ĐB Nguyễn Quốc Hận đặt câu hỏi liệu có tham nhũng, chia chác lợi ích từ kết quả giải quyết xét xử hay không, nếu không tại sao cùng 1 vụ việc mà mỗi nơi giải quyết khác nhau.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay, nói về chất lượng các bản án, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nhận định, mặc dù có cố gắng và đạt nhiều kết quả nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận các vụ khiếu nại tố cáo vẫn còn nhiều phức tạp.
ĐB Nguyễn Quốc Hận: Thử hỏi nếu chúng ta là người trong cuộc thì suy nghĩ gì? Ảnh: Minh Đạt |
ĐB Hận đề nghị cần xem xét thấu đáo trách nhiệm từ 2 phía, vì không phải tự nhiên mà nhiều hộ trong điều kiện khó khăn phải dành dụm tiền của, thời gian, sức lực để lặn lội đến Hà Nội từ những địa phương xa xôi.
“Thử hỏi nếu chúng ta là người trong cuộc thì suy nghĩ gì? Các cơ sở địa phương yếu kém thì xử lý thế nào? Hay còn vì lý do nào khác, có tham nhũng, chia chác lợi ích từ kết quả giải quyết xét xử hay không?
Nếu không tại sao cùng 1 hệ thống pháp luật, cùng 1 vụ việc mà mỗi nơi giải quyết 1 kiểu khác nhau”, ông Hận đặt câu hỏi.
ĐB Cà Mau kiến nghị Chính phủ cần đánh giá đúng tình hình khiếu nại, tố cáo để từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nhắc đến băn khoăn của cử tri rằng chống tham nhũng đang được tiến hành mạnh mẽ, khẩn trương, đạt được nhiều kết quả nhưng trong chống lãng phí còn nhiều bức xúc.
Ông chỉ ra tình trạng nhiều dự án đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng không đạt hiệu quả mong đợi, hoặc dở dang kéo dài, xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng đội vốn vẫn diễn ra.
Theo ĐB Tám, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất trăn trở nêu vấn đề với lãnh đạo 27 tỉnh có nhiều điểm nóng, khiếu nại về đất đai.
ĐB Tô Văn Tám: Chống lãng phí còn nhiều bức xúc. Ảnh: Minh Đạt |
“Người dân sống bằng gì khi giải phóng mặt bằng, chúng ta nói phát triển kinh tế là cần thiết nhưng cần nghĩ đến quyền lợi cân xứng của người dân, không giải quyết thỏa đáng vấn đề này khó phát triển bền vững”, ông bày tỏ.
ĐB nói cử tri mong muốn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tổng rà soát các dự án kém hiệu quả, không hiệu quả trong cả nước để xử lý, trong đó có quy trách nhiệm cá nhân.
Ông cũng cho hay, Bộ Chính trị vừa ban hành quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền, trong đó quy định rõ trách nhiệm cá nhân, nhân dân đánh giá cao quy định này.
“Thiết nghĩ Chính phủ cần có quy định như 205 trong đầu tư công, trong quản lý sử dụng công thổ quốc gia”, ông Tám nói.
Giải ngân vốn chậm do chưa thoả thuận được tỷ lệ ăn chia?
ĐB Nguyễn Quốc Hận nêu thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, một số công trình chậm tiến độ, đây là nội dung “biết rồi, nói mãi”.
Theo ông, dù biết đây là một trong những vấn đề khó khăn phức tạp nhưng thấy lạ là đã có chỉ đạo kiên quyết, nhưng càng khắc phục thì kết quả càng tồi tệ hơn.
Ông dẫn chứng chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm, năm nào hạn chế này cũng được nhắc trong báo cáo.
Tuy nhiên việc khắc phục chậm có chăng là ở lý do do thắt chặt thủ tục đầu tư, do công khai minh bạch, do kết quả chống tham nhũng thời gian gần đây đạt kết quả tốt làm mất động lực ký của các chủ đầu tư hay chưa thoả thuận được tỷ lệ ăn chia, hay còn vì lý do gì khác.
ĐB Hận cho rằng Chính phủ cần làm rõ việc này, không để có dư luận không hay, không tốt trong đầu tư công.
Nêu vấn đề chậm trễ trong triển khai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, ĐB đặt câu hỏi: "Tại sao một số tuyến đường khác chưa cấp thiết, xây dựng xong nhưng lượng xe lưu thông không nhiều thì được thực hiện nhanh chóng, trong khi tuyến đường này lúc nào cũng khó khăn, vướng mắc?".
ĐB Nguyễn Thanh Hiền: Xảy ra sự cố về người, tài sản thì mới vội vàng xử lý. Ảnh: Minh Đạt |
ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) bày tỏ lo ngại về bất cập trong thực thi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan công quyền.
"Những công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, nhưng khi xảy ra sự cố về người, tài sản thì mới vội vàng xử lý. Đây là tình trạng 'mất bò mới lo làm chuồng', nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng cơ bản", ông Hiền nói.
ĐB Hiền nêu dẫn chứng vi phạm của công ty Alibaba kéo dài trong 3 năm ở nhiều tỉnh thành, lôi kéo và gây thiệt hại cho hàng nghìn người nhưng chỉ khi người dân phản ánh, sự việc vỡ lở thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, xử lý.
Hay là vụ cháy ở công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, sự cố nước sạch ở Tây Nam Hà Nội... cũng cho thấy những vấn đề trong quản lý nhà nước ở địa phương.
Hương Quỳnh - Trần Thường - Thu Hằng
Vụ 39 người chết ở Anh: Xác minh 2 trường hợp ở Huế, Quảng Bình
Trả lời báo chí bên hành lang QH sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, đã nắm được thông tin trình báo của 1 hộ dân.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét