Phát biểu tại hội nghị Đối ngoại toàn quốc sáng 14/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá đây là một hội nghị "mang tính lịch sử".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đây là hội nghị đối ngoại đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức, thực hiện để bàn về đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân của cả hệ thống chính trị.
“Đối ngoại và đối nội như hai cánh của một con chim”, Tổng Bí thư so sánh và cho rằng phải có sự phối hợp rất nhịp nhàng với nhau. Đất nước ta đang có nhiều chuyển biến thuận lợi, thời cơ lớn nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gay gắt hơn so với dự báo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. |
Sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc với yêu cầu rất cao trong thời kỳ mới, đòi hỏi chúng ta phải phát huy cao độ nội lực, kết hợp với ngoại lực, quyết tâm tận dụng mọi thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn thách thức để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tổng Bí thư khẳng định, đây là dịp các cấp, các ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của nước ta; vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, xung lực mới...
"Ngoại giao cây tre", trường phái đối ngoại riêng của Việt Nam
Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản, đó là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày một chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hoá.
Đối ngoại ngày nay không chỉ là nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia dân tộc.
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta đã luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng những truyền thống và bản sắc riêng rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam.
"Đây là nền ngoại giao đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị. |
Dùng đối ngoại để phòng ngừa chiến tranh, sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất, đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội. Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị.
Những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy ngày càng được bồi đắp, phát huy và toả sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, đã phát triển lên thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chính Bác Hồ đã phát triển những giá trị đó lên một tầm cao mới, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hoá dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hoá và kinh nghiệm ngoại giao của thế giới.
Hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, vì hòa bình hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.
Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư khái quát và nhận định: "Chúng ta đã xây dựng nên trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh. Đây là trường phái riêng".
Nói về cuộc làm việc với Bộ Ngoại giao cách đây mấy năm, Tổng Bí thư đã ví ngoại giao Việt Nam là "ngoại giao cây tre": “Thân gầy guộc, lá mong manh/Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi".
"Rất mềm dẻo, rất kiên cường... Gốc thì vững chắc, cành thì uyển chuyển", Tổng Bí thư so sánh với nền ngoại giao.
Điều này nói lên nền ngoại giao thấm đượm tâm hồn cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam đó là mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định can trường trước mọi thử thách khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân.
Với tinh thần đoàn kết nhân ái nhưng kiên quyết kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, để biết tiến biết thoái, tùy cơ ứng biến, "lạt mềm buộc chặt, mềm nắn rắn buông".
Việt Nam giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác
Điểm lại những thành tích của đối ngoại, Tổng Bí thư nêu 4 vấn đề. Từ phá thế bị bao vây cấm vận đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở. Đến nay nước ta đã mở rộng và nâng tầm ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại các ngành, lĩnh vực, địa phương ngày càng mở rộng, chủ động, tích cực.
Việt Nam đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, nước ta đã có liên kết kinh tế sâu rộng, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nước ta đã chủ động đóng góp có trách nhiệm vào sự nỗ lực chung của quốc tế, tranh thủ được sự hỗ trợ về vắc xin, thiết bị y tế, thuốc điều trị.
Đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định góp phần quan trọng vào bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
"Chúng ta luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán với các nước liên quan, kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia", Tổng Bí thư nói về phương châm ứng xử của Việt Nam.
Vị thế và uy tín của nước ta ngày càng được nâng cao, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn, hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng.
Tổng Bí thư hoan nghênh, biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn của các cán bộ làm công tác đối ngoại.
Gợi mở một số vấn đề, Tổng Bí thư cho rằng cần tiếp tục thường xuyên, nghiên cứu nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời có giải pháp thích hợp trong đối ngoại do thời gian qua thế giới có những vấn đề vượt qua ngoài dự báo thông thường. Cần xây dựng tâm thế, vị thế mới Việt Nam trong ứng xử, xử lý mối quan hệ song phương, đa phương. Các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi mang tầm chiến lược phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn.
Đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới nhưng phải trên nguyên tắc chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu.
Tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại do Đảng và Nhà nước ta đã đề ra, với mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển KT-XH. "Luôn luôn phải kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị mà ngành ngoại giao là lực lượng xung kích", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư nhắc đến lời dạy của Bác Hồ: "Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng" - đề cao sự đoàn kết, đồng thuận trong nước, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, tất cả mọi người đều phải vì nước, vì dân. Có như thế công tác đối ngoại mới kết hợp được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại "dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Phát huy mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động tích cực, tham gia đóng góp, định hình cơ chế đa phương.
Trần Thường - Phạm Hải
Tổng Bí thư chủ trì hội nghị Đối ngoại toàn quốc
Sáng 14/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét