Hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt của TP Vĩnh Yên được tỉnh Vĩnh Phúc cho đổ tạm trên núi Bông thuộc phường Khai Quang.
XEM CLIP:
Nhiều năm nay, khi tỉnh Vĩnh Phúc chưa xây dựng được nhà máy xử lý rác tập trung, các huyện phải tự xử lý, thu gom rác và tập kết tại các bãi rác dân sinh rồi tiêu hủy bằng cách đốt, chôn lấp.
Tại TP Vĩnh Yên, suốt hai thập kỷ qua rác thải sinh hoạt của các hộ dân được TP thuê một đơn vị vận chuyển, đưa lên tập kết tại các khu vực núi Mạ và núi Bông thuộc phường Khai Quang. Phương pháp xử lý rác được sử dụng là chôn lấp.
Rác của toàn TP Vĩnh Yên được tập kết, chôn lấp tại núi Bông. Ảnh: Đoàn Bổng |
Chánh văn phòng UBND TP Vĩnh Yên Nguyễn Đăng Tạo xác nhận, mỗi ngày bãi rác tại núi Bông tiếp nhận 100 tấn rác sinh hoạt. TP thuê một đơn vị độc lập thu gom, vận chuyển.
Sự cố năm 2008
Liên quan đến việc tập kết rác thải, Phó chủ tịch UBND phường Khai Quang Nguyễn Văn Hiếu cho biết, việc đổ rác tại 2 núi này bắt đầu từ năm 1999.
Vì rác tập kết chỉ được dùng phương pháp chôn lấp nên trong quá khứ từng xảy ra nhiều sự cố khi gặp mưa lớn, làm đảo lộn cuộc sống người dân.
Vũng nước thải đen kịt, bốc mùi trên núi Bông |
Vĩnh Phúc xử lý rác bằng hình thức chôn lấp |
“Tháng 10/2008, tại Vĩnh Phúc có mưa lớn, toàn bộ nước thải từ đỉnh núi Bông tràn xuống chân núi khiến nhiều hộ dân lao đao, có hộ nuôi cá bị chết hàng loạt. Sau đó, tỉnh quyết định chuyển rác tập kết và chôn lấp tại núi Mạ”, ông Hiếu kể.
Theo Phó chủ tịch UBND phường Khai Quang, tại núi Mạ sau nhiều năm vẫn dùng phương pháp chôn lấp rác thải, số rác chất quá cao, gió thổi mùi hôi thối vào khu dân cư nên nhiều người dân phản ứng, yêu cầu dừng tập kết.
“Suốt nhiều năm, rác chuyển qua chuyển lại giữa núi Bông và núi Mạ”, ông Hiếu cho hay.
Hố chôn rác không lót bạt dưới đáy |
Mỗi ngày khu vực núi Bông tiếp nhận 100 tấn rác |
Cuối tháng 5, PV VietNamNet có mặt và ghi lại hình ảnh bãi rác thải được tập kết trên bãi đất rộng hàng nghìn m2 trên núi Bông.
Tại đây, hàng nghìn khối rác thải được đổ rồi chôn lấp, sau những trận mưa, trên ngọn núi cao nhất nhì TP Vĩnh Yên, những vũng nước đen kịt hình thành, rác nổi lềnh bềnh, mùi hôi thối xộc vào mũi.
Những khối rác thải sinh hoạt được đổ vào các hố lớn, hình ảnh ghi lại từ bãi rác cho thấy, việc đổ rác không được lót các tấm bạt để tránh việc các chất thải ngấm vào lòng đất.
Ông Nguyễn Văn N. (phường Khai Quang) giật mình khi chứng kiến cảnh tượng những vũng nước thải đen kịt trên núi Bông.
"Người dân chúng tôi suốt nhiều năm chỉ mong muốn tỉnh có khu xử lý rác thải, tình trạng rác cứ ùn ùn kéo về đây tập kết mỗi ngày chỉ là phương án tình thế, để lâu thì dù bãi rác rộng đến mấy cũng sẽ quá tải", ông N. nói.
Đủ các loại rác đều được dồn về núi Bông |
Theo ông N. cách đây nửa tháng, có khoảng 5-6 người dân chặn xe rác lên núi Bông vì việc vận chuyển gây ô nhiễm.
"Các xe rác quá cũ chạy qua khiến rác bị rò rỉ, bốc mùi hôi thối, việc này kéo dài buộc người dân phải lên tiếng. Chính quyền mới đây cũng đã có phương pháp xử lý tình trạng trên", ông nói.
Tỉnh cho phép "đổ tạm"
Chủ tịch UBND phường Khai Quang Hà Thanh Hùng xác nhận, cả TP hiện nay chỉ có duy nhất 1 bãi rác tại núi Bông.
"Về cơ bản, bãi rác đổ và chôn lấp đảm bảo quy định của Bộ TN&MT khi cách khu dân cư tối thiểu 500m. Khi chôn lấp, ở dưới đáy đơn vị xử lý lót các lớp nilon rồi mới đổ rác lên. Sau khi đổ rác, công nhân môi trường phun khử khuẩn ngăn ruồi muỗi xuất hiện", ông Hùng nói.
Việc đổ rác ở đây là phương án tạm thời |
Chủ tịch UBND phường Khai Quang xác nhận, núi Bông là bãi rác tạm trong khi chờ tỉnh xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung.
"Tỉnh xử lý rác theo phương án, huyện, TP nào đổ rác tại địa phương ấy, không ai cho đi đổ nhờ. Bãi rác này hoạt động theo chủ trương của UBND tỉnh", ông Hùng thông tin thêm.
Liên quan đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung, một lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, đây là vấn đề tỉnh đang tập trung tháo gỡ. Tỉnh đang kiểm tra việc quy hoạch nhà máy rác tập trung tại huyện Vĩnh Tường.
Đoàn Bổng - Nhị Tiến
Hàng triệu màn hình tivi chất đống dọc đường ở Vĩnh Phúc
Khoảng 6 năm nay, người dân thôn Yên Thịnh (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) quen với hình ảnh hàng triệu màn hình tivi chất đống dọc con đường chạy qua cánh đồng.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét