Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Chủ tịch Hà Nội - bước ngoặt mới trong sự nghiệp của ông Chu Ngọc Anh

Sự nghiệp của ông Chu Ngọc Anh chính thức bước vào giai đoạn mới khi ông đảm nhiệm chức Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Khi đang giữ chức Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ngày 18/9/2020, ông Chu Ngọc Anh chính thức nhận quyết định của Bộ Chính trị là tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015- 2020.

Đến ngày 25/9, ông được HĐND TP Hà Nội bầu làm Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2016-2021.

Quá trình công tác của ông được đánh dấu thêm dấu mốc mới từ đây.

{keywords}
Tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh

Trước đó, ông Chu Ngọc Anh từng đảm nhiệm các chức vụ  Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN); Thứ trưởng Bộ KH&CN; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ…

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, ông Chu Ngọc Anh là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã trải qua một số vị trí công tác ở Trung ương và địa phương. Dù ở nhiệm vụ công tác nào, ông Chu Ngọc Anh đều phấn đấu, nỗ lực, vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình công tác, ông Chu Ngọc Anh luôn thể hiện bản lĩnh, ý chí, nghị lực, không chùn bước trước khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà Đảng phân công.

Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bộ Chính trị hết sức tin tưởng phân công ông Chu Ngọc Anh về công tác địa bàn Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục và khoa học công nghệ của cả nước.

Nhận nhiệm vụ mới là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh chia sẻ, đây là niềm vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề trước Đảng bộ và nhân dân Thủ đô.

Ông nhận thức rằng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cá nhân ông phải đặt mình trong tập thể, tổ chức, luôn nỗ lực phấn đấu, cầu thị, đoàn kết cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ TP tập trung trí lực xây dựng Đảng bộ TP trong sạch, vững mạnh.

Ông nhấn mạnh, bản thân sẽ không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tích cực nghiên cứu lý luận, bám sát thực tiễn, vận dụng và phát huy tối đa những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy.

{keywords}
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng hoa, chúc mừng ông Chu Ngọc Anh.

Đồng thời luôn lắng nghe tiếng nói của người dân và doanh nghiệp để đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phục vụ phát triển Thủ đô.

Đưa khoa học công nghệ vào phát triển Thủ đô

Nhắc đến kỳ vọng phát triển khoa học công nghệ (KHCN) của TP Hà Nội, trong cuộc làm việc của Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ với Ban cán sự Đảng bộ KH&CN ngày 14/7, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Hòa Lạc hiện là “cái nôi” của các mô hình điểm, thúc đẩy phát triển KHCN.

Trách nhiệm của Bộ KH&CN và các bộ ngành phải đồng hành, chung sức cùng Thủ đô, thể hiện trách nhiệm, phối hợp, tháo gỡ chính sách để Hà Nội đạt được những mục tiêu đề ra.

Ông Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh các hoạt động, giải pháp hỗ trợ. Với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, những điểm sáng mới về khởi nghiệp sáng tạo tiếp tục được hình thành, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô.

“Hà Nội hiện có 80% trường đại học, viện nghiên cứu; 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học sống ở Hà Nội. Phần lớn tinh hoa cả nước đang tập trung tại đây.

Vì vậy, Hà Nội phải phát triển thêm nhiều đề tài, sáng chế hữu ích, có tính thực tiễn, xứng tầm Thủ đô của đất nước”, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Còn nhớ, tại phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/3/2018, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu giải pháp xây dựng khu nghệ cao Hoà Lạc (Hà Nội), TP.HCM, Đà Nẵng sau nhiều năm hoạt động nhưng kết quả chưa rõ nét so với mục tiêu đặt ra là xây dựng 3 khu này thành những quả đấm thép trong KHCN.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, sau thời gian đầu gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng và một số vướng mắc về thể chế, đến nay tình hình xúc tiến đầu tư tại 3 khu này đã chuyển động, các nhà đầu tư lớn đều là công nghiệp công nghệ cao, là phần cứng của cách mạng công nghiệp 4.0, có tác động lan toả.

{keywords}
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G bằng thiết bị do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Trọng Đạt

"Tại Hoà Lạc suất đầu tư năm 2016 đạt 13 triệu USD/ha, TP.HCM là 15 triệu USD/ha, những con số này lớn hơn rất nhiều so với trước đây", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh dẫn chứng.

Theo Bộ trưởng KH&CN, trong khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có những DN làm ra tất cả hệ thống sản xuất các thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; 3.500 kỹ sư nghiên cứu của Viettel đem lại doanh thu hơn 14.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ở cả 3 khu này, Bộ KH&CN tập trung phát triển các trường đại học, viện nghiên cứu.

"Chúng tôi đã đặt đầu bài đúng hướng, làm sao kéo chuyên gia Hàn Quốc vào khu công nghệ cao. Với sự chỉ đạo của Thủ tướng 6 tháng một lần, chúng tôi hoàn toàn có niềm tin trong vài năm tới khu công nghệ cao sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nữa", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Cũng tại kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Chu Ngọc Anh:

"Mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra bao nhiêu tiền cho các đề tài nghiên cứu khoa học? Đề nghị bộ trưởng đánh giá chất lượng các đề tài này, có hay không tình trạng các đề tài nghiên cứu xong lại 'xếp ngăn kéo'?".

“Đề tài bỏ ngăn tủ là cách ví von, nói thật nhiều thế hệ của Bộ KH&CN trăn trở điều này. Với trách nhiệm từng đồng thuế của nhân dân nhìn một cách tổng thể, thấu đáo, có nghĩa chậm ứng dụng trong cuộc sống là lãng phí”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ.

Ông mong ĐBQH chia sẻ một số đặc thù của ngành KHCN là có độ trễ, có rủi ro, có những nghiên cứu cơ bản chỉ phục vụ công ích. Nhiệm vụ của ngành là muốn giải quyết hệ thống việc này. Hiện, bộ đang tập trung rà soát lại, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu của KHCN, nghiên cứu cơ bản.

Về nguồn lực ngân sách, Bộ trưởng KH&CN cho hay, đang chuyển động theo hướng tích cực.

Hiện nguồn ngân sách dành cho nhiệm vụ cấp quốc gia là 2.900 tỷ. Trách nhiệm với từng đồng thuế của dân, Bộ trưởng KH&CN cho rằng cần quan tâm hơn đến việc huy động xã hội vào lĩnh vực này.

Hương Quỳnh



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét