Với sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự chuẩn bị nhân sự kỹ lưỡng của Đảng, Đại hội XIII sẽ là “Đại hội không chạy chức”.
Ngay từ năm 2018, khi phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 16, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: “Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI sắp tới là đại hội không có chạy chức”.
Sở dĩ ông Nhân tự tin nói như vậy là vì tinh thần này được quán triệt theo chủ trương của Trung ương.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, Bộ Chính trị đã họp bàn một số nội dung liên quan Nghị quyết 26 Trung ương 7 (về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và
uy tín, ngang tầm nhiệm vụ), trong đó có yêu cầu về chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII với việc chống chạy chức, chạy quyền.
Ở góc độ là người trực tiếp làm công tác cán bộ, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng cũng như công tác quy hoạch cán bộ, Đảng ta đã chuẩn bị nhiều năm trước để lựa chọn những người xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, điều kiện đưa vào quy hoạch, cơ cấu chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp.
“Để chọn đúng người, người làm tổ chức phải đi tìm cán bộ chứ không phải để cán bộ sắp được đề bạt bổ nhiệm đi tìm tổ chức. Người làm tổ chức phải đi tìm người tốt, tìm người tài giới thiệu cho Đảng, Nhà nước bổ nhiệm vào vị trí xứng đáng để làm tốt nhiệm vụ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Lê Vĩnh Tân, công tác cán bộ phải thực hiện trên tinh thần hết sức công tâm, khách quan, không chịu tác động của bất cứ thế lực nào. Bất cứ người nào cũng cần được nhận xét, đánh giá sâu sắc, lấy ý kiến một cách đồng bộ, thực hiện đúng theo các quy trình và đề bạt, bổ nhiệm công tâm.
“Làm công tác cán bộ không được vì lợi ích cá nhân, không vì quen biết, không vì việc trao đổi quyền lợi giữa cá nhân với cá nhân, nếu không rất dễ gây ra tình trạng chọn người không đúng”, Bộ trưởng Nội vụ lưu ý.
PGS-TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đề nghị, trực tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải rà soát từng nhân sự một trước khi giới thiệu để Đại hội bầu vào Trung ương khóa XIII.
“Phải rà soát từng người một về mặt phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ xem có đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Chỉ nhân sự nào đáp ứng được tất cả các mặt đó thì mới giới thiệu để Đại hội bầu. Còn ai đó có cái gì đó lấn cấn, chưa đáp ứng được hoặc còn theo kiểu “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” dứt khoát không đưa vào danh sách”, ông Phúc nhấn mạnh.
PGS-TS Vũ Văn Phúc lưu ý, không để lặp lại tình trạng như Đại hội XII, tức là không để một số nhân sự được bầu vào Trung ương, thậm chí bầu vào Bộ Chính trị rồi sau đó, chính một số nhân sự trúng cử bị kỷ luật, bị truy tố.
“Có thể nói trong nhiệm kỳ này, Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Ban Tổ chức Trung ương đã có nhiều đổi mới trong công tác cán bộ và những động thái ấy đã có tác động rất tích cực trong toàn hệ
thống. Với những đổi mới này, chúng ta sẽ có lực lượng cán bộ đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới”, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường nói.
Ông Cường cho biết, Đắk Lắk đã cụ thể hóa từ Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 13 của Đảng đến hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức TƯ về công tác nhân sự.
“Chúng tôi kiên quyết không bố trí vào cấp ủy những người có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, để người thân, vợ con lợi dụng chức vụ để trục lợi. Đây là vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm”, Bí thư Tỉnh
ủy Đắk Lắk khẳng định.
Theo ông Bùi Văn Cường, trong quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội, nếu các nhân sự có thông tin nào đó hoặc gia đình hay vợ con của họ có liên quan đến lĩnh vực cần quan tâm, các cấp ủy đều có chỉ đạo để xác minh. Nếu có việc để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ quyền hạn thì phải có chỉ đạo để những nhân sự ấy không được tham gia cấp ủy ngay từ đầu.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, một trong những điểm nổi bật của nhiệm kỳ XII này là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị rất chú ý đến công tác cán bộ và đã ra một số nghị quyết, cũng như nhiều quy định về công tác cán bộ.
Theo ông Thông, để tránh tình trạng vận động, lôi kéo, chạy chọt để vào Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí Bộ Chính trị, lần này Trung ương ban hành một số quy định chặt chẽ hơn như Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền.
Hay như Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý quy định rất cụ thể từng chức vụ một.
Để khắc phục khuyết điểm về nhận sự trong khóa XII và các khóa trước, hội nghị Trung ương 12 (vào tháng 5/2020) đã thống nhất “kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm như: người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh...
Thu Hằng - Thiết kế: Nguyễn Huệ
Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế với bài toán nhân sự khóa XIII
“Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế” là vấn đề được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc đi nhắc lại trong nhiều bài phát biểu của mình.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét