Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

Phóng viên kể phút bật khóc khi thi thể bé 2 tuổi tìm thấy trong bùn đất

“Cháu bé tầm 2 tuổi, nằm úp mặt xuống đất, như một con búp bê. Khi được đưa lên, bé không có áo quần, người bé chỉ một màu bùn đất. Rất may cả người cháu không bị trầy xước gì”, anh Đoàn Hữu Trung nhớ lại.

XEM CLIP:

Nhiều người xúc động vì bức ảnh nam phóng viên tuổi trung niên đang ôm máy quay khóc nghẹn ngào khi chứng kiến cảnh một cháu bé được đưa ra từ điểm sạt lở ở Trà Leng. 

“Lúc mọi người kéo lên một em bé từ trong lớp bùn đất, sình lầy, anh ấy đã dừng máy quay, hướng ống kính đi chỗ khác rồi quỵ xuống, òa khóc...

Phải đớn đau, uất nghẹn, khổ tâm, xót xa, cảm thương đến bao nhiêu mới khiến anh ấy - nam phóng viên già dặn kinh nghiệm, luôn làm chủ cảm xúc, hoàn cảnh phải bật khóc như thế này!”.

{keywords}
Hiện trường vụ sạt lở Trà Leng vùi chết 8 người, 14 người khác đang mất tích

Bức ảnh trên do phóng viên Hoàng Thế Lực, Báo điện tử Chính phủ ghi lại khoảnh khắc nhà báo Đoàn Hữu Trung (Thông Tấn xã Việt Nam thường trú tại Quảng Nam) bật khóc tại hiện trường vụ sạt lở thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) sáng 30/10.

30 làm nghề, lần đầu bật khóc

Chiều 31/10, VietNamNet đã gặp anh Đoàn Hữu Trung, khi anh vừa trở ra từ hiện trường vụ sạt lở Trà Leng.

Anh Trung kể, hơn 30 năm làm nghề báo, đó là lần đầu tiên anh bật khóc khi đang tác nghiệp tại hiện trường.

“Tôi đã tác nghiệp nhiều vụ sạt lở, tai nạn khiến nhiều người chết… nhưng vụ sạt lở Trà Leng là kinh hoàng và tang thương nhất. Cả ngôi làng với 11 ngôi nhà bị san phẳng, đất đá, cây cối vùi lấp tất cả.

Tại hiện trường, những ánh mắt của người con sống dõi theo các chiến sĩ đang đào bới bùn đất, tìm kiếm người thân của họ, khiến ai chứng kiến cũng không thể kìm được nước mắt”, anh Trung tâm sự.

{keywords}
Anh Đoàn Hữu Trung khóc nghẹn khi lực lượng cứu hộ đưa thi thể cháu bé ra khỏi nơi sạt lở (Ảnh: Tấn Lực)

Anh Trung nhớ lại, khoảng 9h sáng 30/10, lực lượng cứu hộ xác định được vị trí của một người bị vùi lấp. Lúc này, các chiến sĩ đào bới lớp đất đá, cây cối dày cả mét thì thấy thi thể.

Nhiều người dân, lực lượng cứu hộ và phóng viên xúm lại để xem khoảnh khắc tìm thấy nạn nhân vụ sạt lở. Lúc này, anh Trung đứng gần vị trí tìm thấy thi thể cháu bé, anh đặt sẵn máy để quay lại.

Nhưng khi, lúc các chiến sĩ đưa thi thể bé lên khỏi lớp bùn đất, sình lầy, anh Trung đã dừng máy quay, hướng ống kính đi chỗ khác rồi quỵ xuống, òa khóc như một đứa trẻ.

Anh Trung tâm sự, bản thân mình cũng có 2 con, khi nhìn cảnh cháu bé được đưa ra, anh cứ ngỡ đó là người thân, con cháu trong nhà.

“Đến hiện tại, tôi vẫn không quên giây phút đó. Cảm xúc lúc ấy quá khó tả, dâng trào, người run lên,  tôi hướng ống kính máy quay đi chỗ khác, nước mắt cứ thế tuôn trào. Không khí lúc ấy ngột ngạt, bao trùm toàn một màu đau thương”, anh Trung nhớ lại. 

“Hai ngày nay tôi cứ ám ảnh giây phút khi lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể cháu bé bị vùi ở Trà Leng. Cháu khoảng  2 tuổi, nằm úp mặt xuống đất, như một con búp bê. Khi được đưa lên, bé trần truồng không có áo quần, người bé chỉ một màu bùn đất. Rất may cả người cháu không bị trầy xước gì”, anh Trung bộc bạch.

{keywords}
Hơn hai ngày qua, anh Trung vẫn ám ảnh hình ảnh cháu bé được đưa ra khỏi đống bùn đất

Hơn 30 phút sau khi tìm được cháu bé, anh Trung mới giữ được bình tĩnh, anh lau vội những giọt nước mắt rồi tiếp tục tác nghiệp.

Cháu nhỏ được mọi người nhẹ nhàng bế lên cáng, rửa sạch bùn đất. Các chiến sĩ nhẹ nhàng cuộn tròn em trong chiếc chăn bông nhỏ, rồi đưa em vượt qua bãi sạt lở, về với gia đình.

“Hôm nay, khi trở lại hiện trường, tôi đứng cách xa hơn khu vực các chiến sĩ đang tìm kiếm, cố bước nhẹ chân vì sợ dẫm lên người các nạn nhân có thể nằm dưới đống bùn đất.

Trong quá trình tác nghiệp ánh mắt của tôi vẫn không rời mắt khỏi khu vực tìm thấy thi thể cháu bé. Cảnh tượng hai tay anh chiến sĩ đưa bé lên khỏi đống đất đá lại hiện về. Quả thật quá ám ảnh”, anh Trung chia sẻ.

14h ngày 28/10, vụ sạt lở đất xảy ra tại thôn 1 (xã Trà Leng) vùi lấp 11 hộ dân, 33 người thoát chết, 14 người vẫn còn mất tích, trong đó có Bí thư xã Trà Leng. Hiện tại, 8 thi thể đã được đưa khỏi hiện trường.


Lê Bằng

Trực thăng sẵn sàng tiếp tế lương thực cho 3.000 dân bị cô lập ở Quảng Nam

Trực thăng sẵn sàng tiếp tế lương thực cho 3.000 dân bị cô lập ở Quảng Nam

20 tấn gạo, 10 tấn nhu yếu phẩm đã được tập kết đến sân bay Đà Nẵng. Nếu thờitiết tốt, Sư đoàn Không quân 372 sẽ dùng trực thăng tiếp tế cho 3.000 dân bị cô lậpở Quảng Nam.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét