GS, TS Tạ Ngọc Tấn nêu câu chuyện ở Singapore, nếu vứt một tàn thuốc lá ra đường phạt 50 USD. Trong khi Hà Nội mọi người xả rác thoải mái, không có kỷ cương, kỷ luật nào.
Sáng nay (28/9), Thành ủy, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển thành phố sáng tạo của thủ đô Hà Nội”.
Tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người; được tổ chức UNESCO vinh danh là “thành phố vì hòa bình”, “thành phố sáng tạo”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng |
Theo bà Hằng, một ưu thế tuyệt đối, riêng có của Hà Nội là lịch sử hơn 1000 năm hình thành và phát triển.
“Văn hóa Thăng Long - Hà Nội là nguồn lực nội sinh giàu năng lượng, ngày càng hội tụ, lan tỏa rộng khắp để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị mà còn có bệ đỡ của sức mạnh “mềm” chính là trung tâm văn hóa”, bà Hằng khẳng định.
Lãnh đạo Thành uỷ cho hay, với việc tham gia vào “Mạng lưới thành phố sáng tạo”, Hà Nội có cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô với thế giới.
Đồng thời, xây dựng chiến lược văn hoá toàn diện, tổng thể, đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa, truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, vừa tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực văn hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tại sao Hà Nội chưa có Khải Hoàn Môn?
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư nhấn mạnh đến chức năng điều tiết của văn hóa, có khả năng tác động, điều chỉnh hành vi, nhận thức, chi phối giá trị của con người.
Theo ông Tấn, cần phải nhận thức đúng đắn, cập nhật đầy đủ bản chất, ý nghĩa của văn hóa; tiến tới hình thành các thiết chế, thể chế quy định về văn hóa, văn hóa phải đi liền, ngang hàng với kinh tế xã hội. Quy hoạch phải gắn liền kinh tế với văn hóa, có chính sách đảm bảo phát triển văn hóa.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn |
GS Tấn cho biết, hiện nay, người Hà Nội gốc đang ít đi. Hà Nội bây giờ nói bằng các thứ tiếng của 63 tỉnh thành, của 54 dân tộc anh em, chưa kể người nước ngoài. Đã đến lúc Hà Nội phải chuẩn bị nhận thức về giá trị chung cho người Hà Nội, đó là thể hiện văn hóa chung của người Việt Nam, là kết tinh văn hóa Hà Nội gốc, cùng với giá trị cốt lõi của văn hóa từ nước ngoài.
Ông Tấn cho rằng, trước hết phải phát triển, định hình giá trị con người. Muốn vậy, cần phải kết hợp giữa đầu tư, giáo dục, khuyến khích tự giác, đồng thời phải gắn với việc cưỡng chế, hình thành kỷ cương, kỷ luật…
“Như bên Singapore, nếu vứt một tàn thuốc lá ra đường là bị phạt 50 USD. Trong khi Hà Nội thì mọi người xả rác thoải mái, không có kỷ cương, kỷ luật nào. Đã đến lúc phải hoạch định ra một định chế về văn hóa, tôi nghĩ rằng tuyệt đại đa số nhân dân sẽ ủng hộ”, ông Tấn nói.
GS Tạ Ngọc Tấn cũng cho hay, cần phát triển cảnh quan của Hà Nội. Việc đập vào mắt đầu tiên với một người đến thành phố là cảnh quan. Cần phải thực sự đầu tư phát triển cảnh quan một cách nghiêm túc.
“Tại sao Hà Nội không có một Khải Hoàn Môn. Việc này đã bàn từ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà giờ chưa có. Tại sao không có cổng chào, biểu tượng ở 5 cửa ô. Tại sao có bao nhiêu danh nhân mà không có biểu tượng trong thành phố ở các ngã ba, ngã tư...”, ông Tấn đặt câu hỏi.
Ông lấy ví dụ vỉa ba toa ở phố Hàng Ngang - Hàng Đào, đại diện cho tuổi tác, cho lịch sử của Hà Nội đến nay đã bị thay thế. Theo ông, bây giờ còn dấu ấn gì thì phải có chiến lược tổng thể để gìn giữ, phát triển.
Theo PGS.TS Đào Duy Quát - Nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hoá T.Ư, nếu thực sự coi trọng nguồn lực văn hóa, nguồn lực con người, Hà Nội cần đột phá trực tiếp vào một số lĩnh vực như: tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; khoa học công nghệ; di sản văn hóa vật thể, phi vật thể…
PGS.TS Đào Duy Quát |
Ông Quát cho rằng, nên khôi phục Ban chỉ đạo của T.Ư và Hà Nội, tư lệnh phải là người đứng đầu.
“Cứ nói văn hóa ngang bằng, nhưng thực tế đều ở vị trí cuối cùng, từ bố trí cán bộ đến đầu tư”, ông Quát nêu ý kiến.
Ông cũng cho hay, nếu quy hoạch cán bộ làm văn hóa không tốt, thì liên tục thay đổi, tân quan tân chính sách, không phát triển được. Nếu coi văn hóa quan trọng thì phải ứng xử phù hợp. Cán bộ văn hóa cần phải có tâm, có tầm, có tâm huyết với văn hóa.
Lấy ví dụ về Cổ Loa, là kinh thành đầu tiên của Việt Nam, là di sản quốc gia đặc biệt, nhưng theo ông Quát, hơn 30 năm sau quyết định này, việc phát triển rất hạn chế.
“Nếu coi là đột phá thì phải có tổ chức để thực hiện, phải quay trở lại Ban chỉ đạo của T.Ư và thành phố, phải có người đứng đầu đầy đủ quyền lực triển khai”, ông Quát nhắc lại.
Tân Chủ tịch Hà Nội nguyện đem hết sức mình phục vụ Thủ đô
Phát biểu tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh bày tỏ nhận thức sâu sắc đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề mà Đảng bộ, HĐND và nhân dân thủ đô tin cậy giao cho.
Hương Quỳnh
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét