về sự dung dị trong thông điệp 'ngoại giao cây tre' của Tổng Bí thư
Trong bài phát biểu kéo dài hơn 60 phút tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đi thông điệp quyết tâm xây dựng trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam".
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét