TS Nguyễn Đình Cung đề nghị xem xét bãi bỏ bổ nhiệm cán bộ DNNN theo cơ chế hành chính xin cho mà trao quyền tự chủ cho cơ quan chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Sáng nay, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hội thảo “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp”.
Chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế hiện nay.
Nghị quyết của Đảng cũng nhìn nhận: Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực”; “Chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hoá bằng các cơ chế, chính sách phù hợp”.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong |
Việc bổ nhiệm cán bộ quản lý tại các DNNN còn chịu sự điều chỉnh của quy định: “Không bố trí phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nếu không phải là cấp ủy viên hoặc cùng cấp”…
Vì vậy, hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nhà nước cung cấp giải pháp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn.
Qua đó cung cấp thêm luận cứ xây dựng Đề án “Quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị trong năm 2022.
Ông Chu Đình Động, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết, tính đến tháng 5/2021, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của 33 doanh nghiệp trong Khối gồm 154 người, trong đó có 31 chủ tịch HĐTV/HĐQT, 91 thành viên HĐTV/HĐQT, 32 tổng giám đốc.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt doanh nghiệp trong Khối có tư duy đổi mới, có ý chí vươn lên, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, điều hành; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xử lý theo quy định…
Công tác quy hoạch cán bộ ở một số nơi còn hình thức, quy hoạch cán bộ cho đủ số lượng dẫn đến tình trạng “quy hoạch treo”; chưa bảo đảm phương châm quy hoạch “động” và “mở”, nhân sự đưa vào quy hoạch chủ yếu khép kín trong nội bộ…
Ông Phạm Đức Ẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho rằng hiện nay chúng ta thiên quản lý hành vi, chỉ sợ lãnh đạo DNNN làm sai; cứ làm theo quy trình thủ tục từ khâu quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ rất chặt chẽ. Đầu vào thì chặt, lên rồi thì xuống rất khó, nên khó sửa chữa sai lầm. Vì vậy rất khó để “chọn người tốt hơn”.
Thêm vào đó là thẩm quyền người đứng đầu trong quyết định công tác nhân sự cũng chưa rõ ràng, còn mang tính tập thể rất cao. Điều này giúp tạo tính dân chủ nhưng nhược điểm lại không rõ ràng. Mô hình tập thể không cá thể hóa trách nhiệm cá nhân sẽ khó hiệu quả.
Ngoài ra, ông Ẩn nêu thực tế còn nặng đoàn kết nội bộ nhưng chưa chắc thực chất trong đánh giá cán bộ dẫn tới tư tưởng không quá khắt khe khi bỏ phiếu tín nhiệm... Chính những điều này triệt tiêu cá tính, không dám làm hoặc làm cầm chừng, không dám đột phá.
Trong khi tập đoàn tư nhân, ông chủ tịch là cổ đông lớn có vai trò quyết định rất cao, có quyền thay thế ngay nhân sự nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà người đứng đầu đề ra.
Đừng bỏ cơ hội tìm người tài về làm việc cho chúng ta
Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – CIEM băn khoăn khi đánh giá về những vi phạm, sai phạm liên quan đến lãnh đạo DNNN cho thấy mỗi người quản lý DNNN có lỗi, trong khi các cơ quan khác vô can.
Theo ông, mỗi cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm đều qua nhiều khâu. Vì vậy, trong trường hợp để xảy ra vi phạm, sai phạm, thì đó là cả quá trình với nhiều bên liên quan, mà trước hết những cơ quan quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương |
“Tôi gặp nhiều anh em, chia sẻ, cũng mong muốn đóng góp, hành động nhưng cảm nhận sự rủi ro, nên sự lựa chọn tốt nhất là không hành động, đảm bảo an toàn cho cá nhân nhiều nhất, một việc xin ý kiến nhiều người”, ông kể.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cán bộ DNNN không thể tách rời vai trò, sứ mệnh, mục tiêu nhiệm vụ và khuôn khổ quản trị của DNNN, đặc biệt quản trị theo thông lệ quốc tế gồm HĐQT, giám đốc điều hành. Việc này cần nghiên cứu học hỏi bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật.
“Tôi tin rằng Tổng giám đốc của Vingroup không nằm trong quy hoạch nhưng họ có cán bộ giỏi chuyên môn và đạt được mục tiêu tốt hơn khu vực nhà nước. Vì vậy, đề nghị xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt DNNN”, ông Cung đề xuất.
Ông Cung phân tích, quy hoạch cán bộ sẽ không chọn được người tài, không chọn được những người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro người giỏi mà chỉ chọn được những người biết tuân thủ.
“Thay vì quy hoạch hãy làm chương trình kế hoạch tìm kiếm tài năng, tìm kiếm người tài thì mới tốt hơn nhiều, đừng bỏ cơ hội tìm người tài về làm việc cho chúng ta”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị xem xét bãi bỏ bổ nhiệm cán bộ DNNN theo cơ chế hành chính xin cho mà trao quyền tự chủ cho cơ quan chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC thực hiện hậu kiểm kèm theo.
“Người bổ nhiệm theo tiêu chuẩn, tiêu chí không nghiễm nhiên ngồi ở đó trong nhiệm kỳ tiếp theo, nếu không đạt được mục tiêu thì miễn nhiệm”, ông Cung nói.
Nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, cần thực sự có thay đổi mang tính bước ngoặt, dứt khoát chuyển đổi sang cơ chế thị trường và công tác cán bộ, quản trị DNNN phải thực hiện đúng nguyên tắc theo thông lệ quốc tế.
“Với hơn 100 tỉ tài sản của DNNN hiện nay, nâng cao hiệu quả thì chắc chắn tăng thêm 2- 3 điểm % tăng trưởng về kinh tế và làm DNNN cũng không phải bị phê phán, chê trách, DNNN có hình ảnh đẹp trên thương trường”, ông Cung đúc kết.
Thu Hằng
Những căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ
Quy định 41 của Bộ Chính trị nêu rõ nguyên tắc, các căn cứ để xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét