Khoảng 10 năm nay, từ năm 2002, cứ dịp Tết đến, xuân về là Ban Bí thư lại ra Chỉ thị về tổ chức tết, trong đó có việc cấm tặng quà tết cho cấp trên.
Những năm đầu, vấn nạn này chưa nghiêm trọng nên chỉ thị chỉ nêu: “Không mang hoa, quà đến nhà riêng các đồng chí lãnh đạo để chúc Tết”, nhưng càng về sau, quy định càng chặt chẽ hơn do tặng quà tết đã có biến tướng, nên chỉ thị nhấn mạnh: Nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên.
Thật ra tặng quà Tết là một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Đây là dịp đặc biệt nhất trong năm để người ta bày tỏ tình cảm, sự biết ơn, tri ân đến những người mà họ trân trọng. Có thể thấy nó tồn tại rất lâu trong nền văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhìn rộng ra các nước khác cũng có những thông lệ như vậy.
Nét đẹp ấy là sự tri ân của mối quan hệ thầy trò, những người từng dìu dắt mình; hay cấp dưới đến tặng quà cấp trên để thể hiện lòng biết ơn về sự dìu dắt, giúp đỡ trong suốt 1 năm; người bệnh cảm ơn thầy thuốc đã cứu sống…
Sự biến tướng của tặng quà tết |
Tuy nhiên càng ngày nét đẹp ấy có sự biến tướng. Sự biến tướng này không phải đợi đến bây giờ, mà ngay từ thời xa xưa đã có. Đặng Huy Trứ ở thế kỷ XIX từng viết cuốn sách “Từ thụ yếu quy” để nói về những quy tắc khi được tặng quà. Ông đã rất chi tiết khi nói về những món quà. Không phải món quà nào cũng bị từ chối hay bị cho là mua chuộc, hối lộ. Ông phân biệt rõ những món quà nào cần phải từ chối tuyệt đối, nhưng có những món quà phi vụ lợi thì có thể nhận nhưng cũng phải theo các nguyên tắc… nhưng ngày nay nó là sự phổ biến trở thành tệ nạn.
Cái nguy hại của nó là ở chỗ toàn dùng của công để làm lợi cho cá nhân. Họ chúc Tết cấp trên không phải danh nghĩa cá nhân mà là đại diện: Đại diện công ty, đại diện ban ngành, đại diện địa phương để tặng quà cấp trên. Dân gian thường nói “của người phúc ta” là như vậy.
Thực tế chỉ thị đã giải tỏa được những băn khoăn của xã hội, hạn chế được những tệ nạn xảy ra “lộ liễu”, nhưng điều đáng nói là tình trạng biếu tặng quà tết lại biến tướng, bằng nhiều hình thức tinh vi hơn, dễ “thông cảm” hơn.
Xe cộ không chỉ đến nhà riêng quan chức, mà người ta còn tìm đến cơ quan “xin ý kiến”, “xin chỉ thị” rồi tranh thủ tặng quà. Cũng có nhiều đơn vị tranh thủ dịp tổng kết cuối năm mời lãnh đạo xuống tham dự, rồi kết hợp biếu quà Tết… Có thể nói, vấn nạn này đang biến tướng rất nhiều, và chưa chặn đứng, đẩy lùi được.
Có những biến tướng rất khó gọi tên. Họ biết sếp thích cây cảnh thì tặng cây cảnh, thích tượng thì tặng tượng.. Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương khi còn sống đã từng nói bây giờ có những người còn biếu tặng nhau những món quà tiền tỷ, như những cây cảnh hàng tỷ đồng, hay những bức tượng được đúc bằng vàng trị giá nhiều tỷ đồng… Đó cũng là một hình thức hối lộ trá hình.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng "những món quà Tết đáng lên án là những món quà hối lộ trá hình, xuất phát từ động cơ vụ lợi, hoặc là cơ hội để trả ơn vì được nâng đỡ, hoặc giúp đỡ để có được dự án này, lợi lộc kia. Nếu không trả ơn thì cũng là dịp để người biếu tặng và người nhận mặc cả, hy vọng được nâng đỡ, được cất nhắc bổ nhiệm”.
Không phải quà Tết nào cũng đáng lên án, nét đẹp của tết chính là sự quan tâm, sẻ chia, đùm bọc. Chỉ thị của Ban Bí thư ngoài việc cấm tặng quà tết cho cấp trên còn quan tâm đến nhiều mặt trong đời sống tinh thần của xã hội, nhấn mạnh đến việc các cấp, các ngành quan tâm, tặng quà Tết đến các đối tượng chính sách, đối tượng nghèo trong xã hội. Đây cũng chính là truyền thống nhân ái, sẻ chia đùm bọc của người Việt Nam khi Tết đến xuân về.
Nhận quà biếu 55 triệu đồng, 2 công chức ở Đà Nẵng bị kỷ luật
Hai công chức công tác tại Chi cục Thủy sản bị kỷ luật khiển trách vì nhận quà biếu trị giá 55 triệu đồng.
Nguyễn Đăng Tấn
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét