Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Phát triển ĐBSCL: Hướng biển để đột phá

Mới đây, Bộ KH&ĐT phối hợp cùng các tỉnh vùng ĐBSCL tổ chức Hội nghị tham vấn về “Dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Nhân sự kiện này, VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Lê Quân - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau  về quy hoạch và phát triển vùng ĐBSCL.

{keywords}
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân

Ông đánh giá như thế nào về dự thảo quy hoạch phát triển ĐBSCL?

Về cơ bản, tôi đánh giá cao dự thảo quy hoạch phát triển ĐBSCL do các chuyên giao trong nước và quốc tế phối hợp đề xuất. Tôi cho rằng dự thảo đã có nhiều tiếp cận mới, bước đầu đưa ra được nhiều định hướng chính sách giải quyết các vấn đề lớn về khai thác tiềm năng để phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, liên kết vùng… Quy hoạch cơ bản đã đáp ứng mục tiêu đảm bảo kết cấu hạ tầng.

Đặc biệt, quy hoạch có tiếp cận chú trọng quyền con người, giải quyết được nhiều vấn đề dân sinh, sinh kế của người dân, nước sạch, môi trường sống và đề cao các giá trị văn hóa miền Tây. Quy hoạch này khi được phê duyệt sẽ là căn cứ quan trọng để các tỉnh xây dựng quy hoạch cấp tỉnh.

Tuy nhiên, còn một số điểm mờ cần được làm sáng tỏ hơn. Cụ thể, dự thảo quy hoạch dường như: (i) “hướng tâm” chứ chưa “hướng biển”, kinh tế biển còn được đề cập khá mờ nhất là với các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau. (ii) Nội dung nguồn nhân lực cũng cần được gia cố thêm bởi đây phải được coi là một nội dung quan trọng. ĐBSCL không thể phát triển nếu không giữ và thu hút được nhân lực chất lượng cao. (iii) Ngoài ra, tiếp cận của bản quy hoạch vẫn có hướng “đóng” nhiều, chú trọng nhiều đầu tư công, do đó chưa tạo được nhiều dư địa cho quy hoạch cấp tỉnh, và qua đó sẽ hạn chế phần nào sự năng động của địa phương và khu vực tư nhân...

Ông có thể nói rõ hơn về những điểm mờ vừa nêu?

Thứ nhất, quy hoạch này chưa chú trọng phát triển “hướng biển”, chưa bám sát chiến lược biển và nguyện vọng phát triển hướng biển, phát triển kinh tế biển của các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau. Các ưu tiên đầu tư hiện nay dừng lại ở “nội địa”, nếu quy hoạch sắp tới " hướng tâm" thì chưa mở ra được không gian biển.

Tiếp cận này về ngắn và trung hạn sẽ giúp các tỉnh giải quyết được các khó khăn trước mắt để tăng trưởng; tuy nhiên, về dài hạn sẽ thiếu sự bứt phá. ĐBSCL phải được coi là khu vực động lực tăng trưởng và được định vị quy hoạch trong tương quan với khu vực Đông Nam Á, Châu Á và quốc tế. Nếu "hướng tâm" và hệ thống cao tốc được hình thành đúng dự kiến " hướng tâm" thì rất “chật” so với tiềm năng của vùng.

Nếu tiếp cận hướng biển, ĐBSCL sẽ có rất nhiều không gian để phát triển. ĐBSCL có vài trăm km bờ biển và một khu vực rộng lớn biển và thềm lục địa để phát triển. Ngoài ra, cần phải " hướng biển " để có hệ thống hạ tầng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực quốc phòng... do đó chúng ta cần chủ động hướng ra biển chứ không lùi sâu vào nội địa. Nhiều nội dung cần được quy hoạch mạnh dạn hơn về hạ tầng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, về du lịch biển, về năng lượng tái tạo, về vận tải biển, về hạ tầng đô thị ven biển.

Riêng đối với bán đảo Cà Mau, gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang. Đây là các địa phương có nguồn tài nguyên rừng vô cùng phong phú, vị trí địa lý chiến lược thuận lợi trong giao thương quốc tế, có môi trường sinh thái tốt, có quỹ đất lớn, và rất tiềm năng để phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Nếu quy hoạch hướng tâm, đây sẽ trở thành các tỉnh “vùng xa”. Nhưng nếu quy hoạch hướng biển, bán đảo Cà Mau có tiềm năng trở thành một “đặc khu” phát triển kinh tế, một cực tăng trưởng của đất nước trong tương lai.

Nhiều ý kiến tranh cãi về cảng nước sâu, quan điểm của ông ủng hộ phương án nào?

Tôi cho rằng cần có nhìn động và mở hơn trong quy hoạch. Tại sao ĐBSCL chỉ có một cảng nước sâu? Nếu tiếp cận hướng biển, thì ĐBSCL cần nhiều cảng, gồm cả cảng nội địa, cảng nước sâu và cảng quốc tế. Tư vấn nên phân tích và so sánh tất cả các phương án khả thi và đưa các khu vực đủ điều kiện làm cảng vào quy hoạch. Còn thực hiện phát triển cảng nào nên để cho thị trường, nhà đầu tư quyết định.

Với khu vực bán đảo Cà Mau, tôi nhìn nhận vị trí chiến lược của Cảng Trần Đề và Cảng Hòn Khoai rất khác nhau. Cảng Trần Đề ở mặt Biển Đông và giải quyết tốt nhu cầu của nhiều tỉnh, trong đó có cả Cần Thơ. Cảng Hòn Khoai có vị trí chiến lược ở cực Nam, vừa tiếp giáp Biển Đông, vừa nằm ở cửa Vịnh Thái Lan, thuộc Biển Tây. Đây là Cảng quốc tế quan trọng trong tương lai, đối diện với Cảng Sihanoukville (được Campuchia và Trung Quốc đầu tư rất lớn). Quy hoạch mở là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận, chứ không chỉ để đầu tư công. Hiện nay Hòn Khoai đang được nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm. Nếu được đầu tư, Cảng Hòn Khoai trở thành trung tâm phát triển các dịch vụ không chỉ vận tải, mà còn cả du lịch, năng lượng…

Tầm nhìn phát triển tỉnh Cà Mau trong thời gian tới?

Như tôi đã nói ở trên, với tiếp cận quy hoạch như dự thảo, Cà Mau nói riêng và Bán đảo Cà Mau nói chung trở thành vùng sâu, vùng xa trong chuỗi giá trị. Trong khi đó, Cà Mau có lợi thế tiềm năng rất lớn về phát triển điện gió gắn với nuôi biển, góp phần chắn sóng, bảo vệ rừng, bảo vệ bờ biển gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; phát triển cảng biển gắn với logistic và dịch vụ giải trí…

{keywords}
Ảnh: Báo Cà Mau

Ngoài ra, Cà Mau còn là thủ phủ nuôi tôm của cả nước, đặc biệt là nuôi tôm sinh thái, tôm- rừng, tôm- lúa và còn dư địa phát triển rất lớn; do đó việc đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các vùng nuôi tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử sẽ tạo ra đột phá mới. Cà Mau sẽ tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng gồm giao thông (cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đường ven biển, nâng cấp sân bay Cà Mau), đường thủy nội địa, đường biển (Cảng Hòn Khoai), năng lượng tái tạo (điện gió ven biển và điện LNG…), đầu tư các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đầu tư hạ tầng nghề cá, các đô thị sinh thái nghỉ dưỡng ven biển (Năm Căn, Ngọc Hiển, Sông Đốc). Đây sẽ là những động lực góp phần đưa Cà Mau đột phá, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Nhiều ý kiến cho rằng Cà Mau là tỉnh chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, thậm chí có thể vẽ lại bản đồ Cà Mau, giải pháp nào cần được ưu tiên?

Cà Mau chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu. Thứ nhất, nước biển dâng cùng với lượng phù sa giảm làm xói lở rừng phòng hộ và sạt lở đất ven biển. Thứ hai là thời tiết thay đổi khó lường: mùa khô thì hạn hán kéo dài dẫn đến thiếu nước ngọt và sụt lún; mùa mưa cùng với triều cường gây ngập lụt. Do vậy, nguy cơ rủi ro rất cao đối với sản xuất nông nghiệp. Hạ tầng nhanh chóng xuống cấp do hạn hán làm sụp lún, triều cường gây sạt lở, mùa mưa thường bị ngập úng... Đời sống của người dân do đó bị đảo lộn nếu không có biện pháp thích ứng.

Để thích ứng với BĐKH, phát triển kinh tế biển sẽ giúp Cà Mau giải quyết được vấn đề này. Phát triển điện gió trong phạm vi khoảng 10km ven bờ sẽ góp phần chắn sóng, giảm gió, bảo vệ đê điều, tạo lắng phù sa tái tạo rừng và phát triển nuôi thuỷ sản. Đầu tư nâng cấp đô thị, sắp xếp lại dân cư sinh sông ven sông, ven biển theo hướng phát triển các đô thị sinh thái ven biển giúp đảm bảo hạ tầng và chống ngập lụt. Quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng lúa, trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản và đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Khoa học công nghệ và chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Tôi tin rằng, nếu được hướng biển, Cà Mau sẽ có nhiều thuận lợi ở vị trí "mũi tàu Việt Nam ra khơi".

Cuối cùng, nhiều ý kiến cho rằng nguồn lực để thực hiện quy hoạch còn hạn chế. Ông đánh giá sao về nhận xét này?

Một bản quy hoạch tốt tự tạo ra nguồn lực triển khai. Nếu trông vào đầu tư công thì đúng là nguồn lực chúng ta sẽ hạn chế. Quy hoạch tốt tạo nền để thu hút nguồn lực và tạo dư địa để tăng trưởng. Ví dụ, nếu đưa vào quy hoạch các đô thị biển, chúng ta sẽ có nguồn lực lớn từ đất và tài nguyên để phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các đường ven biển chính là để tạo hành lang thu hút đầu tư; thu hút điện gió là giải pháp tạo nguồn lực chống sạt lở đê điều và phát triển vùng sinh thái gắn với bảo tồn và nuôi biển…

 Nguyễn Hiền (thực hiện)

Ông Lê Quân được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Ông Lê Quân được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

HĐND tỉnh Cà Mau bầu ông Lê Quân giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021.  



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét