Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Khoảng 100 ủy viên Trung ương còn tuổi vào khóa mới

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, với hơn 100 ủy viên TƯ còn tuổi và gần 200 nhân sự mới được quy hoạch sẽ có hơn 300 nhân sự để bầu 170 - 180 ủy viên BCH TƯ khóa 13. 

Nhân dịp 90 năm ngày thành lập Đảng, VietNamNet trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận TƯ về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội khóa 13.

Theo ông, Đảng ta và Bác Hồ rất coi trọng công tác cán bộ. Bác đã nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực về công tác cán bộ cả về tư tưởng và thực hiện, từ đào tạo, bồi dưỡng đến sử dụng cán bộ.

Ngay từ khi chưa thành lập Đảng, những năm từ 1925-1927 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Bác đã mở những lớp huấn luyện đào tạo cán bộ. Rồi khi về nước Bác đã đào tạo cán bộ và bằng mọi cách, sử dụng cán bộ.

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận TƯ

Nhưng trong quá trình đổi mới hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường tác động, len lỏi vào mọi ngóc ngách xã hội, không chỉ kinh tế mà còn vào lĩnh vực nhạy cảm hơn, ví dụ trong công tác cán bộ.

"Ma lực của đồng tiền có sức cám dỗ ghê gớm. Đội ngũ cán bộ bị tác động, công tác cán bộ cũng có biểu hiện lộ mặt trái của cơ chế thị trường. Từ Đại hội 11 đã nêu tình trạng chạy chức, chạy quyền, có nơi bán thì có nơi mua, để thấy rằng nó đã ảnh hưởng đến công tác cán bộ", ông Thông nhấn mạnh.

Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TƯ cho biết, các đại hội gần đây đã chỉ ra khuyết điểm, mới nhất là nghị quyết TƯ 7 khóa 12 về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, chỉ rõ những ưu điểm của công tác cán bộ.

Đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ, trong đó nhấn mạnh tình trạng bổ nhiệm người nhà, họ hàng, cánh hẩu ở một số nơi gây bức xúc xã hội. 

Nhiệm kỳ này mới được 4 năm sau ĐH mà chúng ta đã kỷ luật rất nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 90 cán bộ cao cấp thuộc diện TƯ quản lý, đủ để thấy rằng công tác cán bộ của chúng ta có vấn đề. Chẳng hạn như vụ án Phan Văn Anh Vũ liên quan đến 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng, một DN mà thao túng biết bao cán bộ. 

Nguồn nhân sự để bầu vào Trung ương khóa mới phong phú lắm

Để hạn chế những khuyết điểm trong công tác cán bộ như ông nói, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 sắp tới cần được chuẩn bị ra sao?

Chúng ta đã lựa chọn ra 184 đồng chí để quy hoạch vào BCH TƯ khóa tới; đã tổ chức 4 lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch BCH TƯ, đấy là bước chuẩn bị cho nhân sự Đại hội 13.

Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35, trong đó đề cập rất rõ đến công tác cán bộ, lựa chọn đội ngũ cán bộ tiêu chuẩn cả về đạo đức, năng lực trình độ. Gần đây nhất, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Những văn bản đã có sẽ góp phần lựa chọn ra đội ngũ cán bộ cả 4 cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nếu thực hiện đúng, thực hiện nghiêm túc và chúng ta hi vọng là thực hiện nghiêm túc.

Hiện nay TƯ đang chỉ đạo các cấp chuẩn bị cả văn kiện lẫn nhân sự, cố gắng theo tinh thần Chỉ thị 35 và văn bản hướng dẫn mới đây nhất của TƯ. Còn ở cấp chiến lược, vừa rồi TƯ mới cho ý kiến quy hoạch BCH TƯ. Trong năm nay sẽ còn phải quy hoạch nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới. Đương nhiên, còn xem xét bổ sung quy hoạch BCH TƯ, xem xuất hiện nhân tố mới có thể bổ sung vào đội ngũ này.

Với việc kỷ luật một loạt cán bộ lãnh đạo cấp cao như vừa rồi, liệu có ảnh hưởng đến nguồn nhân sự chuẩn bị cho khóa tới và Đảng có tính đến phương án dự phòng để tránh tình trạng “khủng hoảng” nhân sự?

Điều đó không lo. Trong quy định của mình, 1 chức danh bao giờ cũng quy hoạch 3 người và 1 người quy hoạch cho 3 vị trí. Ở các cấp cũng thế.

Như tôi nói, đến giờ phút này, BCH TƯ cả dự khuyết là gần 200 người. Hôm nay chưa bàn về độ tuổi cụ thể của BCH TƯ nhưng chắc cũng như các khóa trước, số quá tuổi phải nghỉ hưu, Bộ Chính trị quá tuổi phải nghỉ hưu, nhưng số còn lại cũng không phải ít.

TƯ số còn lại trên 50%, Bộ Chính trị gần 50%, Ban Bí thư 100% còn tuổi. Để thấy rằng ở cấp cao nhất, theo độ tuổi, số còn tuổi cũng còn tỷ lệ rất cao.

Theo như nhân sự quy hoạch mới đã duyệt được 184 người và còn mở rộng tiếp là phải trên 200. Chưa kể số TƯ khóa cũ còn lại khoảng 100 thì còn trên 300 cơ mà.

Tôi dự kiến khóa 13 theo Chỉ thị 35 đều giảm 5% ủy viên TƯ so với khóa 12 thì hơn 300 người có thể bầu chỉ 170 - 180 người, như thế là phong phú lắm.

Mà như Bộ Chính trị đã thông báo, năm nay chuẩn bị quy hoạch vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì cũng sẽ quy hoạch không chỉ 15 - 20 mà quy hoạch 30 người. Tức là có số dư, mà cũng đã xuất hiện người đủ đức tài. Vấn đề ở chỗ cơ chế tuyển chọn, làm sao chọn được người tài chứ người Việt Nam không thiếu gì người tài.

Không giới thiệu người "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên"

Như ông nói, vấn đề là cơ chế tuyển chọn, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện 2 cơ chế: Công khai quy hoạch cán bộ đưa vào BCH TƯ khóa tới và cơ chế tranh cử trong Đảng?

Phải phân biệt thế nào là công khai. Một số người vừa rồi mong muốn trước hết công khai 184 người này cho toàn dân biết. Cái đó chưa có quy định. Nhưng cũng không phải là chúng ta giấu biệt. Danh sách 184 người đều có thông báo cho địa phương nơi có nhân sự đó, có thông báo đàng hoàng. Nhưng không nên thông báo rộng rãi.

Kể cả danh sách học viên đi học quy hoạch cán bộ nguồn, tên tuổi là mọi người biết hết. 

Theo tôi hiểu thì dân chủ chúng ta cũng hiểu là công khai đến thế thôi chứ không phải là cái gì công khai cũng bày ra trước bàn dân thiên hạ chưa chắc đã tốt. Trên thế giới cũng không có nước nào công khai bày ra trước bàn dân thiên hạ cả. Họ công khai trong tổ chức đảng.

Còn có tranh cử không, thì trong Đảng ta cũng có những lần chúng ta có tranh cử chứ, kể cả chức cao nhất, có số dư. Trong chỉ thị đại hội Đảng, các đại hội gần đây chúng ta cũng có bước tiến rất mới là bầu cử bao giờ cũng có số dư, có quy định về số dư ít nhất bao nhiêu % cơ mà.

Như vậy là có số dư, như vậy là có tranh cử. Chúng ta cũng đã có quy định khi tranh cử thì phải trình bày chương trình hành động.

Các tỉnh, cục, vụ, viện, giám đốc sở ta đã có quy định phải thi cơ mà. Điển hình Ban Tổ chức TƯ, Bộ Nội vụ, tỉnh Quảng Ninh. Thi là tranh cử chứ gì nữa. Tinh thần tới đây là tiếp tục làm, mở rộng thi tuyển đầu vào. Có số dư tôi cho rằng tất là tốt, kể cả đại hội Đảng, có số dư, kể cả bầu bí thư có số dư càng tốt.

Trong các văn bản chuẩn bị nhân sự đại hội khóa 13 cũng như trong các phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh đến việc phải chọn được những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu. Nhưng thực tế cho thấy người hay va chạm lại khó được lòng và thường ít phiếu?

Xã hội bây giờ khác rồi, trình độ dân trí cao, trình độ cán bộ cao nên người ta giới thiệu ai thì cũng không phải chỉ "ngậm miệng ăn tiền" đâu.

Bây giờ người ta không giới thiệu những người "đi nhẹ, nói khẽ cười duyên" đâu. Không còn thời của những người như thế mà cần những người hành động, những người dám làm, dám chịu chứ không phải bầu những người hiền lành, dễ bảo, dễ sai khiến để lên lãnh đạo.

Thu Hằng

Tiêu chuẩn để trở thành Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH

Tiêu chuẩn để trở thành Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét