Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua văn học

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025) được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của gần 600 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học đến từ các chi hội nhà văn trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng. 

Đến dự và phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định: Văn học - nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng đã có vai trò, vị trí quan trọng, đặc biệt trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, tự chủ của nước nhà.

Từ khi có Đảng đến nay, vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt đó luôn được Đảng quan tâm, trân trọng và phát huy. Trong suốt hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, cùng đồng bào cả nước, nhiều nhà văn theo tiếng gọi non sông đã tự nguyện bước vào kháng chiến, kiến quốc.

Nhiều người trong số họ vừa cầm bút, vừa cầm súng; có không ít người đã anh dũng ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến thần thánh và trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc.

Chú thích ảnh

Ông Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

 Theo Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Đại hội Hội Nhà văn lần thứ X là đại hội chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Hội Nhà văn Việt Nam với sự kỳ vọng vào những nhân tố mới, tạo ra cảm hứng, năng lượng mới trong công tác điều hành, sáng tạo, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trải qua 9 nhiệm kỳ của Hội Nhà văn Việt Nam, Đại hội đã luôn tìm được những nhà văn xứng đáng để bầu vào BCH và lãnh đạo chủ chốt của Hội như các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà thơ Hữu Thỉnh. Những nhà văn, nhà thơ xuất sắc ấy trong BCH và lãnh đạo chủ chốt của Hội đã cùng các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam góp phần đưa nền văn học Việt Nam lên một bước phát triển mới qua mỗi thời kỳ.

Ông Võ Văn Thưởng bày tỏ sự vui mừng với việc các nhà văn đã chọn lựa được những đại diện tiêu biểu của nhà văn Việt Nam, bầu vào BCH và các chức danh lãnh đạo của Hội để cùng các hội viên hoàn thành trách nhiệm trong một giai đoạn mới của văn học nước nhà.

Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, nhiệm vụ của Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiệm kỳ mới là phải tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự suy thoái biến chất về chính trị, tư tưởng và đạo đức.

Trong tổng kết văn học Việt Nam nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, thúc đẩy hòa hợp dân tộc thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống, tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội.

Đồng thời, Hội cần tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học; tạo ra những bước đi có tính quyết định cho một dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là con người Việt Nam. Đó là triển vọng, là tương lai của đất nước mà nhà văn cần hướng tới.

Ông Võ Văn Thưởng cho rằng các nhà văn Việt Nam, cho dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải mang lại những vẻ đẹp nhân văn cao cả, niềm tin cho con người vào cuộc sống, những giấc mơ đẹp đẽ cho từng thân phận; góp phần dựng xây, phát triển, bảo vệ Tổ quốc.

"Kẻ thù lớn nhất của dân tộc trong chiến tranh là những kẻ xâm lược được xác định rõ ràng, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình là kẻ thù không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác. Nó chính là sự thoái hóa, biến chất về đạo đức trong mỗi con người. Nó ẩn náu trong đời sống thường nhật, nó có thể mang gương mặt lương thiện và đầy phép biến hình…

Chính vì thế, sứ mệnh, trách nhiệm của các nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và càng phức tạp. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, của sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này. Người đọc Việt Nam luôn luôn mong đợi, đón chào các nhà văn với lòng quý trọng và yêu mến nhất...

Văn học sẽ là một trong những nơi con người tìm đến như một điểm tựa tinh thần, niềm an ủi, nâng đỡ con người, làm cho con người thực sự trở thành “con người” (viết chữ hoa), luôn có khả năng vượt qua chính mình", Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ.

Ông Võ Văn Thưởng hy vọng, các nhà văn Việt Nam sẽ đáp ứng sự mong đợi đầy yêu thương này của độc giả bằng những tác phẩm hay, kết tinh từ trí tuệ sâu sắc, tâm hồn cao thượng và trách nhiệm lớn lao của nhà văn. Chỉ có tác phẩm hay mới thật sự vì con người, mới có thể làm giàu cho văn hóa dân tộc, góp phần làm cho đất nước phồn vinh, phát triển…

Theo TTXVN



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét