Sở GTVT TP.HCM vừa ‘bêu tên’ 6 dự án giao thông trọng điểm triển khai chậm, đồng thời thúc chủ đầu tư, đơn vị thi công sớm tăng tốc.
Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám
Đường Cộng Hòa thường xuyên quá tải, đây là cửa ngõ huyết mạch kết nối khu vực phía Tây Bắc với trung tâm TP và sân bay Tân Sơn Nhất |
Sở GTVT TP đánh giá đây là dự án trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Dự án này từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa và cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (quận Tân Bình).
Trong đó, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa theo đúng lộ giới quy hoạch được duyệt là 783,15m, mặt cắt ngang 22m.
Cải tạo đường Cộng Hòa dài 133,99m, mặt đường rộng từ 14-19m. Sở đánh giá hiện tiến độ triển khai dự án rất chậm.
Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh
Đây là một trong các trục đường cửa ngõ ra vào của TP, lưu lượng giao thông rất lớn, thường xuyên xảy ra ngập nước vào mùa mưa nên được TP quan tâm chỉ đạo.
Sở đề nghị các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt đối với hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo việc tiêu thoát nước trong mùa mưa sắp tới.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh sau trận mưa hồi tháng 9/2019, nước ngập sâu, tràn vào cốp xe khiến đồ đạc của người dân bị ướt sạch. Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Trong đó, đoạn tuyến Nguyễn Hữu Cảnh (từ Tôn Đức Thắng đến hầm chui trên đường Nguyễn Hữu Cảnh) hoàn thành trước 2/9; hệ thống thoát nước trên tuyến đường Điện Biên Phủ, đường Phú Mỹ hẻm 23 hoàn thành trong tháng 10.
Lô cốt án ngữ, nơi đang thi công dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh |
Tập trung hoàn thành thi công gói thầu xây lắp 4- cầu vượt ống cấp nước D2000 (tại giao lộ đường Nguyễn Văn Thương- Điện Biên Phủ) thuộc dự án Xây dựng bãi trung chuyển xe buýt tại khu B, số 152 Điện Biên Phủ làm cơ sở xây dựng phương án tổ chức thi công, phân luồng giao thông giữa hai dự án cho phù hợp, đảm bảo tránh gây ùn tắc cho khu vực.
Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 KĐTM Thủ Thiêm
Theo quy hoạch của TP, 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) hiện đang triển khai xây dựng 6 tuyến đường trong đó có 5 tuyến gồm đường D1, D10, N10, N11, N12 mỗi tuyến dài 1.360,8m, có lộ giới 26,6m cho 4 xe lưu thông với tốc độ 50km/h.
Riêng tuyến đường R12 dài 315m, có lộ giới 36,2m cho 6 làn xe lưu thông với tốc độ 60km/h.
Toàn cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao |
Sở GTVT cho biết mục tiêu đầu tư là nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị; tạo điều kiện đầu tư phát triển nhanh khu đô thị mới Thủ Thiêm và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội TP.
Hiện nay, cầu Thủ Thiêm 2 đang trong giai đoạn tăng tốc để về đích cuối năm nay. Do đó, Sở đề nghị Ban giao thông chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên đường R12 nhằm đảm bảo hoàn thành, kết nối đồng bộ với cầu Thủ Thiêm 2.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 đang tăng tốc để về đích cuối năm 2020 |
Xây dựng cầu tạm (kết cấu thép) An Phú Đông
Dự án này kết nối giữa quận 12 và Gò Vấp, là công trình dân sinh rất được cử tri TP quan tâm theo dõi thường xuyên.
Sở đánh giá dự án chậm 2 tháng so với kế hoạch, nên đề nghị Ban giao thông khẩn trương chấn chỉnh lại công tác tổ chức điều hành, rà soát lại năng lực đơn vị thi công đảm bảo phù hợp với hồ sơ mời thầu và các quy định hiện hành. Từ đó chỉ đạo đơn vị thi công có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành thông xe trước ngày 23/9.
Nút giao thông vòng xoay An Sương |
Dự án xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương
Đây được xem là nút giao thông huyết mạch ở cửa ngõ Tây Bắc của TP, là điểm kết nối giữa quốc lộ 22, quốc lộ 1 (còn gọi là đường xuyên Á hoặc đường vành đai 2) và đường Trường Chinh.
Nút giao này thường xuyên xảy ra tình trạng hỗn loạn giao thông gây ùn ứ. Không chỉ vậy, đây còn được biết đến là một trong những vòng xoay nguy hiểm bậc nhất TP với hàng loạt vụ tai nạn, va chạm giao thông khiến người dân lo sợ khi di chuyển qua đây.
Để giải quyết điểm đen này, đầu năm 2017, TP khởi công dự án xây dựng 2 hầm chui.
Quy mô dự án với 2 nhánh hầm: N1 (hướng trung tâm TP đi Tây Ninh) và N2 chiều ngược lại. Mỗi hầm có 2 làn xe gồm 1 làn ô tô và 1 làn xe hỗn hợp. Tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng 314 tỷ đồng, đền bù giải tỏa 130 tỷ.
Dự án hầm chui đến nay chỉ mới đưa vào sử dụng 1 nhánh hầm, nhánh còn lại bị chậm tiến độ và chưa thể đưa vào khai thác như dự kiến ban đầu |
Ngày 14/3/2018, nhánh hầm N1 chính thức thông xe. Theo lộ trình, nhánh còn lại sẽ hoàn thành xong sau 10 tháng. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm, nhánh hầm còn lại vẫn chưa thể hoàn thành.
Sở GTVT đề nghị Ban giao thông tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát chất lượng và tiến độ thi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành thông xe nhánh hầm N2 trước ngày 15/7 và thi công hoàn thành công trình trước ngày 2/9.
Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh
Đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9) nằm trong tổng thể kết nối giao thông khu vực cảng Cát Lái (Q.2). Hiện trạng mặt đường nhỏ hẹp, lượng xe tải nặng lưu thông cao nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Do vậy, tuyến đường này được xem là một trong nhưng cung đường ‘tử thần’ của TP.
Đoạn đường dài 1,6 km từ Vành đai 2 đến đường vào KCN Phú Hữu, dự kiến được mở rộng từ 7m cho 2 làn xe hiện nay lên 30m cho 4 làn ô tô và 2 làn xe gắn máy.
Tổng mức đầu tư dự án là 832,2 tỷ đồng, thực hiện bằng vốn ngân sách TP.
Do tiến độ thực hiện chậm nên Sở GTVT đề nghị Ban giao thông đẩy nhanh các thủ tục để ký kết hợp đồng với Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng quận 9. Rà soát chi phí bồi thường của dự án để thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư công theo quy định.
Hình ảnh nhà ga ngầm Ba Son tuyến metro đầu tiên ở Sài Gòn
Ga ngầm Ba Son tuyến metro đầu tiên của Sài Gòn được thiết kế ngầm dài 240m, rộng 34,5m với 2 tầng đang được gấp rút thi công hoàn thiện.
Tuấn Kiệt
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét