Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, việc thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao cần được nghiên cứu thấu đáo và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Sau khi được trình tại kỳ họp QH thứ 8, chiều nay QH tiếp tục thảo luận về dự án luật Thanh niên (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới.
Phát biểu từ điểm cầu Cần Thơ, ĐB Trần Thị Vĩnh Nghi cho rằng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về chức năng quản lý nhà nước về thanh niên như quy định tại điều 37, 38 của dự án luật.
Bà Nghi bày tỏ ý kiến cá nhân về việc thành lập Bộ Thanh niên như ý kiến của một số ĐBQH và cử tri đã đề cập trong thời gian qua. Điều này là rất cần thiết và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo trong thời gian sớm nhất để đảm bảo tính kế thừa và công tác quản lý về thanh niên được hiệu quả hơn.
Theo ĐB, cần hướng đến chính danh công tác thanh niên có thể gắn với một bộ nào đó trong thời gian gần nhất.
ĐB Trần Thị Vĩnh Nghi phát biểu từ điểm cầu Cần Thơ |
Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết UB Thường vụ QH nhận thấy ý kiến về việc thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao trong thời gian tới cần được nghiên cứu thấu đáo.
Thực tiễn thi hành luật những năm qua cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên là do luật Thanh niên năm 2005 không quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, ngành.
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, UB Thường vụ QH xin cho phép quy định trong dự thảo luật Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên.
Tại phiên thảo luận, các ĐB còn đề cập độ tuổi của thanh niên. Trong dự án luật Thanh niên (sửa đổi) quy định, độ tuổi của thanh niên là từ 16 - 30 tuổi. Tuy nhiên, ĐB Trương Phi Hùng (Long An) đề nghị nghiên cứu, xem xét quy định thanh niên là công dân Việt Nam nên có độ tuổi từ 16 - 35.
Bởi trong thực tiễn, thanh niên từ 30 - 35 tuổi mới là độ tuổi chín chắn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng đất nước và mới có điều kiện trở thành lực lượng nòng cốt giúp lực lượng trẻ khởi nghiệp.
Việc mở rộng độ tuổi thanh niên giúp cho một bộ phận được hưởng quyền lợi từ các chính sách của Nhà nước.
Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình |
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, UB Thường vụ QH cho biết quy định về độ tuổi thanh niên thường tập trung trong khoảng 15 - 30 tuổi. Philippines quy định từ 15 - 30, Serbia từ 15 - 30, Thái Lan từ 18 - 25, Indonesia từ 16 - 30, Lào từ 15 - 30...
Chương trình Sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên của khối EU và Quỹ Dân số Liên hợp quốc lấy độ tuổi thanh niên, vị thành niên là 15 - 24.
Tổng kết 10 năm thi hành luật Thanh niên 2005 cho thấy, độ tuổi từ đủ 16 - 30 phù hợp với giai đoạn phát triển tâm, sinh lý của thanh niên, với vai trò của tầng lớp thanh niên trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây cũng là độ tuổi phù hợp trong mối tương quan với độ tuổi của trẻ em theo luật Trẻ em. Mặt khác, qua rà soát cho thấy quy định của dự thảo luật không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đề nghị luật hóa việc không xăm trổ trong độ tuổi nghĩa vụ ĐB Nguyễn Minh Đức (TP HCM) nêu thực tế, người thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng như tuyển dụng vào lực lượng quân đội, công an với tiêu chí không được xăm trổ. ĐB cho rằng, quyền tự do của thanh niên luôn được tôn trọng. Có một bộ phận thanh niên thích tự do, xăm trổ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vấn đề đặt ra là khi họ sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc, khi Tổ quốc cần nhưng vì có quy định như vậy nên không tham gia được. Hoặc cũng có những đối tượng cố tình xăm trổ để trốn nghĩa vụ quân sự. Do đó, cần có quy định chặt chẽ hơn trong luật Thanh niên về vấn đề này để thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ thanh niên đang trong tuổi nghĩa vụ quân sự. Cụ thể, khi đang trong tuổi nghĩa vụ quân sự thì thanh niên không được quyền xăm trổ. Như vậy sẽ đảm bảo công bằng: Có thanh niên vì trót xăm trổ nên không thực hiện được nghĩa vụ quân sự; có thanh niên vì cố tình xăm trổ để không thực hiện nghĩa vụ quân sự. |
Trần Thường - Thu Hằng
Chuẩn bị tốt nhân sự quân đội tham gia Trung ương khóa mới
Sáng nay, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương tổ chức hội nghị cho ý kiến về dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 11.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét