Những công trình giao thông với nguồn kinh phí lớn là đòn bẩy giúp kinh tế Quảng Ninh có bước phát triển nhảy vọt trong 5 năm vừa qua.
Cầu "made in Việt Nam", cao tốc nối tới biên giới
Được mệnh danh là cây cầu “made in Việt Nam”, cầu Bạch Đằng từ khi đi vào hoạt động vào ngày 1/9/2018 đã rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội xuống Quảng Ninh chỉ còn 130 km.
Cây cầu dài 3km với 4 nhịp dây văng, chịu được động đất cấp 8, có 3 trụ chữ H thể hiện tam giác kinh tế giữa TP Hạ Long (Quảng Ninh) - TP Hải Phòng và TP Hà Nội.
Cầu có mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng và được thực hiện bằng hình thức BOT.
Cầu Bạch Đằng là cây cầu do người Việt Nam thiết kế và thi công, đây là công trình quan trọng trong việc phát triển kinh tế Quảng Ninh |
Cầu này nằm trong dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến khởi công vào tháng 1/2015 với chiều dài 5,4km, rộng 25m, 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h.
Ngay phía dưới là cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có chiều dài 24,6km, rộng 25m, được thiết kế với 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, tổng vốn đầu tư 6.416 tỷ đồng. Cao tốc này hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 1/9/2018.
Điểm đầu cao tốc giao với quốc lộ 18 tại km102 + 300 (thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long), điểm cuối dự án tại lý trình km19+800 (là điểm đầu dự án thành phần cầu Bạch Đằng, đường dẫn nút giao cuối tuyến).
Đây là tuyến cao tốc được giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công-tư (PPP).
Tiếp tuyến là cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với chiều dài gần 25km |
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn khởi công từ tháng 9/2015 và hoàn thành vào 1/2/2019 với 15 gói thầu (9 gói thầu đường và 6 gói thầu cầu).
Cao tốc này dài gần 60km thiết kế 4 làn xe, vận tốc cho phép 100km/h, kinh phí 12.000 tỷ đồng. Điểm đầu là quốc lộ 18, TP Hạ Long và điểm cuối là đường dẫn vào sân bay Vân Đồn.
Tới thời điểm hiện tại, Quảng Ninh là tỉnh có tuyến đường cao tốc dài nhất cả nước. Sắp tới đây, khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (dài toàn tuyến hơn 80km, kinh phí 14.000 tỷ đồng) hoàn thành sẽ giúp Quảng Ninh có tuyến cao tốc dài gần 200km nối liền từ Hải Phòng tới vùng biên giới.
Ngày 6/8, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phát động chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Lần đầu tiên cảng biển, sân bay do tư nhân đầu tư
Từ trước đến nay, Việt Nam chưa có cảng tàu đạt chuẩn để có thể đón những du thuyền quốc tế chở theo loại hình khách du lịch chất lượng cao.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long được cấp phép hoạt động từ tháng 11/2018, có tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, do tỉnh Quảng Ninh kêu gọi tư nhân đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cao tốc Hạ Long -Vân Đồn uốn lượn sẽ là điểm nối vào cao tốc Vân Đồn-Móng Cái |
Đây là công trình xây dựng tại khu vực vịnh Cửa Lục (bên trái tuyến luồng Hòn Gai - Cái Lân thuộc phường Bãi Cháy, TP Hạ Long).
Cảng tàu này được thiết kế đón tàu có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460 (gồm cả hành khách, thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được Bộ GTVT phê duyệt là cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp 2, tổng kinh phí 7.700 tỷ đồng.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long có thể đón cùng lúc 2 du thuyền siêu sang cỡ lớn |
Ngoài ra, sân bay này còn được trang bị hệ thống dẫn đường bay ILS Cat II nhằm hỗ trợ máy bay hạ cánh an toàn ngay cả trong thời tiết xấu. Sân bay có đường cất, hạ cánh dài 3,6km, rộng 45 mét, có thể đón những chuyến bay chở khách hay hàng hóa lớn.
Sau khi đưa vào khai thác, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ có khả năng đón tiếp khoảng 7.000 lượt khách mỗi ngày.
Dự tính tới năm 2030 sẽ có thể đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 15 triệu lượt khách quốc tế.
Phạm Công
Chủ tịch Quốc hội: Quảng Ninh cần đổi mới với xung lực là khoa học công nghệ
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quảng Ninh cần khơi dậy và phát huy tối đa các tiềm năng để tạo động lực mới cho tăng trưởng, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới đột phá với xung lực là khoa học công nghệ.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét