Thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức QH sáng nay, Bộ trưởng TN-MT nhấn mạnh, đã đến lúc xem lại số lượng ĐB chuyên trách.
“Bây giờ nhiều việc hỏi Bộ trưởng là Bộ trưởng không nắm được đâu, trả lời không cẩn thận bị dân phê bình. Thực ra thẩm quyền đó được phân cho UBND, HĐND và Chủ tịch UBDN các địa phương”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.
Ông nêu thực tế cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm về công tác quản lý, cơ chế chính sách pháp luật còn khâu tổ chức thực hiện phân cấp cho địa phương rất lớn.
“Chúng ta biết các ĐB là bộ trưởng, chủ tịch tỉnh cũng tham gia ĐBQH thì khâu chỉ đạo điều hành rất khó khăn. Ở đây, QH có quyền yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch tỉnh trả lời chất vấn, giải trình nhưng phải chăng cứ bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải là ĐBQH?”, ông băn khoăn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Các nghị viện thế giới có thể chất vấn bộ trưởng bất cứ lúc nào chứ không đợi tới kỳ họp |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ: “Chúng tôi muốn chuyển phần này sang để QH tăng số ĐB chuyên trách của QH, đặc biệt là người có kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý và xây dựng pháp luật. Tôi nghĩ thế thì cần hơn”.
Theo ông, sửa luật phải nhìn nhận lại vấn đề này. Kinh nghiệm ở các nghị viện thế giới có thể chất vấn bộ trưởng bất cứ lúc nào chứ không phải đợi tới kỳ họp.
Ông đồng tình tăng số lượng ĐBQH chuyên trách không chỉ lên 35% mà 50-60%, để đội ngũ QH có vai trò khác đi.
“Tại sao QH chuyên trách không thấy vấn đề bức xúc của đất nước, những vấn đề có tính liên vùng, liên ngành để chúng ta cùng nhau có đủ năng lực xây dựng mà cứ để cơ quan hành pháp xây dựng, bảo vệ, và có nhiều ý kiến hiện nay là đòi họ có trách nhiệm đến cùng. Tôi nghĩ cần có những bộ luật do các cơ quan chuyên trách của QH xây dựng”, Bộ trưởng Hà nói.
Ông nêu thực tế, một năm QH họp 2 lần nhưng thực tiễn không chờ QH họp. Vì vậy có bộ luật vừa ban hành xong đã phải dừng, có luật 3 năm mới gỡ được. Như luật Quy hoạch mất gần 1 năm mới tháo gỡ, vô hình trung làm chính sách để phát triển nhưng thực tế lại kìm hãm.
“Luật không đứng ngoài cuộc sống và không thể kìm hãm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhiều đồng chí ước mơ chỉ được làm bí thư, chủ tịch huyện
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) băn khoăn: “Vì sao các ĐB chuyên trách ở địa phương, thậm chí là nhiều ĐBQH ở địa phương lại muốn chuyển sang vị trí khác? Rất nhiều ĐB tâm sự với tôi như thế này: Nhiều đồng chí ước mơ là chỉ được đi làm bí thư huyện ủy, chủ tịch huyện hoặc phó chủ tịch tỉnh thôi”.
Ông nhấn mạnh, phải khẳng định rằng QH của đất nước, của quốc gia Hiến pháp đã quy định. Cho nên ĐBQH là của quốc gia chứ không phải là của địa phương.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Phó đoàn ĐBQH chẳng là gì cả... Nói như thế có đau không? |
“Tôi hỏi các lãnh đạo địa phương là nghĩ như thế nào mà đặt biển tên Phó đoàn ĐBQH sau biển tên của Phó chủ tịch tỉnh. Đồng chí ấy bảo đây là thói quen”, ĐB tỉnh Bến Tre kể.
Theo ông Nhưỡng, chính các ĐBQH ở địa phương nhìn nhận “phó đoàn chẳng là gì cả", nói như thế có đau không?
ĐB cũng nêu câu chuyện di chuyển ĐBQH từ địa phương này sang địa phương khác quá dễ dãi, không hỏi ý kiến của cử tri, chỉ hỏi đại diện của Mặt trận là không đúng.
Ông cho rằng, ĐB phải hoạt động nhiều, tích cực, “trái tim khỏe thì QH mới thực sự khỏe”. Còn ĐB cứ ngồi im thin thít, không bàn gì, QH chỉ có bấm nút, chỉ có xuôi chiều thì có phải là QH mà nhân dân có kỳ vọng?
ĐB Nhưỡng mong phải thực sự có “QH chuyên trách” thì mới có sức mạnh.
“Các đồng chí bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh ủy, các lãnh đạo của nhiều thời kỳ còn đang rất nhiều sức khỏe, nếu được nhân dân tín nhiệm bầu QH thì QH có vĩ đại không”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
Chẳng lẽ Bí thư Đắk Kắk lại sang Gia Lai tiếp xúc cử tri
Ngược lại, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đề nghị sửa đổi quy định về việc ĐBQH chuyển công tác. Cụ thể, quy định này có lẽ phải thêm từ “đương nhiên” vào, nếu không thì thủ tục hành chính rất dài dòng.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường: Bí thư tỉnh này lại sang tỉnh kia tiếp xúc cử tri |
“Thời điểm chuyển công tác, tôi đã 2 lần gọi điện thoại cho anh Trần Văn Túy (Trưởng Ban Công tác đại biểu). Anh ấy bảo sẽ tiến hành, nhưng chẳng thấy gì cả. Đến ngày đi tiếp xúc cử tri lại không biết tiếp xúc ở đâu. Chẳng lẽ Bí thư Đắk Kắk lại sang Gia Lai tiếp xúc cử tri?”, ông Cường nêu thực tế của bản thân.
Ông kể tiếp, cuối cùng phải làm đơn gửi ra cho đoàn ĐBQH 2 tỉnh, 2 đoàn lại họp, rồi MTTQ 2 tỉnh cũng họp, xong Thường vụ QH lại họp.
“Thế là mất một kỳ tôi không được đi tiếp xúc cử tri. Thủ tục hành chính ở chỗ này phải cải tiến”, ông Bùi Văn Cường nói.
Vì vậy, ông đề nghị quy định, trong nhiệm kỳ nếu ĐBQH chuyển công tác theo quyết định của cấp có thẩm quyền đến tỉnh, thành phố khác thì “đương nhiên” chuyển sinh hoạt đến làm ĐB nơi mình công tác.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, cũng phải tùy theo cấp thẩm quyền để quyết định, ví dụ với đại biểu làm DN ở Hà Giang chẳng hạn, nếu chuyển công tác thì không thể áp dụng “đương nhiên” được.
Thu Hằng - Trần Thường - Hồng Nhì
Đã bị kỷ luật, đại biểu đừng lấy lý do sức khỏe để xin nghỉ
Đại biểu bị kỷ luật mà khi làm đơn xin nghỉ, lấy lý do sức khỏe là không trung thực với nhân dân.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét