"Hiện nay các vụ án đánh bạc dùng tiền thật chuyển thành tiền ảo để chơi, khi phá án, chúng ta phong tỏa tiền ảo nhưng vấn đề đặt ra là gặp khó trong thu hồi tài sản, vì tiền ảo không được công nhận".
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM nêu vấn đề trên ra hội nghị phòng ngừa vi phạm tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số và đảm bảo an ninh thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số tại Việt Nam. Hội nghị do Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức sáng nay (21/12) với sự tham dự của nhiều đại diện Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.
Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, các hình thức đấu tranh với tội phạm tài trợ khủng bố, rửa tiền trước đây đã trở nên lạc hậu khi hiện nay tội phạm có thể dễ dàng chuyển hàng triệu USD thông qua tiền ảo và ví điện tử.
Theo ông Quang, tiền ảo hiện nay không phải là hợp pháp dẫn đến những khó khăn chung trong xử lý các vi phạm liên quan đến đồng tiền này.
Tội phạm tấn công mạng vào hệ thống trọng yếu năm 2021 |
Phó Giám đốc Công an TP.HCM Nguyễn Sỹ Quang nhìn nhận, ở một góc độ khác về tiền ảo, qua nhiều vụ án đánh bạc bị cơ quan chức năng phát hiện thời gian gần đây cho thấy các đối tượng đã chuyển tiền thật thành tiền ảo nhưng việc xử lý thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn.
“Tiền ảo không được nhà nước công nhận nên phải xử lý như thế nào, trong khi về hình thức nào đó thì đó là tiền của bị hại, của người dân”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nói và đề nghị liên ngành T.Ư cần có quy định về thu giữ chuyển đổi tiền điện tử trong các vụ án xảy ra trên không gian mạng để thu hồi tiền thật, tài sản thật về cho nhà nước.
Liên quan đến tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố, ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền đối với hoạt động thanh toán trên không gian mạng thấy nổi lên một số hành vi, thủ đoạn phổ biến.
Cụ thể, tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua hình thức cá độ thể thao, game bài đổi thưởng với phương thức thức chuyển tiền lòng vòng giữa các cá nhân với nhau, qua các loại ví điện tử, thẻ viễn thông. Các tài khoản phát sinh nhiều giao dịch chuyển khoản qua internet banking với tần suất lớn trong ngày.
Chỉ tính riêng qua phân tích và xử lý các báo cáo giao dịch đáng ngờ, từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý 427 trường hợp có liên quan đến hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Đáng chú ý, đối tượng là người Việt Nam liên kết, móc nối với các đối tượng ở nước ngoài sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo. Sau khi nhận được tiền của người bị hại do lừa đảo và có qua tài khoản ngân hàng, đối tượng đã chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để mua, bán tiền ảo trên các sàn giao dịch tiền ảo (Huobi; Binance) rồi rút tiền ở nước ngoài để chiếm đoạt.
Theo ông Phong, tiền ảo có thể là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố do có thể chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền "sạch".
Về rửa tiền thông qua tiền ảo, tài sản ảo, ông Phong khẳng định, quy định của pháp luật Việt Nam, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp; việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật.
Đoàn Bổng
Thông tin về thủ đoạn rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo
Tiền ảo có thể là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố do có thể chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền "sạch".
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét