Nguyên Trưởng phòng Quản lý Công viên cây xanh thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết cây phượng vỹ có hoa đẹp nhưng đặc tính dễ ngã đổ, đặc biệt lưu ý trồng.
Liên quan đến vụ cây xanh bật gốc ngã đổ, đè thương vong học sinh ở trường THCS Bạch Đằng (quận 3), ông Lê Công Phương- Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho biết, cây phượng ngã nằm trong khuôn viên trường không thuộc quyền quản lý, duy tu của công ty.
Đa số cây xanh trong trường học do quận hoặc một đơn vị khác quản lý.
Ông Phương cho biết thêm, thời gian qua trên địa bàn TP thường xảy ra nhiều vụ cây xanh bật gốc, gãy cành... Nguyên nhân chủ yếu do dông lốc và thân cây đã mục ruỗng bên trong.
Theo ông Phương, qua cơn mưa một số loại cây sẽ ngấm nước, tán cây rộng tạo thêm sức nặng khiến cây dễ bị trốc gốc vào hôm sau. Những cây già cỗi nếu được cắt tỉa cành sẽ phòng và hạn chế được tai nạn.
Phần thân bên trong cây phượng vỹ bị mục |
Bê tông hóa xâm lấn dễ làm chết cây
Ông Vũ Văn Điệp- Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng), nguyên Trưởng phòng Quản lý Công viên cây xanh thuộc Sở GTVT cho biết, trước mùa mưa, đơn vị đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP rà soát kiểm tra cây xanh trên địa bàn.
“Chúng tôi chỉ đạo cắt bỏ cành, tán cây rộng để phòng mưa gió là gãy. Đối với những cây có dấu hiệu mục ruỗng bên trong, không đảm bảo an toàn thì cho cắt bỏ ngay”- ông Điệp nói.
Theo ông Điệp, hiện nay một số loại cây có rễ yếu, rễ chùm được khuyến cáo hạn chế trồng. Trong đó có các loại cây như bàng, dầu, phượng vỹ.
"Đối với cây phượng vỹ, đây là loại cây có hoa đẹp, gắn với học trò nhưng đặc tính dễ ngã đổ, đặc biệt lưu ý trồng” - ông Điệp nói.
Cây phượng ngã đè thương vong 1 học sinh, nhiều em khác bị thương |
Ông Điệp nói thêm, do đặc tính của cây như vậy nên đơn vị luôn rà soát, kiểm tra kỹ loại cây này trồng trên đường phố và nếu thấy nguy hiểm thì đốn hạ.
Đối với sự cố xảy ra trong trường học, ông Điệp cũng nhìn nhận cây xanh này không nằm trong phạm vi đơn vị quản lý.
Ông khuyến cáo các trường hiện nay trồng cây phượng vĩ này khá nhiều vì gắn với học trò, nhưng phải có biện pháp theo dõi, cắt tỉa thường xuyên.
“Với các cây to lâu năm cần quan sát, kiểm tra theo dõi phần thân. Nếu nhà trường muốn hỗ trợ về chuyên ngành, kỹ thuật thì chúng tôi hỗ trợ ngay” - ông Điệp cho hay.
Ông Điệp cũng lưu ý đến vấn đề bê tông hóa, xâm lấn gốc cây.
“Bê tông hóa công trình xâm lấn đến bộ rễ của cây, dễ dẫn đến ngã đổ, chết cây. Xâm hóa công trình quanh gốc cây hoặc phủ gốc cây đều không được" - ông Điệp nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân bật khóc khi viếng bé trai bị cây phượng đè tử vong
Chiều 26/5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đến viếng, chia buồn cùng gia đình em Nguyễn Trung Kiên (12 tuổi), học sinh tử nạn trong vụ cây phượng đổ tại sân trường THCS Bạch Đằng sáng cùng ngày.
Tuấn Kiệt
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét