Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Bộ trưởng Tài chính: Chuyển đổi vị trí cả vạn cán bộ thuế, hải quan

Trả lời báo chí bên hành lang QH chiều nay, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mỗi năm có trên dưới 10.000 lượt cán bộ thuế, hải quan chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tiêu cực.

Qua vụ nghi vấn Tenma hối lộ 5,4 tỷ đồng, thay vì xử lý sự vụ, ngành tài chính có đưa ra các biện pháp kiểm soát nội bộ trong ngành thuế, hải quan để ngăn ngừa tận gốc tiêu cực, thưa Bộ trưởng?

Cái này không phải sự vụ thì mới giải quyết. Trước hết là giải pháp phòng ngừa trong nhiều năm qua Bộ đã triển khai đồng bộ, từ xây dựng pháp luật, các văn bản hướng dẫn luật. Trong xây dựng pháp luật, các luật pháp của tài chính thì việc rất quan trọng là phải đổi mới về phương thức quản lý, trước là tiền kiểm, bây giờ là hậu kiểm.

{keywords}
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Thứ 2, gắn với nó là cải cách thủ tục hành chính cũng rất quan trọng. Thứ 3, chúng tôi làm thường xuyên lâu nay vấn đề hiện đại hóa toàn ngành, tiền kiểm sang hậu kiểm.

Bây giờ thuế má, kê khai kể cả chi tiêu ngân sách, thu nợ thuế, kể cả thông quan đều là điện tử. Phải nhìn thẳng vào một sự thực như thế.

Cùng với đó trong quản trị, quản lý nội bộ là tăng cường các kỷ luật, kỷ cương trong ngành được triển khai rất đồng bộ. Để được như thế này phải nói là trong nhiều năm qua bộ đã làm chứ không phải bây giờ mới làm.

Ví dụ vấn đề luân phiên, luân chuyển vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng thì chúng tôi làm từ năm 2014. Và bình thường một năm trên dưới 10.000 lượt cán bộ phải chuyển đổi vị trí công tác. Quy định rõ ràng, vị trí nào 2 năm, 3 năm, 4 năm là phải chuyển đổi. Việc này làm rất thường xuyên.

Nhưng rõ ràng ngành thuế, hải quan vẫn hay bị DN phàn nàn này kia nhiều hơn các lĩnh vực khác?

Các giải pháp phòng ngừa là tiền đề rất quan trọng. Còn đương nhiên trong quá trình triển khai công tác khi sự cố xảy ra và quá trình thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện, xử lý cũng nhiều. Đặc biệt là dư luận xã hội phản ánh ra thì mình cũng đã phải tập trung vào làm dứt điểm, xử lý nghiêm.

Đấy là những vấn đề quan trọng, chứ không thể tránh khỏi. Tôi cho rằng, mình có làm thế nào chăng nữa,  nhưng để tuyệt đối thì cũng khó. Vì vậy trong thời gian tới phải còn tiếp tục làm nữa.

Vừa rồi, Bộ cũng tiếp tục đào tạo cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy... để tạo ra hệ thống tương đối hoàn chỉnh. Từ đó, cán bộ, công chức làm theo nhiệm vụ công tác, yêu cầu công tác của mình.

Ví dụ như bây giờ, kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta nếu so với những năm trước gấp 5-7 lần, hàng hóa cũng thế, khối lượng cũng thế; hay thu nộp thuế, đối tượng quản lý thuế gấp 5-7 lần nhưng nhưng tại sao cán bộ vẫn giảm được. Làm được vậy là vì chúng ta đổi mới phương thức quản lý, mà đó cũng là thông lệ quốc tế, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; kiểm tra sau thông qua, thanh tra, kiểm tra sau.

Ngay như thanh tra thuế, kiểm tra thuế, thường xuyên và tại trụ sở cơ quan thuế hàng năm xử lý 5-7 chục ngàn tỉ, tăng thu ngân sách bình quân mấy năm gần đây tôi theo dõi là 15-18 ngàn tỉ/năm.

Bộ trưởng Tài chính như tôi cũng có trách nhiệm

Bộ trưởng đánh giá thế nào về báo cáo của Tổng kiểm toán nhà nước nói thuế, hải quan thiếu chặt chẽ, thanh kiểm tra ngành thuế, hải quan chưa hiệu quả?

Hiện tượng đó vẫn còn. Chi tiêu thì đúng là theo quy định của luật Ngân sách thì chúng ta có các cấp ngân sách TƯ, địa phương, trong địa phương có tỉnh, huyện, xã. Trong các cấp ngân sách này thì đều có HĐND, đều có thẩm quyền về ngân sách hết.

Nên khi có xảy ra sự cố ở đâu thì trước hết chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm về quyết định chi tiêu. Còn đương nhiên, Bộ trưởng Tài chính như tôi, cũng có trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra, giám sát, cùng các ngành chức năng khác chứ không riêng Bộ trưởng Tài chính.

Địa phương cũng có bộ máy đó, rồi Kiểm toán. Cho nên chuyện này phải rõ ràng trách nhiệm, rõ ràng phân cấp, thẩm quyền, quyền và trách nhiệm.

Báo cáo kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2018, Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra, và chậm được khắc phục.

Kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước xác định số phải nộp tăng thêm 8.151 tỉ đồng. Tỷ lệ để lại đối với một số phí, lệ phí không phù hợp so với nhu cầu sử dụng, dẫn đến cuối năm 2018, kinh phí tồn không có nhiệm vụ chi còn lớn làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Ngoài ra, Tổng kiểm toán cũng nhận định, việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế, hải quan còn thiếu chặt chẽ, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế không đảm bảo điều kiện quy định; kết quả thanh tra, kiểm tra thuế còn một số hạn chế; việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và khai thác khoáng sản còn chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định.

Thu Hằng

Thủ tướng chỉ đạo làm rõ nghi án Tenma Việt Nam hối lộ 5,4 tỷ đồng

Thủ tướng chỉ đạo làm rõ nghi án Tenma Việt Nam hối lộ 5,4 tỷ đồng

Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, làm rõ thông tin công ty Tenma Việt Nam tại Bắc Ninh (thuộc tập đoàn Tenma Nhật Bản) đưa hối lộ cán bộ, công chức Việt Nam hơn 5,4 tỷ đồng.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét