Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Cháy nhà trong đêm, vợ chồng nữ giáo viên ở Quảng Nam tử vong

Trong đêm khuya, ngôi nhà gỗ ở huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) bốc cháy dữ dội khiến hai vợ chồng nữ giáo viên tử vong.

Sáng nay (31/7), UBND xã Trà Nam (huyện Nam Trà My) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 2 vợ chồng tử vong.

Theo đó, khoảng 22h khuya 30/7, căn nhà của anh Nguyễn Quốc C. (SN 1988) và vợ là chị Lê Thị Thu S. (SN 1990, trú thôn 3, xã Trà Nam) bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Do lửa bùng phát lúc đêm khuya và gặp gió nồm lớn nên việc chữa cháy hết sức khó khăn. Hai vợ chồng anh C. đã không qua khỏi, toàn bộ căn nhà bị thiêu rụi.

{keywords}
Ngôi nhà anh C. bị cháy rụi

Hai vợ chồng anh C. còn có một con nhỏ gần 5 tuổi nhưng tối hôm xảy ra hỏa hoạn đang ở nhà ông bà nội nên thoát nạn. Chị S. là giáo viên mẫu giáo xã Trà Nam còn anh C. làm nghề buôn bán tạp hóa.

Công an tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My phối hợp điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Lê Bằng

Cháy nhà gỗ hàng trăm triệu đồng ở miền núi Nghệ An

Cháy nhà gỗ hàng trăm triệu đồng ở miền núi Nghệ An

Một ngôi nhà gỗ kiên cố ở miền núi bất ngờ bốc cháy, hàng chục người dân cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng Nghệ An nỗ lực múc nước khống chế ngọn lửa.



Theo Báo VietNamNet

Nhiều người giúp đỡ 2 anh em đi bộ từ Bình Dương về Đắk Lắk tránh dịch

Do xe máy bị trộm, anh Trần Đức Chiến (25 tuổi) và em trai là Trần Đức Toản (21 tuổi) đã quyết định đi bộ từ Bình Dương về Đắk Lắk tránh dịch. 

Sáng 31/7, anh Trần Đức Chiến cho biết, anh và em trai vừa làm xong thủ tục để cách ly tập trung theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk). “Theo quy định của chính quyền, chúng tôi trở về từ vùng dịch, phải thực hiện cách ly 14 ngày”, anh Chiến cho biết.

{keywords}
Chiến, Toản dắt xe đạp qua địa phận TP Gia Nghĩa

Chiến và Toản đang làm công nhân tại tỉnh Bình Dương. Chiến  kể, đầu tháng 7 vừa qua, do tính chất của công việc, công ty điều cả 2 anh em đi làm công trình tại huyện Cần Giuộc (Long An). Sau đó, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng tôi bị mắc kẹt ở đây một thời gian và cầm cự được 14 ngày đầu. Về sau, do hết tiền, 2 anh em quyết định đi xe máy về Bình Dương thu dọn hành lý để về quê”, anh Chiến kể.

Ngày 22/7, Chiến và Toản chạy xe máy từ huyện Cần Giuộc về TP. Dĩ An (Bình Dương).

“Vừa về đến phòng trọ, tôi liên hệ với chính quyền địa phương để làm thủ tục xin hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người (Quyết định hỗ trợ người lao động và một số đối tượng bị tác động bởi dịch Covid-19 của UBND tỉnh Bình Dương- PV), nhưng không làm được. Sau đó (ngày 24/7), tôi về phòng trọ lấy đồ và chạy xe máy về Đắk Lắk. Khi anh em chúng tôi đang thu dọn hành lý trong phòng, chiếc xe máy để bên ngoài 'đã không cánh mà bay', anh Chiến nhớ lại.

{keywords}
Người dân tặng xe máy cho anh em Chiến về nhà

Lúc này hai anh em đều hết tiền, nếu ở lại cũng chẳng biết sống ra sao, vì vậy Chiến bàn với em trai quyết định đi bộ về Tây Nguyên. Vừa đi được 30 km, đến địa phận huyện huyện Phú Giáo (Bình Dương), một người dân đã tặng 2 anh em chiếc xe đạp.

Dọc đường đi, người dân địa phương đã cưu mang, giúp đỡ họ; người cho tiền, bánh mì, người mang nước uống để 2 anh em có sức khỏe tiếp tục chuyến hành trình.

Đến sáng 30/7, khi cả 2 anh em Chiến vừa đạp xe qua địa phận TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông, cách nhà khoảng 250 km), thì được anh Nguyễn Hải Bắc (cán bộ Cục Thuế tỉnh Đắk Nông) dùng xe ô tô riêng chở cả 2 người về hết địa phận tỉnh Đắk Nông.

“Đến huyện Cư Jút, chúng tôi được ông chủ đại lý (sống ở thị trấn Ea Tling) tặng một chiếc xe máy. Ngoài ra, anh Nguyễn Hải Bắc còn kêu gọi bằng hữu, đồng nghiệp ở huyện Cư Jút hỗ trợ tiền cho chúng tôi có thêm kinh phí đổ xăng, mua thức ăn về đến nhà an toàn”, anh Chiến tâm sự.

{keywords}
 Anh Nguyễn Hải Bắc lấy xe ô tô chở anh em Chiến 

Đến nay, người dân ở TP. HCM và các tỉnh phía Nam không ngừng di chuyển về Tây Nguyên để tránh dịch. Dọc chuyến hành trình, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được giúp đỡ.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đắk Lắk, đến nay địa phương này ghi nhận có 210 ca mắc Covid-19, trong đó có 7 trường hợp đã xuất viện. Tỉnh này cũng đã lên kế hoạch đón hàng chục ngàn công dân tại Đồng Nai, TP.HCM từ ngày 30/7-5/8.

Mất việc, 30 người đi bộ xuyên đêm từ Bình Định về Quảng Ngãi

Mất việc, 30 người đi bộ xuyên đêm từ Bình Định về Quảng Ngãi

Do dịch bệnh bùng phát, 30 lao động nghèo ở Quảng Ngãi làm thuê ở tỉnh Bình Định muốn được về quê, nhưng không có tiền, không xe. Từ đó, cả đoàn quyết định đi bộ về nhà.

Đ.Nguyên

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).


Theo Báo VietNamNet

Khen thưởng công an giúp 2 người phụ nữ chở theo con lỡ phà đêm

Đại tá Đại tá Lê Phú Thạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang vừa trao giấy khen cho 4 cán bộ Công an huyện Phú Tân giúp đỡ 2 người phụ nữ chở theo 2 trẻ em lỡ chuyến phà đêm.

Theo đó, 4 cán bộ Công an nhận giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh An Giang gồm: Thiếu tá Huỳnh Hữu Nhân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Thiếu tá Bùi Trương Kim Khánh, Đại úy Nguyễn Bá Lương và Trung úy Huỳnh Long Hồ đã có thành tích nêu cao tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, kịp thời hỗ trợ người vừa hoàn thành cách ly y tế về quê an toàn giữa đêm khuya trong thời gian giãn cách xã hội.

{keywords}
Đại tá Lê Phú Thạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang trao giấy khen cho 4 cán bộ giúp đỡ người dân lỡ chuyến phà đêm giãn cách xã hội. Ảnh: Nghiêm Túc

Khoảng 19h20 tối 28/7, lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện Phú Tân tuần tra kiểm soát đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, người dân không ra đường sau 18h.

Khi đến ngã tư bến xe Phú Tân, Công an phát hiện hiện 2 người phụ nữ và 2 trẻ em đi xe máy nên ra hiệu lệnh dừng phương tiện kiểm tra.

Qua kiểm tra, 4 người này cho biết, vừa hoàn thành cách ly tập trung tại huyện Chợ Mới, đang trên đường về quê ở huyện Châu Phú.

{keywords}
Cảnh sát giao thông dẫn đường cho 4 người xuống phà. Ảnh: Nghiêm Túc 

Khi đến phà Năng Gù đã hơn 18h, phà ngưng hoạt động. Sau đó, họ đành quay lại thị trấn Phú Mỹ để tìm nơi tá túc qua đêm nhưng không tìm được chỗ. Trong lúc đang di chuyển thì lực lượng tuần tra kiểm soát phát hiện.

{keywords}
4 người lên phà an toàn về nhà. Ảnh: Nghiêm Túc

Công an thấy 4 người nói trên đều có lai lịch rõ ràng và đã xuất trình được giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tập trung nên báo cáo, tham mưu lãnh đạo Công an huyện đề xuất quản lý bến phà Năng Gù giúp đỡ.

Đồng thời, tổ công tác dẫn đường cho 4 người đến bến Năng Gù xuống phà qua huyện Châu Phú để về nhà an toàn.

Hoài Thanh 

Hai người phụ nữ chở theo con lỡ chuyến phà đêm được công an giúp đỡ

Hai người phụ nữ chở theo con lỡ chuyến phà đêm được công an giúp đỡ

Hai người phụ nữ chở theo 2 con không tìm được nơi tá túc khi chạy xe về quê, được lực lượng Công an An Giang giúp đỡ. Còn CSGT ở Cần Thơ giúp đỡ 1 gia đình chở con đi cấp cứu nhưng xe hết xăng.



Theo Báo VietNamNet

Hải quân Việt Nam tiếp nhận Tàu đa năng Yết Kiêu

Tàu Yết Kiêu - 927 được trang bị hệ thống động lực, trang bị khí tài, thiết bị y tế, cứu sinh, cứu nạn tàu ngầm hiện đại, thời gian hoạt động liên tục trên biển có thể lên tới 30 ngày đêm.

Tại Hải Phòng, hôm nay (30/7), nhà máy Z189 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã tổ chức bàn giao tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316 (số hiệu Tàu 927-Yết Kiêu) cho Quân chủng Hải quân.

Đây là loại tàu cứu hộ thế hệ mới, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tàu ngầm với các thiết bị chuyên dụng có tính vượt trội như phát hiện tọa độ, điện thoại liên lạc và robot lặn kết nối với tàu ngầm để cứu nạn thuyền viên khi tàu gặp sự cố.

{keywords}
Ảnh: Công ty TNHH 189 - Tổng cục công nghiệp Quốc phòng

Tàu có thể định vị vị trí, neo không dây trong điều kiện thời tiết phức tạp. Tàu có chiều dài gần 100m, rộng 16m và chiều cao mạn 7.2m, lượng nước giãn tới 3.950 tấn, được trang bị các thiết bị hiện đại, có thể hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm, khả năng chịu sóng cấp 9, gió cấp 12.

Tàu 927-Yết Kiêu được khởi công vào giữa năm 2018. Quá trình thi công đóng mới, Nhà máy Z189 đã tuân thủ nghiêm quy trình công nghệ dưới sự giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư.

Tàu đã được Hội đồng nghiệm thu Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân nghiệm thu kỹ thuật, nghiệm thu trên biển kết luận đạt yêu cầu kỹ thuật, đủ điều kiện xuất xưởng, bàn giao và đưa vào hoạt động.

Việc Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định phê duyệt dự án đầu tư đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm, tàu mặt nước, khảo sát, thăm dò, nghiên cứu đáy biển, tìm kiếm, hỗ trợ trục vớt các vật thể dưới nước và thực thi các nhiệm vụ khác được giao. 

Đóng thành công tàu cứu nạn tàu ngầm đa năng đã thể hiện năng lực của ngành Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam trong tiếp cận, làm chủ công nghệ đóng tàu hiện đại, đáp ứng tốt nhiệm vụ, mục tiêu hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng.

{keywords}
Infographic: TTXVN

Trần Thường

Đóng mới thành công nhiều loại tàu quân sự, hướng tới xuất khẩu

Đóng mới thành công nhiều loại tàu quân sự, hướng tới xuất khẩu

Ngày 19/9, tại Nhà máy Z111, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tổ chức hội nghị giới thiệu trưng bày sản phẩm quốc phòng và kinh tế do Tổng cục Công nghiệp quốc phòng nghiên cứu, sản xuất.



Theo Báo VietNamNet

Cấm xe qua hầm Kim Liên 30 ngày để sửa chữa

Sở GTVT Hà Nội có phương án cấm toàn bộ xe qua lại hầm đường bộ Kim Liên (Hà Nội) để phục vụ việc sửa chữa.

Ban Quản lý dự án duy tu hạ tầng giao thông (Ban Duy tu), Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết, hầm đường bộ cơ giới Kim Liên thuộc tuyến đường Vành đai 1, được TP Hà Nội đưa vào khai thác từ năm 2009, đến nay đã được 12 năm.

“Trong quá trình vận hành khai thác, tình trạng nước mặt thẩm thấu qua các khe co giãn và vết nứt thành đáy hầm bê tông cốt thép gia tăng theo thời gian đã và đang làm hỏng kết cấu mặt đường bê tông asphalt (nhựa).

{keywords}
Từ hôm nay (30/7) cấm xe qua hầm Kim Liên để sửa chữa

Tình trạng trên gây mất an toàn và đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng”, đại diện Ban Duy tu thông tin.

Từ thực tế trên, Sở GTVT Hà Nội đã giao Ban Duy tu thực hiện dự án sửa chữa, đảm bảo an toàn giao thông hầm cơ giới Kim Liên. Dự kiến thời gian thi công là 30 ngày (từ 30/7 đến 2/9/2021).

Để phục vụ công tác thi công, Sở GTVT Hà Nội có phương án phân luồng, tổ chức thi công.

Cụ thể, cấm toàn bộ các phương tiện lưu thông trên một chiều của hầm Kim Liên để phục vụ công tác thi công sửa chữa 24/24 h trong ngày.

Chiều còn lại các phương tiện lưu thông bình thường trong hầm. Thi công cuốn chiều từng chiều hầm, hoàn thiện thi công xong mới chuyển sang thi công chiều hầm còn lại.

Đồng thời tổ chức phân luồng cho các phương tiện lưu thông trên các trục đường Xã Đàn, Đào Duy Anh để lưu thông qua hầm trong thời gian cấm một chiều để thi công trong hầm Kim Liên.

2 xe máy đâm nhau trong hầm Kim Liên, người đàn ông bị thương nặng

2 xe máy đâm nhau trong hầm Kim Liên, người đàn ông bị thương nặng

Vụ va chạm giữa 2 xe máy trong hầm Kim Liên khiến một người đàn ông bị thương nặng, hiện trường để lại một vệt máu dài vào tối nay.

Vũ Điệp 



Theo Báo VietNamNet

Miền Tây lên kế hoạch chi tiết đón người từ TP.HCM, Bình Dương

Các tỉnh, thành miền Tây đã và đang lập kế hoạch để đón công dân từ TP.HCM, Bình Dương về.

Ngày 30/7, Hậu Giang có kế hoạch đón công dân từ TP.HCM có nguyện vọng về địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo kế hoạch, Hậu Giang sẽ đón công dân của tỉnh đang học tập, lao động tại TP.HCM, không thuộc đối tượng F0, gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và có nguyện vọng về địa phương.

{keywords}
Bến Tre là tỉnh đầu tiên ở miền Tây đón công dân từ TP.HCM trở về

Hậu Giang chia ra làm 3 nhóm ưu tiên. Nhóm 1, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người khuyết tật, người đi khám, chữa bệnh, thăm thân nhân, đi công tác chưa trở về được. Lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lao động là thân nhân của người có công với cách mạng, người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng; học sinh, sinh viên.

Nhóm 2, lao động tự do, người lao động bị mất việc làm. Nhóm 3, các đối tượng khác.

Hậu Giang yêu cầu, công tác hỗ trợ tiếp nhận và đưa công dân trở về phải đảm bảo đủ ba điều kiện gồm: thực hiện đăng ký theo mẫu hướng dẫn của Sở LĐTB&XH tỉnh; được sự thống nhất của cơ quan chức năng tại TP.HCM, nơi công dân Hậu Giang đang cư trú và phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

Dự kiến trong đợt 1, khoảng vào ngày 3 đến 4/8, Hậu Giang sẽ đón khoảng 200 - 300 công dân thuộc nhóm 1 về.  Đợt 2, dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 12/8, tổ chức đưa các công dân thuộc nhóm 2 và nhóm 3 về, với khoảng 200 - 300 người.

Các đợt sau, căn cứ tình hình dịch bệnh và các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại các vùng dịch; dựa trên số lượng công dân đăng ký trở về sau khi được xét duyệt và khả năng tiếp nhận của khu cách ly...

{keywords}
Các tỉnh, thành miền Tây ra quân nhắc nhở, xử phạt người dân ra đường không có lý do chính đáng

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết đã có văn bản gửi UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương về việc đón công dân về. Trong đó, TP Cần Thơ sẽ đón 400 công dân về từ TP.HCM và 600 người về từ Bình Dương.

“UBND TP Cần Thơ đã giao cho Bộ Chỉ huy quân sự thành phố chuẩn bị khu cách ly để đón công dân về cách ly tập trung”, ông Hiện nói.

UBND tỉnh và UB MTTQVN tỉnh Trà Vinh trong ngày 30/7, đã ban hành kế hoạch phối hợp đón công dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trở về từ TP.HCM.

Đối tượng là công dân có hộ khẩu và nhà ở tỉnh Trà Vinh, đang lao động, học tập tại TP.HCM; không đang ở trong khu phong tỏa, khu cách ly có nhu cầu chính đáng, cấp thiết về tỉnh trong thời điểm hiện tại.

Trà Vinh ưu tiên người già yếu, khuyết tật, trẻ em, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, người đi khám, chữa bệnh, lao động tự do mất việc, không có chỗ ở, sinh viên, học sinh, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công dân chấp hành và làm đủ thủ tục y tế tại nơi xuất phát trở về. Khi về đến tỉnh phải chịu cách ly tập trung theo quy định.

Để được tiếp nhận, Trà Vinh yêu cầu người dân phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính còn giá trị trong 72 giờ, trước thời điểm khởi hành. Người dân chịu chi phí ăn uống, sinh hoạt và các chi phí phát sinh trong khu cách ly. 

Tỉnh Trà Vinh sẽ tổ chức cho ô tô lên đón, mỗi đợt từ 30 người trở lên, trong đó chỉ tổ chức tiếp nhận người, không tiếp nhận phương tiện.

UBND tỉnh Vĩnh Long cũng có văn bản về xây dựng kế hoạch đón công dân đang ở TP.HCM về. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở LĐTB&XH phối hợp cùng các Sở, Bộ chỉ huy quân sự, Ban liên lạc Hội đồng hương tỉnh Vĩnh Long tại TP.HCM và các huyện, thị xã, thành phố rà soát số lượng người dân Vĩnh Long đang cư trú tại TP.HCM có nguyện vọng trở về.

Đồng thời, rà soát nguồn lực, khả năng tiếp nhận của tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch đón người từ TP.HCM có nguyện vọng trở về.

Sóc Trăng miễn chi phí cho người gặp khó khăn

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu có văn bản gửi người dân Sóc Trăng đang sinh sống, lao động, học tập tại TP.HCM và Bình Dương.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong thời gian chờ sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh với UBND TP.HCM, Bình Dương để xây dựng kế hoạch đón người dân về an toàn, chu đáo, đề nghị mọi người chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch.

Trường hợp người dân có về Sóc Trăng bằng xe máy hoặc phương tiện khác phải đến ngay trạm y tế khai báo và thực hiện cách ly tập trung. Đối với người dân đang gặp khó khăn, tỉnh sẽ miễn phí toàn bộ chi phí ăn uống, sinh hoạt, xét nghiệm trong thời gian cách ly tập trung.

Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, Cà Mau đã có chủ trương và rất mong muốn đón công dân của tỉnh ở vùng dịch gặp khó khăn về quê.

Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất và năng lực của tỉnh chưa đáp ứng để thực hiện. Theo ông Thánh, số ca F1 đang cách ly tập trung tại tỉnh khoảng 900 người, số cách ly tại nhà trên 2.500 người.

Hiện nay số giường điều trị Covid-19 là 240 giường, 150 máy thở. Số giường để thực hiện cách ly tập trung khoảng hơn 1.200 giường...

Theo ông Thánh, ở Cà Mau, số lượng người đi lao động, học tập, trị bệnh ở ngoài tỉnh là rất đông.

Theo thống kê, số người về quê vào dịp Tết năm rồi là khoảng 230.000 người, và hiện số người dân còn kẹt ở lại ở các tỉnh cũng rất lớn. Trong đó, số lượng người mong muốn về quê là khoảng vài chục ngàn, tập trung ở các tỉnh, thành có diễn biến dịch phức tạp.

Trong khi điều kiện của tỉnh chỉ có khoảng hơn 1.000 giường cách ly tập trung và số giường điều trị chỉ có hơn 240 giường.

“Hiện tại để xử lý hỗ trợ bà con, trước mắt lãnh đạo tỉnh chủ trương thông qua Ban Liên lạc Hội đồng hương tiếp tục rà soát đối tượng thực sự khó khăn để tìm các nguồn hỗ trợ. 

Qua đó vận động bà con còn trụ được ở TP.HCM thì cố gắng ở lại, hạn chế tối đa về quê. Trong tuần này sẽ triển khai hỗ trợ cho bà con khó khăn”, ông Thánh thông tin.

Hoài Thanh 

Tỉnh đầu tiên ở miền Tây đưa hàng trăm dân rời TP.HCM về quê

Tỉnh đầu tiên ở miền Tây đưa hàng trăm dân rời TP.HCM về quê

Sau các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Bến Tre là tỉnh đầu tiên của miền Tây tổ chức đưa đón công dân đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM về quê bằng ô tô miễn phí.



Theo Báo VietNamNet

Ca F0 đang đi ngang, TP.HCM siết chặt người ra đường ban ngày

Đến ngày 1/8, TP.HCM kết thúc đợt kéo dài Chỉ thị 16 và có thể phải tiếp tục thời gian giãn cách xã hội. Chính quyền TP kêu gọi toàn dân, hệ thống chính trị cùng chung khó khăn, đồng lòng để sớm kết thúc giai đoạn này. 

Báo cáo với Đoàn công tác của Chủ tịch nước ngày 30/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tính đến nay TP đã trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16, góp phần kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Chỉ riêng 19 ngày thực hiện Chỉ thị 16, bình quân mỗi ngày TP phát hiện hơn 3.300 ca mắc, phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa. Đã điều trị khỏi gần 25.200 bệnh nhân; hiện đang điều trị hơn 36.700 bệnh nhân, trong đó có 875 người đang thở máy và 8 bệnh nhân đang can thiệp ECMO.

TP.HCM cũng cho biết, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã điều trị khỏi cho 381 bệnh nhân từ nặng, rất nặng sang nhẹ.

{keywords}
TP.HCM huy động tổng lực test nhanh, tầm soát rộng để truy đuổi F0

TP đã thành lập Trung tâm điều phối xét nghiệm, tổ chức hơn 2.200 tổ lấy mẫu; thành lập 13 khu cách ly cấp TP, 345 khu cách ly cấp quận, huyện và 194 khách sạn có thu phí.

Đã có 38 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng với 46.000 giường. Trong đó, tầng 5 đang điều trị 570 bệnh nhân nặng và rất nặng. 

TP cũng đã siết chặt các khu phong tỏa, “trong chặt, ngoài chặt”, nhanh chóng xét nghiệm, tách F0 ra khỏi cộng đồng và đưa người có nguy cơ cao đi cách ly.

Các quận, huyện đã kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, chăm lo cho đời sống người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong các khu phong tỏa, cách ly.

Đặc biệt, TP đã huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ trí thức, các chức sắc, tín đồ tôn giáo, doanh nghiệp đã hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống dịch.

Những kết quả trên, theo ông Phong là sự nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị, sự đồng hành của toàn dân, sự giúp sức của Trung ương và các địa phương trong cả nước.

Người dân ra đường còn đông 

Tuy nhiên, theo ông Phong, trong thời gian giãn cách xã hội vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa làm được. Việc ra đường từ sau 18h hầu như thực hiện nghiêm, nhưng từ 6h sáng đến 18h nhiều người vẫn ra đường không có lý do cần thiết. 

{keywords}
TP.HCM tăng cường kiểm soát, hạn chế người dân ra đường

Trong buổi họp báo mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi cho rằng, tình hình phức tạp hiện nay ngoài nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chủ quan, là nhiều địa bàn chưa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, cả từ phía lực lượng chức năng và người dân.

Đây là việc cực kỳ nguy hiểm, tình hình dịch sẽ lây lan, tồi tệ hơn.

Do đó, ông kêu gọi toàn dân, hệ thống chính trị phải cố gắng chịu đựng những khó khăn, bất tiện, đồng lòng chung sức để sớm kết thúc giai đoạn này.

Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cũng nhận định, một số địa bàn còn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi trên đường dù TP đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Để dịch bệnh không kéo dài và tình hình tồi tệ hơn, Chủ tịch TP yêu cầu cầu mọi người dân phải đặt mệnh lệnh cho chính mình, thực hiện nghiêm "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; hạn chế ra khỏi nhà sau 18 giờ, trừ các trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh". 

Từ đó, ông chỉ đạo lực lượng công an, quân sự, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 và phải tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định tại khu dân cư, trên đường phố.

“Việc áp dụng Chỉ thị 15, siết chặt theo Chỉ thị 16, tốc độ tăng ca nhiễm bình quân/ngày đã chậm lại. Tuy vậy, số ca mắc hàng ngày vẫn lớn vì dịch đã lây lan và ngấm sâu vào cộng đồng. Do đó, để kiểm soát được dịch có thể mất hàng tháng, nên TP có thể tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa, sau ngày 1/8”, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho hay.

Trong thời gian tới, ông Phong khẳng định sẽ siết chặt và thực hiện triệt để hơn các biện pháp theo Chỉ thị 16 tăng cường, nhất là từ 6h sáng đến 18h. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm. 

Phủ rộng độ tiêm vắc xin

Người đứng đầu chính quyền TP cho biết, đã thành lập tổ công tác đặc biệt để điều phối chuyển bệnh nhân nặng, nguy kịch, kết nối dữ liệu, điều phối vận chuyển bệnh nhân cấp cứu. Đồng thời, huy động 4 bệnh viện tư nhân tham gia điều trị Covid-19 với quy mô 375 giường. 

{keywords}
TP.HCM đẩy nhanh tốc độ tiêm, mở rộng độ phủ vắc xin để kiểm soát dịch, đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Ảnh: Trương Thanh Tùng

TP sẽ tập trung điều trị F0 nặng có bệnh nền, đưa hệ thống oxy dòng cao vào sử dụng sớm, tránh chuyển biến nặng, tăng điều trị tầng 3, 4 và 5, rút ngắn thời gian điều trị F0.

Sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực y tế phù hợp, bố trí các y bác sĩ giỏi để đảm bảo hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Đồng thời, vận hành hiệu quả trung tâm cấp cứu 115, không để chậm trễ trong vận chuyển F0 khi chuyển biến nặng.

Ngoài ra, sẽ đưa vào vận hành 200 taxi chuyển công năng và 100 xe cứu thương. Thành lập 4 trung tâm cấp cứu vệ tinh ở các quận Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, quận 12 để điều phối nhanh chóng bệnh nhân.

Mở thêm các kênh thông tin, mạng lưới bác sĩ tư vấn tình nguyện trực tuyến chăm sóc sức khỏe người dân khi có nhu cầu.

Bên cạnh đó, TP đảm bảo hàng hóa, phân phối hàng hóa bằng nhiều hình thức, từng bước mở lại chợ truyền thống an toàn, tăng cường lực lượng vận chuyển và bán hàng lưu động; phát huy mạnh mẽ các hoạt động thiện nguyện, chăm lo cho người khó khăn, đảm bảo không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị bỏ lại phía sau do dịch bệnh.

Tại cuộc họp báo chiều 30/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chia sẻ: “Nhìn biểu đồ dịch bệnh các ca F0 đang đi ngang, đúng dự đoán của TP. Điều đó cho thấy, nếu thực hiện nghiêm các quy định và có sự hợp tác của các lực lượng, người dân thì tình hình sớm ổn định, mang lại biểu hiệu tích cực”, ông Đức chia sẻ.

Liên quan đến vắc xin, kể từ ngày 22/7 đến nay TP đã tiêm được hơn 390.000 liều, lũy kế đến nay đã tiêm được 1,3 triệu lượt người.

TP đặt mục tiêu, cuối tháng 8 sẽ tiêm cho 70% người dân từ 18 tuổi trở lên. Do đó, trong tháng 8 TP sẽ cần 5 triệu liều vắc xin cho mục tiêu này. 

Tính đến hết ngày 30/7, TP.HCM đã ghi nhận hơn 84.000 ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, số bệnh nhân mắc mới đã giảm 310 ca so với ngày 29/7. Trong 3 ngày gần đây, biểu đồ số ca mắc mới ở thành phố đang đi ngang.
Phó Chủ tịch TP.HCM: Cần 5 triệu liều vắc xin trong tháng 8

Phó Chủ tịch TP.HCM: Cần 5 triệu liều vắc xin trong tháng 8

Chiều 30/7, UBND TP.HCM đã họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.

Hồ Văn



Theo Báo VietNamNet

Xe có mã QR, quét trong tích tắc là qua chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19

Thực hiện chỉ đạo về không kiểm tra các xe chở hàng có mã QR do ngành GTVT, tại các chốt kiểm soát phòng dịch vào Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh đã thông thoáng, không còn cảnh ùn tắc.

Ngày 30/7, ngày đầu tiên thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn, lưu thông trên nhiều tuyến đường và tại các chốt kiểm soát đã thông thoáng hơn. 

Chỉ đạo nêu trên được Văn phòng Chính phủ gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.

Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ, tiếp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1015 ngày 25/7, để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có ý kiến chỉ đạo nhằm tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. 

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu từ 0h ngày 30/7, không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành Giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

Theo ghi nhận của VietNamNet, tại các chốt kiểm dịch cửa ngõ vào các tỉnh, đều phân làn cho xe luồng xanh. Các xe có mã QR Code chỉ dừng lại để quẹt mã trong tích tắc là vào luồng xanh qua chốt, rất nhanh chóng, thuận tiện.

Tại tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, sau khi cán bộ Tổ công tác quẹt mã xác nhận, phương tiện có Giấy chứng nhận QR Code do ngành GTVT cấp nhanh chóng vào luồng xanh qua chốt kiểm dịch trên tuyến để vào Hà Nội.

{keywords}
Lực lượng chức năng hướng dẫn cho xe lưu thông tại chốt kiểm soát 

Tại chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 đặt ngay tại Trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, vẫn có hàng rào barie chắn ngang cao tốc, chỉ để hở 2 làn phương tiện. Trong đó, một làn có biển ghi "Xe luồng xanh".

Khi các xe có dán Giấy nhận diện có mã QR Code do ngành GTVT cấp đi tới, một cán bộ TTGT của Tổ công tác sẽ tiến tới, dùng điện thoại quét mã QR Code để khớp thông tin với hệ thống lưu trữ thông tin xe luồng xanh của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Theo ghi nhận, thao tác này chỉ diễn ra chỉ trong vài giây, chiếc xe có mã QR Code còn thời hạn được mời tiến thẳng vào luồng xanh qua chốt.

{keywords}
Cơ quan chức năng phân luồng xanh cho các phương tiện 
{keywords}
Lực lượng chức năng quét mã QR Code để khớp thông tin, sau đó xe được qua chốt ngay

Ông Hoàng Xuân Dư, Đội trưởng Đội TTGT Đường bộ (Sở GTVT Hà Nội), Tổ trưởng Tổ công tác thông tin, từ 0h đêm 30/7, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tất cả các xe có Giấy nhận diện mã QR Code không phải kiểm tra ở mọi chốt kiểm soát phòng dịch, nên các xe qua chốt rất nhanh, lực lượng chức năng cũng đỡ vất vả.

"Trước đây, lái xe chở hàng qua chốt, dù có Giấy nhận diện QR Code nhưng tổ công tác vẫn phải kiểm tra giấy xét nghiệm. Nay chỉ cần quét mã QR còn thời hạn là xe được qua, nếu giấy xét nghiệm âm tính của tài xế quá hạn, ngành chức năng sẽ tạo điều kiện cho cho xe về nơi bốc xếp hàng hoá, lái xe trả hàng sẽ tổ chức hậu kiểm, kiểm tra và xét nghiệm Covid-19 cũng như khai báo y tế sau", ông Dư cho hay.

Ngày đầu không kiểm tra xe chở hàng có mã QR, theo thông tin từ nhiều tỉnh thành, các chốt kiểm soát không mất nhiều thời gian kiểm tra, chỉ thực hiện việc quét mã QR Code của xe được cấp là xe qua được chốt.

Ngoài việc tạo điều kiện thông thoáng cho xe có đủ điều kiện, lực lượng chức năng vẫn thực hiện nghiêm việc kiểm soát tại chốt. 

Theo Trung tá Phạm Quang Minh (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), chỉ huy chốt kiểm dịch số 2 vào Hà Nội, với các xe chở hàng không có Giấy chứng nhận QR Code hoặc Giấy chứng nhận hết thời hạn, khi qua chốt sẽ được yêu cầu dừng lại khai báo y tế, địa chỉ nơi đi nơi đến, tài xế và người ngồi trên xe phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, giấy đi đường mới được lưu thông vào Hà Nội.

"Còn lại, các phương tiện không đảm bảo đủ các quy định trên, sẽ yêu cầu quay đầu, không được vào Hà Nội", Trung tá Minh cho hay.

Quyết Nguyễn

Nhiều lái xe từ chối chở khách đến Nội Bài vì sợ bị cách ly tập trung

Nhiều lái xe từ chối chở khách đến Nội Bài vì sợ bị cách ly tập trung

Các tỉnh đều quy định áp dụng cách ly tập trung từ 14 - 21 ngày với người về từ Hà Nội nên nhiều lái xe từ chối chở người đến và đón người từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.



Theo Báo VietNamNet

Nhật ký Hà Nội cách ly ngày 7: Sống trong giãn cách

Có những lời nói, việc làm hoặc hiện tượng xảy ra cả trong nhà lẫn ngoài phố không bao giờ thấy xuất hiện trong cuộc sống bình yên hàng ngày. Nhưng nó đã và đang xảy ra trong thời gian cách ly xã hội vì đại dịch Covid-19.

Dĩ nhiên là việc giãn cách xã hội giờ đây người ta đã thấm nhuần mọi nhẽ thiệt hơn cho chính mình. Họ tự giác chấp hành nghiêm chỉnh và nhắc nhau cùng chấp hành. Bạn không thể chạy ra cửa hàng rau sạch đầu phố mua rau mà quên cái khẩu trang được.

Nhân viên ngoài ấy sẽ phát hiện ra và yêu cầu bạn quay về lấy khẩu trang khẩn cấp. Họ sợ cho bạn và cũng là sợ cho mọi người quanh bạn. Phản xạ quan sát người đeo khẩu trang hay không giờ đã thành phản xạ có điều kiện chẳng cứ gì lực lượng chức năng. Ai cũng hiểu rằng rất có thể đương sự do vội đi mà quên mất việc cần thiết.

{keywords}
Lực lượng công an kiểm tra giấy tờ người ra đường 

Chỉ thị cấm người ra đường khi không có việc cần thiết tưởng như chặt chẽ chu đáo mà không phải thế. Nếu để không nhầm lẫn giữa bánh mì và gạo, rau cái nào không phải là thực phẩm thiết yếu thì có lẽ cái chỉ thị ấy phải in kèm bản phụ lục danh sách dài bất tận. Và cũng chẳng có
bộ óc vĩ đại nào ngồi nghĩ ra được đủ những thứ cần thiết cho con người để cho vào danh sách. Nhất là con người hiện đại.

Những người dưới 30 tuổi bây giờ bảo đánh răng bằng muối chắc chắn họ chẳng biết làm thế nào. Kem đánh răng là thiết yếu với họ. Nhưng để ý kĩ thì thấy lớp này nhiều người chẳng cần ăn rau mà vẫn sống khỏe. Có người coi pizza là thứ ăn hàng ngày không biết chán.

Người già thì không thế. “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới” là tục ngữ ngàn đời của người Việt. Dù rằng bây giờ các cụ có thể trồng cả hai hàm răng implant sáng quắc thì bữa đến vẫn phải có bát canh rau. Thế nhưng bảo các cụ xơi tạm mì ăn liền 3 buổi sáng liền có lẽ còn khó hơn bắt trẻ con đánh răng bằng muối hạt.

Thành ngữ mới “Rảnh rỗi sinh nông nổi” của đám thanh niên trên mạng có lẽ được ứng dụng nhiều nhất trong dịp cách ly này. Có anh chàng ngồi say sưa đếm cả túi gạo ST25 xem có bao nhiêu hạt. Sau đó công bố thành tích của mình trên mạng. Chuyện tưởng vớ vẩn ấy không ngờ tạo thành trend sống ảo cực kỳ sôi nổi.

Đại khái không còn cái gì trong nhà không lôi ra đếm. Mặc dù người lớn đã từng mách nước chỉ cần đếm 1gr gạo rồi nhân lên với 1.000 lần cũng chẳng có ai theo. Tranh cãi sôi nổi không hồi kết chẳng để làm gì cả. Mà gia đình nào trước giờ giãn cách cũng mua về cả đống lạc, vừng, đậu đỗ, miến, bánh đa sợi các loại. Vài cô cậu còn xé túi rong biển nấu thạch ra đếm từng sợi một.

{keywords}
Bờ Hồ vắng vẻ trong những ngày giãn cách 

Đếm xong cân nhộng tằm còn cẩn thận ra ban công đếm nốt số lá cây chanh trồng làm cảnh. Để xem lá ấy cỏ đủ làm món nhộng rang lá chanh hay không.

Đàn ông trong giãn cách không ngờ sinh ra làm khối việc hàng ngày. Mở mắt ra là lên sân thượng tập thể dục và quét dọn cái sân bằng hai chiếc chiếu thôi. Đó là việc không bao giờ đàn ông ngó tới hàng ngày. Tiếp theo là tự vào bếp nấu cho mình một bát mì với toàn bộ gia vị và kiến thức chế biến mì sợi từ ngày bao cấp. Quả cà chua bổ cau như thế nào, hành trắng phi thơm đến độ nào, trứng đập vào nồi nước sôi lúc nào cho khỏi vỡ nát. Toàn bộ kí ức từ bốn mươi năm trước hiện về mồn một kể cả lúc gắp mì ra bát ô tô rồi dội nước lên trên và rắc hành
thái nhỏ.

Sau bát mì sẽ là đun nước pha một phin cà phê. Ngồi trong yên tĩnh mà nghe cà phê nhỏ giọt như vài chục năm trước. Đàn bà cũng có việc mà ngày thường không thể làm được. Cố gắng moi trong tủ bếp ra mớ bồ kết héo quắt queo đen nhẻm đem ra nướng. Lí sự rằng mùi bồ kết chính là thuốc khử khuẩn môi trường cho cả nhà. Tiếp đến là nấu nồi nước bồ kết rõ đặc màu nâu sẫm để nguội.

Cầm thêm cái lược vào buồng tắm và hí hoáy chải gỡ trong ấy cả tiếng đồng hồ. Thực ra là gội đầu kỉ niệm hương bồ kết ngay bên cạnh lọ dầu gội đầu bồ kết mà không hề đụng đến. Nhìn gương mặt hớn hở tự hào của mấy bà vừa gội đầu bồ kết thật xong cũng có phần khác lạ. Nó hả hê như vừa trả được mối thù với thời gian bận bịu hàng ngày. Lại còn thấy cất cao tiếng hát “Đêm nghe tiếng mưa rơi/ Đếm mấy triệu hạt rồi…”(Ở hai đầu nỗi nhớ-Phan Huỳnh Điểu).

 Nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn

Cắt tóc khi cách ly

Cắt tóc khi cách ly

Mối bận tâm rất lớn của cả đàn ông và đàn bà ở phố là chuyện tóc tai. Đàn ông bồn chồn ngứa ngáy vì tóc cứ dài ra hàng ngày. Đàn bà chỉ hơi khó chịu chút thôi vì mái tóc cầu kì chẳng có ai ngắm.



Theo Báo VietNamNet

Vắc xin cho cả TP.HCM và hy vọng thắng trận Covid-19

Dù đang chuẩn bị để bắt đầu và nguồn vắc xin vẫn đang về thì đây là một "đột phá" vô cùng quan trọng trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng này”.

Sáng 30/7, Thông tin Bộ Y tế đề nghị TP.HCM tiêm cho toàn bộ dân trên 18 tuổi được đón nhận như một tin vui giữa vô vàn những lo âu của dân chúng khi TP là đã có hơn 82.000 ca nhiễm chỉ riêng đợt dịch lớn nhất này.

Tôi đọc được không ít vui mừng trong những dòng trạng thái của cả bạn bè lẫn người thân trên facebook cùng khá nhiều bình luận dưới các bài báo loan thông tin này. Ai cũng hiểu chỉ có vắc xin, vắc xin và vắc xin mới có thể giúp TP.HCM mau “lành bệnh”, người dân TP lớn nhất nước sớm trở lại cuộc sống bình thường. 

{keywords}
Người dân TP xếp hàng vào tiêm vắc xin tại một điểm tiêm ở Q7, TP.HCM Ảnh: Thanh Tùng 

Đây là điều mà hàng triệu người dân TP.HCM chờ đợi nhiều tháng nay “Bộ Y tế có công văn hoả tốc gửi Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị tiêm chủng cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên nhân viên y tế, người già, không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm”.

Có thể nhiều người vẫn nghi ngại những điều như "Khi nào kim đâm vào bắp tay mới chắc" nhưng ít nhất việc đó ngay trước mắt cũng phần nào trấn an được tinh thần của khá nhiều dân chúng đang lo âu, thậm chí hoang mang bởi không ít thông tin thật giả lẫn lộn. Những câu hỏi như vắc xin từ đâu cho đủ, nguồn thế nào và tiêm sao đang được hé mở dần, không chỉ những tuyên bố từ quan chức có trách nhiệm mà nhiều con số biết nói đã thể hiện nhiều điều. 

Thật ra với khoảng 7 triệu dân TP.HCM trên 18 tuổi cần 14 triệu liều để đủ 2 mũi không phải là bất khả thi và chỉ có tiêm trên... giấy mới đủ. Hiện VN đã nhận 15 triệu liều, đã tiêm hơn 5 triệu, kể cả đã phân bổ chưa đến 9 triệu và tháng 8 dự kiến có khoảng 10 triệu về. Đấy là chưa kể những nguồn khác mà Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, DN Việt Nam đang nỗ lực để tìm thêm nhiều triệu liều vắc xin cho cả nước. Bên cạnh đó thì kết quả khả quan từ thử nghiệm của Nanocovax đang làm hy vọng trong năm nay có vắc xin nội lớn dần.  

Với số lượng vắc xin như vậy thì việc tiêm mũi 1 (mũi 2 ít nhất phải sang tháng 9) cho 6 triệu người vì hơn 1 triệu đã tiêm không phải là việc không thể và chỉ để động viên tinh thần. Việc còn lại là tổ chức và tiến độ tiêm thế nào để hết tháng 8 có khoảng 70 % dân số thành phố (trên 18 tuổi) được tiếp cận vaccine Covid-19 mũi 1? Những than phiền về tiến độ tiêm chậm có lẽ đang được giải quyết bằng cách này “ Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành, tổ chức tiêm tại các cơ sở có dịch và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư”. 

Khi huy động được tổng lực, cả hệ thống y tế tư nhân vào cuộc, bớt những thủ tục rườm rà, thận trọng không cần thiết và nhất là đừng thêm những quy định phiền hà thì tôi tin mục tiêu “TP.HCM phấn đấu 70% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 trong tháng 8” có cơ sở để hoàn thành. 

{keywords}
Người dân TP.HCM tiêm vắc xin. Ảnh: Thanh Tùng

TP.HCM tiêm được và đạt con số cần thiết trên thì không chỉ mình TP yên ổn và đỡ dịch bệnh dần mà cả nước cũng bớt đi những căng thằng hiện có! Trước mắt, dòng người đổ về các tỉnh có thể ngưng lại nếu họ cũng được xem là dân TP.HCM trong diện tiêm khi nhiều tỉnh bắt đầu dừng đón nhận chính bà con của mình để giảm tải cho các khu cách ly đã đầy. 

Khi TP.HCM bớt dịch, có thể mở cửa trở lại một số hoạt động, sản xuất kinh doanh thì nơi đóng góp gần 25% GDP này sẽ làm ra của cải, sản xuất ra hàng hóa để phụ giúp nơi khác và đỡ gánh nặng lớn cho quốc gia. Lúc đó hệ thống y tế nhẹ gánh, y bác sĩ đang chi viện cho TP sẽ về lại các tỉnh hay lực lượng y tế vốn đã thiện chiến của TP.HCM lại đi giúp các tỉnh thành khác. Tôi nghĩ, rồi sẽ bớt dần những tiếng cầu cứu và cảnh rơi nước mắt, nghẹn lòng mà chẳng ai muốn nhìn thấy hay lặp lại như bây giờ. 

Tôi cũng tin rằng tinh thần người dân sẽ "lành lặn" khi TP.HCM không còn như hiện nay, bức tranh nhiều mảng xám hiện thời sẽ đưọc xóa bớt những vệt tối để cuộc sống đỡ căng thẳng hơn, sinh hoạt sẽ bớt dần những lo toan. TP.HCM không chỉ là tâm dịch cần tập trung chữa trị nhất mà đây chính là nơi vượt qua trận chiến chống Covid 19 hiện tại thì hy vọng thắng cuộc chiến này nhanh chóng của cả nước sẽ rất lớn và khả thi. 

Hà Phan

Phó Chủ tịch TP.HCM: Cần 5 triệu liều vắc xin trong tháng 8

Phó Chủ tịch TP.HCM: Cần 5 triệu liều vắc xin trong tháng 8

Chiều 30/7, UBND TP.HCM đã họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.



Theo Báo VietNamNet