Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

Ước nguyện của người sở hữu kho báu trong rừng ở Quảng Ninh

Hơn 300 cây lim cổ thụ kích thước phải hai người ôm mới xuể của gia đình già Cao như kho báu khổng lồ bao nhiêu người ao ước. 

Gian nan nuôi rừng lim gần 1 thế kỷ

Cách TP Hạ Long (Quảng Ninh) chừng 40km về phía Tây, những ngọn đồi xanh ngút tầm mắt nhấp nhô tạo nên cảnh kỳ vĩ của hệ thống đèo Hạ My. Do cách xa trung tâm thành phố và chỉ có duy nhất con đường độc đạo dẫn vào nên dân cư ở đây thưa thớt, không khí trầm lắng, vắng tiếng ồn xe cộ.

Dọc theo quốc lộ 279 dưới chân đèo Hạ My, khu đồi lim cổ thụ của già làng Triệu Tài Cao (80 tuổi, người Dao Thanh Phán, thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long) hiện rõ nhất vùng vì cây cối ở đây cao vượt hơn so với những khu lân cận. Cũng vì điểm đặc biệt này mà việc tìm tới nhà già Cao không mấy khó.

Dưới những tán rừng, nhà già Cao nhỏ nhắn, cũ kỹ nhất thôn với chỉ hai gian nhỏ nhưng chứa đầy tranh ảnh kỷ niệm về những năm tháng giữ rừng. Ở cái tuổi bát tuần, già Cao vẫn đủ sức vịn vào chiếc gậy để thỉnh thoảng đi lên rừng cùng con cháu thăm lim sau nhà.

{keywords}
Nhà già Triệu Tài Cao cũ kỹ lọt thỏm dưới chân đèo Hạ My

Già kể, cách đây gần một thế kỷ, vì không muốn cuộc sống mãi là du canh du cư nữa nên chọn chân đèo Hạ My làm nơi an cư lạc nghiệp. Trước đây, nơi này chỉ là vùng đồi hoang sơ, um tùm cây thấp và dây leo, không có gì có thể phát triển kinh tế. 

Nhớ lại vào những năm 60, đi cùng bố để đào trầm mong đổi đời, già tận mắt chứng kiến những cánh rừng lim bị phu trầm đào bới, bật tung gốc không thương tiếc. Từ đó ao ước được sở hữu riêng một khu rừng lim trong già nhen nhóm.

{keywords}
Già Cao năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn nhớ khu rừng mình trồng có bao nhiêu cây lim

Năm 1969, theo lời kêu gọi của Bác Hồ về Tết trồng cây, già Cao bắt đầu cùng con dọn sạch khu đồi sau nhà để trồng những cây con đầu tiên. Thời gian đó, việc có được giống cây trồng là vô cùng khó khăn. Để giải quyết việc này, trong nhiều tháng trời, già Cao mang gùi, cơm nắm rong ruổi khắp rừng thẳm để nhặt hạt giống đem về ươm mầm.

Thành công ban đầu là loạt cây lim, sến, táu trồng xen kẽ sau khi ươm thành cây non. Tuy nhiên cây cứ phát triển cao đến đầu gối là tự chết dần. Nguyên nhân cũng bởi đất đai cằn cỗi và những cây gỗ loại cao lớn như vậy phải trồng cách xa nhau.

Không nản chí, già Cao tiếp tục vào những cánh rừng nhặt hạt, đánh những cây con về trồng, thất bại nhiều cũng rút ra được bài học, dần dần khu rừng của già Cao thành hình, cây mọc khoẻ, không còn cây chết.

{keywords}
Rừng lim sau nhà của già Cao nay đã cao vút

Giao rừng cho già Cao

Năm 1980, gia đình già Cao được nhà nước giao quản lý 32ha rừng. Có động lực, già cùng các con trai trồng thêm nhiều cây gỗ quý và cây dược liệu thấp dưới tán.

Trải qua hàng chục năm, cây nhỏ mọc thành cây to, rụng hạt rồi mọc cây mới, đến nay cả khu đồi sau nhà đã có tới hàng trăm cây gỗ quý lâu năm.

Có những đêm như tâm trí mách bảo, đang ở nhà thì già Cao bật dậy cầm đèn pin đi tuần rừng. Phát hiện nhóm trộm đang hì hục cưa cây, già Cao phải hô hào 5 người con chạy lên trợ giúp xua đuổi, nhóm trộm chống trả, nhiều khi đổ cả máu mới đuổi được đi. Sau nhiều lần như vậy, già Cao nhớ như in số lượng và vị trí từng cây trong khu đồi của gia đình.

{keywords}
Những cây lim nhỏ mọc lên sau mùa rụng quả trên khu rừng của già Cao

"Nếu để bán lấy tiền thì gia đình tôi đã bán cả rừng lim từ lâu rồi. Có người còn tới tận nhà xuống tiền muốn mua cả khu đồi nhưng tôi lắc đầu nhất quyết không bán. Rừng trồng cả đời người, tôi để đó sau này con cháu còn biết đâu là cây lim, cây táu, chứ bán đi, tiền tiêu rồi cũng hết", già Cao trải lòng.

Đến năm 2012, do sức khoẻ đi xuống, già Cao chia 32ha rừng cho 5 người con cai quản, con út trong gia đình là anh Triệu Tiến Lộc được phần lớn nhất với 10ha.

"Chia như thế nào là do ông cụ, ít hay nhiều thì anh em trong nhà cũng không ganh tị gì cả. Âu cũng là vì cái chung giữ rừng, tâm nguyện cả đời của bố tôi đấy", anh Lộc chỉ lên cánh rừng lim sau nhà rồi nói.

{keywords}
Anh Triệu Tiến Lộc, con trai út của già Cao thường xuyên đi thăm rừng lim sau nhà

Kế thừa ý chí của bố, hàng ngày đi làm về, anh tranh thủ đi tuần một vòng để kiểm cây. Trên con đường dẫn tới đỉnh đồi, anh không ngừng kể về quá trình giữ rừng và vị trí những cây lớn. Hiện tại, khoảnh rừng của anh có hơn 300 cây lim cổ thụ kích thước phải hai người ôm mới xuể.

Để kiếm thêm thu nhập, gia đình anh trồng xen kẽ cây thảo dược, cây kinh tế tán thấp ngắn ngày, đến vụ là thu hoạch, cũng đủ để trang trải cuộc sống.

{keywords}
Những cây được trồng gần 1 thế kỷ nay cao lớn, vươn rộng tán lá

"Nếu mà bán một vài cây lim, tôi có trong tay mấy trăm triệu để để xây nhà mới , nhưng tâm nguyện của bố cũng là của tôi. Không bán được! Bao công giữ rừng, giờ chặt đi tiếc lắm", anh Lộc trải lòng.

Chủ tịch UBND xã Tân Dân ông Hồ Ngọc Thuỷ cho biết, hộ gia đình ông Triệu Tài Cao rất đặc biệt và là điển hình trong việc bảo vệ, phát triển rừng của địa phương. Rất hiếm có gia đình nào giữ được khu rừng lim với giá trị cao như vậy vì người dân của xã từ lâu đã chuyển đổi sang trồng keo hay những cây kinh tế ngắn ngày.

{keywords}
Anh Lộc kế thừa truyền thống gia đình, giữ rừng lim chứ không bán

"Khu rừng nhà ông Cao đã được phê duyệt làm điểm du lịch sinh thái, tuy nhiên vì kinh tế eo hẹp, các con của ông Cao chưa thực hiện được. Chúng tôi cũng có kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ trong thời gian tới", ông Thuỷ nói.

{keywords}
Rừng lim cổ thụ còn là nơi ở của nhiều động vật hoang dã

Năm 2018, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khi đó đã không khỏi bất ngờ khi ghé thăm khu rừng. Ông ngưỡng mộ khi một gia đình sống ở nơi hẻo lánh, kinh tế còn khó khăn mà không đốn hạ, trái lại còn tìm mọi cách tái sinh rừng.

{keywords}
Ảnh già Triệu Tài Cao (áo đen) dẫn đoàn của Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc (năm 2018) tới thăm khu rừng lim (Ảnh: gia đình cung cấp)

Phạm Công

Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới phát triển xanh và bền vững

Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới phát triển xanh và bền vững

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, dù tỉnh đã và đang thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực nhưng quan điểm là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét