Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

Đề xuất thí điểm tuyến xe buýt điện đầu tiên hoạt động ở TP.HCM từ quý I-2022

5 tuyến xe buýt điện được đề xuất hoạt động thí điểm trong 2 năm, TP.HCM trợ giá hơn 44% và dự kiến tuyến đầu tiên hoạt động từ quý I/2022

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về đề xuất mở mới 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn.

Đề xuất này dựa trên kết quả nghiên cứu, tham khảo quá trình triển khai mở thí điểm các tuyến xe buýt điện ở Hà Nội.

{keywords}
Trong thời gian tới, TP.HCM dự kiến cũng sẽ đưa các tuyến xe buýt điện vào hoạt động thí điểm như TP Hà Nội vừa triển khai sáng 2/12.

Theo đề xuất, 5 tuyến xe buýt điện sẽ được thí điểm trong 24 tháng. Tỷ lệ trợ giá là 44,1% trong thời gian thí điểm và sẽ xem xét điều chỉnh sau khi bộ định mức kỹ thuật, đơn giá xe buýt điện được UBND TP.HCM ban hành.

5 tuyến này bao gồm: tuyến VB01 có lộ trình Vinhomes Grand Park (khu đô thị ở quận 9) - Trung tâm thương mại Emart, quận Gò Vấp (bình quân 27 km)

Tuyến VB02 có lộ trình Vinhomes Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất (30 km); Tuyến VB03 có lộ trình VinHomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn (29 km); Tuyến VB04 có lộ trình Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới (8,5 km); Tuyến VB05 có lộ trình Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia (10 km)

Về điểm đầu cuối tuyến, các tuyến xe điện trên sẽ sử dụng 6 điểm đầu cuối tuyến, trong đó 5 điểm đầu cuối tuyến hiện hữu đang phục vụ hoạt động của hệ thống buýt tại thành phố gồm: bến xe buýt Sài Gòn (quận 1); bãi hậu cần số 1 (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp); sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình); bến xe buýt ký túc xá B Đại học Quốc gia và Bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức).

Điểm đầu cuối còn lại nằm trong khu dân cư Vinhomes Grand Park, nhà đầu tư xây dựng bến bãi với diện tích 2.000 m2, bao gồm 20 vị trí cho xe đậu và hạ tầng kỹ thuật kèm theo.

Chủ đầu tư cũng lập dự án đầu tư xây dựng 1 đề pô trong khuôn viên Vinhomes Grand Park để phục vụ công tác lưu đậu xe qua đêm, nạp điện, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện và văn phòng làm việc, dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.

Ngoài ra, các tuyến xe buýt điện cũng được sử dựng các điểm dừng xe buýt hiện hữu để đón trả khách. Đồng thời, bổ sung thêm 9 điểm dừng đón khách cho xe buýt điện trên các đoạn đường chưa có xe buýt phục vụ để thuận tiện cho khách đi lại.

Về phương tiện sử dụng, tất cả có khoảng 77 xe được đầu tư trên 5 tuyến buýt trên, mỗi xe 65 - 70 chỗ (đứng, ngồi), chạy bằng điện; hoạt động 5 – 21h mỗi ngày. Về giá vé, nhà đầu tư đề xuất 3.000 đồng mỗi lượt cho học sinh, sinh viên và 5.000 - 7.000 với nhóm khách còn lại, tùy tuyến. Tập 30 vé giá từ 112.500 - 157.500 đồng, tùy tuyến.

Nhà đầu tư dự kiến sử dụng vé điện tử và đầu tư trung tâm điều khiển, phần mềm quản lý trực tuyến, giám sát tài xế... trên các tuyến.

Dự kiến, tuyến xe buýt điện đầu tiên sẽ đi vào hoạt động thí điểm từ quý I/2022.

Tuấn Kiệt

Đưa tuyến buýt điện đầu tiên vào hoạt động ở Hà Nội

Đưa tuyến buýt điện đầu tiên vào hoạt động ở Hà Nội

Sáng nay (2/12), UBND TP.Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động tuyến buýt điện đầu tiên tại Việt Nam.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét