Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Nỗi lo của người Thanh Hóa sau khi nhường đất làm cao tốc Bắc - Nam

Người dân đồng tình nhường đất cho dự án cao tốc Bắc - Nam, nhưng lo lắng khi tiền bồi thường không đủ để mua đất ở khu ở tái định cư.

Anh Nguyễn Xuân Thanh (43 tuổi ở thôn Đông Sơn, xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá) lo lắng, nhà anh làm trên đất nông nghiệp, không có giấy tờ. Khi dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua, toàn bộ gần 2.000m2 đất và nhà đang ở đều thuộc diện thu hồi.

Theo chính sách bồi thường của Nhà nước, toàn bộ nhà ở, cây cối, công trình phụ… gia đình anh Xuân được bồi thường khoảng 600 triệu đồng.
 
“Chúng tôi mong Nhà nước xem xét thấu đáo, tạo điều kiện cho chúng tôi đến nơi ở mới, bởi đất này được gia đình định cư, sinh sống từ năm 1976 đến nay, chứ không phải là đất mới”, anh Thanh nói.
 
Đứng bên căn nhà ngói mái bằng được xây kiên cố hơn 10 năm nay, ông Hồ Xuân Mùi (71 tuổi, ở thôn Bắc Sơn, xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia) cho biết, khi dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, toàn bộ ngôi nhà và 1,4ha đất gia đình ông đang sinh sống, canh tác thuộc diện thu hồi.

{keywords}
Ông Mùi lo lắng về chính sách bồi thường

Khu đất này được gia đình ông sử dụng từ năm 1977, theo chương trình làm kinh tế mới và chưa có giấy tờ đất.
 
Ông Mùi chia sẻ, gia đình ông đồng ý chuyển đi nơi khác để Nhà nước lấy đất làm dự án. Tuy nhiên chính sách giải phóng mặt bằng khiến ông không khỏi lo lắng. Đó là việc xác định nguồn gốc đất và việc bố trí tái định cư cho gia đình ông.

"Với mức giá bồi thường đất nông nghiệp khoảng 10 triệu đồng/sào (1 sào bằng 500m2), trong khi nếu chuyển về nơi ở mới, khu tái định cư thôn Trung Sơn 20 triệu chưa mua nổi 10m2.
 
Hơn nữa, gia đình tôi có 14 nhân khẩu chưa tách hộ. Nếu ra khu ở mới được tách thành 4 hộ với 4 suất đất tái định cư, mỗi suất nhỏ nhất 80m2 thì chúng tôi lấy đâu ra tiền để mua”, ông Mùi băn khoăn.
 
Phó chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia Phạm Văn Nhiệm thừa nhận, việc tái định cư đang phát sinh khó khăn vì chênh lệnh về mức giá lớn ở nơi đi và nơi đến.

Tại các xã Phú Sơn, Phú Lâm giá trị đền bù chỉ 600.000 đến 1 triệu đồng/m2 đất ở, trong khi suất đầu tư tại khu định cư mới lên tới 2,7 triệu đồng/m2.

Người dân muốn mua được đất ở khu tái định cư, phải bỏ thêm hơn 1 triệu đồng cho mỗi m2 nên họ gặp khó khăn không nhỏ.

{keywords}
Khu tái định cư ở huyện Tĩnh Gia 

Ông Nhiệm thông tin thêm, với dự án cao tốc Bắc - Nam, vốn đầu tư khu tái định cư do Bộ GTVT tạm ứng, sau đó địa phương bán lại cho người dân để trả lại ngân sách.

Nếu bán đất tái định cư bằng suất đầu tư, người dân sẽ khó mua, nhưng nếu bán thấp hơn, chính quyền chưa tìm được nguồn nào để bù phần hụt thu, trả lại ngân sách.

Ông Nhiệm mong các ngành hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân đến nơi ở mới an tâm sinh sống.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, những bất cập đều có chính sách, kể cả đất không có nguồn gốc, nhưng nếu sử dụng đất lâu dài thì đều có chính sách xử lý đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Bộ GTVT vẫn đang phối hợp với địa phương và các ngành để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
 
Lo khó kịp tiến độ giải phóng mặt bằng

Theo chỉ đạo của Chính phủ đến hết tháng 6 này các địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua phải hoàn thành xong bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên do nhiều vướng mắc, phát sinh nên việc triển khai đang gặp khó khăn.

Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hoá Nguyễn Đức Trung cho biết, riêng tỉnh có 104km cao tốc Bắc - Nam đi qua được chia làm 3 dự án (Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghị Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu) với hơn 9.200 hộ dân bị ảnh hưởng.

Đến nay, ngoài việc đất nông nghiệp đã hoàn thành được gần 80%, thì phần đất ở với gần 2.300 hộ bị ảnh hưởng tỉnh đang nỗ lực để hoàn thành cơ bản trong tháng 6.

{keywords}
Thanh Hoá có 3 đoạn tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua 

Theo ông Trung, hầu hết các huyện GPMB bị chậm tiến độ, mới quyết định thu hồi được 42% diện tích đất ở. Khó nhất là phần mặt bằng qua huyện Tĩnh Gia và Hà Trung.

Phó chủ tịch huyện Tĩnh Gia Phạm Văn Nhiệm cho biết, phần GPMB còn lại chủ yếu là đất ở và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường điện, viễn thông, nước).

Ngoài việc khó khăn xác định nguồn gốc đất, với đặc thù Tĩnh Gia là vùng kinh tế mới, Nghi Sơn có nhiều dự án nên khi dự án cao tốc đi qua cũng ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật phải di chuyển.

Việc xác định dự toán đền bù cho DN, nhất là giải pháp xây dựng hạ tầng kỹ thuật mới dù được các DN đồng tình ủng hộ nhưng thời gian thiết kế, thẩm định dài cũng ảnh hưởng đến tiến độ GPMB.

Đến nay tỉnh đã giải ngân được hơn 1.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 2.500 tỷ đồng được bố trí GPMB. Trong đó dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 là 1.375 tỷ đồng, quốc lộ 45 - Nghi Sơn hơn 900 tỷ đồng, Nghi Sơn - Diễn Châu là 244,5 tỷ đồng.
 
Ông Trung cho biết, hiện UBND tỉnh đang đề nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư và nhu cầu vốn năm 2020 với tổng kinh phí hơn 3.884 tỷ đồng. 

Bộ GTVT cho biết, đến tháng 5, các địa phương đã bàn giao hơn 477 km/654 km (đạt 73% kế hoạch) mặt bằng sạch.

Phần còn lại được dự kiến hoàn thành trong quý 2/2020. Tuy nhiên, phần di dời công trình kỹ thuật (điện, viễn thông, nước) sẽ hoàn thành trong quý 3.

Đã xây dựng 35/114 khu tái định cư, số còn lại đang thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công, hoàn thành trong quý 3.

Kiến nghị chuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

Kiến nghị chuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

Thừa ủy quyền của Chính phủ, ngày 14/5 Bộ GTVT trình QH việc điều chỉnh chủ trương đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.

Vũ Điệp



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét