Với 13 lần bắn hạ máy bay các loại, Nguyễn Văn Thoa là một trong những "xạ thủ" sử dụng tên lửa vác vai A72 nổi tiếng nhất của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam.
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Thoa |
37 giây ngắm bắn rơi máy bay địch
Từ khi còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Thoa (SN 1952) đã ước mơ được đi bộ đội, vác súng bắn rơi những chiếc máy bay Mỹ suốt ngày quần lượn, ném bom bắn phá nhà cửa, trường học, giết hại người dân quê mình (xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Đến tháng 8/1971, khi vừa tốt nghiệp Trường cấp 3 Lê Xoay, Nguyễn Văn Thoa đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Cho dù chưa đủ cân nặng theo quy định, nhưng với khát khao và khí thế hừng hực của tuổi trẻ, Nguyễn Văn Thoa được đồng ý cho nhập ngũ.
Ngày đầu nhập ngũ, Thoa được vào đại đội 3, tiểu đoàn 17 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau đợt huấn luyện tân binh, Nguyễn Văn Thoa được cấp trên cử tham gia một khóa huấn luyện ngắn chuyên sử dụng tên lửa vác vai A72.
Tích cực học hỏi, nghiên cứu, Nguyễn Văn Thoa nhanh chóng nắm chắc nguyên lý, cơ chế hoạt động của tên lửa vác vai A72. Chỉ qua vài tháng huấn luyện, đồng đội và thủ trưởng đánh giá Nguyễn Văn Thoa rất giỏi về ước lượng cự ly, ngắm bắn đón, chọn vị trí, lấy tham số nhanh và phóng đạn kịp thời.
Tên lửa vác vai A72. Ảnh tư liệu |
Ngày 5/4/1972, một dàn máy bay Mỹ ầm ầm kéo vào khu vực Minh Thạnh, Tây Ninh. Chỉ với 37 giây ngắm bắn, Thoa phóng quả đạn đầu tiên bắn rơi một máy bay địch trong sự vui mừng khôn xiết của cả đơn vị.
Tháng 5/1972, Nguyễn Văn Thoa tiếp tục bắn cháy và rơi tại chỗ 3 máy bay (gồm 2 chiếc HU-1A và 1 máy bay trinh sát L19) của địch.
Với sự sáng tạo trong cách đánh và khả năng tính toán tài tình về kỹ thuật sử dụng tên lửa A72, Nguyễn Văn Thoa được điều động tăng cường phối thuộc cho các đơn vị trong nhiều trận chiến đấu quan trọng. Ở đơn vị nào anh cũng lập được thành tích bắn rơi máy bay địch và được cấp trên tuyên dương, khen thưởng.
Ngày 15/1/1975, trong trận chiến đấu ở thị xã Mộc Hóa, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, Nguyễn Văn Thoa bị thương do mảnh đạn nhỏ bắn trúng vào đầu. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, anh lại xin đi theo đơn vị để chiến đấu.
Những ngày đầu tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Thoa được điều động tăng cường cho đoàn Pháo binh Biên Hòa tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Anh được giao cùng các đồng đội án ngữ, kìm chế máy bay lên xuống phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất.
Đúng ngày 30/4, sau khi quan sát thấy máy bay địch vào tầm ngắm, nhận lệnh từ cấp trên, Nguyễn Văn Thoa đã phóng đạn bắn rơi chiếc máy bay C130 của địch, cách giờ toàn thắng 2h30 phút. Đây cũng là chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam.
Kết thúc sự nghiệp "xạ thủ", Nguyễn Văn Thoa đã bắn rơi tổng cộng 13 máy bay các loại. Anh đã được tặng thưởng 13 huy chương dũng sĩ diệt Mỹ, 3 huân chương chiến công và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Người anh hùng giữa đời thường |
Niềm vui đời thường
Tháng 10/1976, Nguyễn Văn Thoa có quyết định nghỉ phục viên. Anh đăng ký thi và đỗ vào chuyên ngành thú y, trường Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên, rồi công tác trong ngành chăn nuôi đến năm 1991 thì nghỉ chế độ.
Nhận thấy vùng đất bãi quê mình có nhiều thuận lợi khi phát triển chăn nuôi, trồng trọt, ông nhận thầu một khu đất bãi để làm trang trại. Vừa làm kinh tế trang trại, ông Thoa vừa tích cực tham gia các hoạt động của hội cựu chiến binh xã.
Những năm gần đây, do tuổi cao và sức khỏe thuyên giảm, anh hùng Nguyễn Văn Thoa xin nghỉ làm ở hội cựu chiến binh. Niềm vui bình dị mỗi ngày của ông là chăm sóc cây cảnh, đọc báo và vui vầy cùng con cháu tại ngôi nhà nhỏ nằm ven sông Hồng đỏ quạch phù sa.
Đào Duy Tuấn
Trận không chiến kỳ lạ bậc nhất trên bầu trời Việt Nam
Đối tượng tấn công của biên đội tiêm kích F-4J (Mỹ) chỉ là 1 chiếc MiG-21U hai chỗ ngồi dùng để huấn luyện, không đeo vũ khí.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét