Huyện Mường Nhé, Điện Biên có vị trí đặc biệt khi giáp ranh với 2 nước Lào và Trung Quốc. Nhiều năm qua, với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, Mường Nhé từng bước ổn định, phát triển.
8 năm đã trôi qua, Bí thư xã Nậm Kè Lò Văn Sung vẫn nhớ như in hình ảnh hàng nghìn người dân tộc H’Mông tụ tập ở bản Huổi Khon và hành trình hồi sinh bản làng miền biên viễn.
Ông Sung kể, năm 2011, ông mới nhận nhiệm vụ bí thư xã Nậm Kè. Hồi ấy, các đối tượng cầm đầu tổ chức tụ tập trùng vào sự kiện tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày lễ lớn. Vàng A Ía cầm đầu, kêu gọi người dân đến bản Huổi Khon để xưng, đón vua và lập “vương quốc H'Mông”.
“Các đối tượng cầm đầu nói với người H’Mông yên tâm lên đây, đúng giờ sẽ có thế lực siêu nhiên xuất hiện, dùng đám mây đưa tất cả đến nơi ấm no, hạnh phúc, không còn đói nghèo”, ông Sung kể.
Trước ngày 30/4/2011 khoảng 1 tuần, người H'Mông từ nhiều vùng kéo về Nậm Kè tụ tập trong các lán trại dựng ở khu vực ngọn đồi Huổi Khon.
Trục đường từ huyện Nậm Pồ lên Mường Nhé, lực lượng an ninh đã chốt chặn hàng trăm lượt người. Họ sẵn sàng bỏ lại cả xe máy rồi băng rừng tìm đến Huổi Khon với hy vọng sẽ gặp “vua Mông”.
“Cảnh tượng lúc ấy rất khó diễn tả, hàng nghìn người ken đặc cả ngọn đồi Huổi Khon, sinh hoạt trong những lán trại tạm bợ. Nhóm đối tượng cầm đầu dựng hàng rào, cử người canh gác, không cho người lạ tiếp cận”, Bí thư Nậm Kè kể.
Bí thư Nậm Kè Lò Văn Sung nhớ lại, tháng 5 năm ấy, ở Mường Nhé có nhiều trận mưa lớn khiến hàng nghìn người tụ tập, sinh hoạt khép kín ở bản rất khốn khổ.
“Chứng kiến cảnh người dân bị kẻ gian lừa lọc, tụ tập tôi thấy thương họ nhiều hơn giận. Vì muốn một cuộc sống sung túc hơn mà họ sẵn sàng bán hết tài sản để tìm đến đây. Chính điều đó thôi thúc chính quyền sớm thuyết phục họ về ổn định cuộc sống”, ông Sung tâm sự.
Nhận thấy tình hình diễn biến phức tạp, các lãnh đạo từ Trung ương, lãnh đạo tỉnh, huyện đã lên các phương án để giải tán đám đông.
“Ngày 4/5, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn đích thân vào bản Huổi Khon để thuyết phục bà con trở về ổn định cuộc sống, không tin vào các luận điệu sai trái của các đối tượng phản động”, ông Sung nói.
Theo Bí thư Nậm Kè, thời điểm Chủ tịch tỉnh Mùa A Sơn có mặt tại Huổi Khon, các đối tượng canh gác ở hàng rào ngoài chỉ cho 2 người được vào bên trong.
“Cuộc đối thoại kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, từ 9h sáng đến 12h trưa. Lần gặp này có vai trò rất quan trọng khi chính Chủ tịch tỉnh cũng là người dân tộc H’Mông. 1-2 ngày sau đám đông đồng ý giải tán”, Bí thư xã Nậm Kè cho biết.
Trưởng công an huyện Mường Nhé - Đại tá Nguyễn Ngọc Trường cho biết thêm, thời điểm xảy ra vụ tụ tập đông người ở Huổi Khon, các lực lượng được huy động tối đa để giải tán đám đông, bắt giữ những kẻ cầm đầu xúi giục.
Đến ngày 6/5, 7.000 người được giải tán khỏi ngọn đồi Huổi Khon, công an huyện phối hợp với cơ quan chức năng từ Trung ương, tỉnh bắt giữ 127 đối tượng cản trở người thi hành công vụ.
Mở rộng điều tra, Công an xử lý hình sự 8 đối tượng tội phá rối an ninh, bắt giữ và xử lý thêm 41 đối tượng cầm đầu, làm tan rã các nhóm hoạt động tuyên truyền lập “vương quốc Mông” trên huyện.
Đại tá Trường chia sẻ, cuộc chiến chống lại các thế lực chống phá được công an huyện Mường Nhé chủ động đấu tranh. Đầu tháng 3 năm nay, Ban Giám đốc công an tỉnh thành lập chuyên án 818 đã phá tan âm mưu thành lập “nhà nước Mông” của nhóm 22 đối tượng cầm đầu.
“Các đối tượng chuẩn bị vũ khí, tài liệu nghi là chữ Mông Cổ. Chúng tự ý thành lập nhà nước với bộ máy hành chính sơ khai, có cờ hiệu, áo, quần quân đội và công an H'Mông…”, lời Đại tá Trường.
Chuyên án 818 đã đánh tan âm mưu của thế lực phản động từ lúc còn manh nha, ngăn chặn và kiên quyết không để lặp lại sự kiện tụ tập đông người đã xảy ra trong quá khứ.
Tại bản Huổi Khon những ngày đầu tháng 10, rừng cây đã mọc lên từ ngọn đồi từng có 7 nghìn người tụ tập. Cánh đồng với la liệt lán trại năm nào giờ là thung lũng lúa chín vàng ươm, người dân hăng say thu hoạch.
Một tổ công tác của bộ đội biên phòng được thành lập để đảm bảo tình hình an ninh của bản và hỗ trợ, đồng hành cùng dân bản.
Bí thư Lò Văn Sung chia sẻ nhiều thay đổi khác trên quê hương Nậm Kè. Việc tụ tập năm 2011, người dân ở địa bàn tham gia rất ít (khoảng 5%), do đó sau khi được tuyên truyền, nhiều người đã yên ổn sản xuất, xóa đói giảm nghèo từ chương trình 30A của Chính phủ.
Người dân Nậm Kè bây giờ làm giàu từ chăn nuôi gia súc với mô hình vườn - ao - chuồng. Người dân các bản đã hợp tác với công ty cao su trồng trên diện tích gần 200ha, chuẩn bị cho thu hoạch.
Ngoài ra, việc thực hiện đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư được hoàn thành giai đoạn 1, giúp bà con ổn định sinh sống.
Theo Bí thư xã Nậm Kè, việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu mà xã chú trọng hàng đầu. Bởi, chỉ khi cuộc sống của người dân no ấm, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng tự khắc sẽ nâng lên.
“Tôi đã tìm hiểu kỹ về Mường Nhé trước khi lên nhận nhiệm vụ năm 2015 và đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để tạo nên luồng sinh khí, xây dựng Đảng vững mạnh để phục vụ nhân dân”, Bí thư huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Sáng mở đầu câu chuyện với VietNamNet.
Theo ông, Mường Nhé có nhiều bài toán lớn phải giải như xử lý hậu quả của di cư, di dân tự do, đảm bảo an ninh biên giới, nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông nhớ như in thử thách đầu tiên tại Mường Nhé khi hơn 200 hộ dân tập trung đông ở khu vực giáp ranh 2 xã Sen Thượng và Sín Thầu. Họ lập lán trại, tuyệt thực yêu cầu chính quyền giải quyết chính sách nhập khẩu.
“Khi ấy tôi mới nhậm chức khoảng 1 tháng. Nghe tin, tôi tức tốc lên đường vào bản và dặn dò cán bộ mua bánh mì, nước lọc mang theo. Khi đối thoại, có một câu hỏi của dân khiến tôi trăn trở - “tôi có phải người Việt Nam không”, ông Sáng nhớ lại.
Khi nghe hết những câu hỏi của người dân, Bí thư Sáng nhận thấy, chính quyền cũng có những thiếu sót, còn thất hứa với dân. Vì không giải quyết vấn đề hộ khẩu, người dân bị phân biệt đối xử, các chính sách, phúc lợi không đến với họ.
“Trước hàng trăm người dân đang đói lả, tôi hứa sẽ giải quyết và khắc phục vướng mắc này, họ tin lời tôi rồi nhận bánh, nước và trở về nhà”, ông Sáng kể.
Sau khi quay về, ông Sáng quyết liệt chỉ đạo, đẩy nhanh quá trình nhập hộ khẩu. Kết quả, trong chưa tròn 1 nhiệm kỳ, huyện đã giải quyết nhập hộ khẩu cho hơn 15.000 người với hơn 3.000 hộ.
Câu chuyện gỡ rối về hộ khẩu, theo ông Sáng dó là hệ lụy của việc di cư tự do giai đoạn 2006-2009. Mường Nhé từ xa xưa chỉ có 2 dân tộc chính sinh sống là Hà Nhì và Thái, còn người H’Mông chỉ chiếm 10%.
Sau những cuộc di cư ồ ạt đến đây sinh sống, tỉ lệ người H’Mông lên tới 70%. Nhận thấy những hệ lụy từ việc di cư tự do, chính phủ đã ban hành đề án 79 nhằm sắp xếp dân cư. Năm 2015, tại Mường Nhé có 31 điểm bản cần sắp xếp lại, đến nay về cơ bản đã sắp xếp xong với hơn 1.200 hộ được bố trí ổn định.
“Người H’Mông từ các nơi đến đây chỉ mang theo nồi niêu, dao để phát rừng, sống di canh, di cư. Do đó, áp lực về đói nghèo càng đè nặng lên toàn huyện nếu không giải quyết căn cơ vấn đề”, ông Sáng nói.
Theo Bí thư huyện Mường Nhé, nguồn cơn của những bất ổn đa phần bắt nguồn từ nghèo đói và nhận thức hạn chế của người dân. Giải quyết vấn đề này sẽ đạt được thành công cho nhiều mặt xã hội ở huyện vùng biên, dân sống ấm no trên chính mảnh đất của mình.
Theo ông Sáng, tập quán canh tác ở Mường Nhé chủ yếu trồng lúa trên nương, đặc biệt là người H’Mông thường di canh, di cư, phá rừng để canh tác.
“Năm 2018, nhiều người H’Mông tại xã Pá Mỳ biểu tình, họ muốn phá rừng làm nương nhưng chính quyền ngăn cấm. Có cán bộ của Sở Nông nghiệp đến cũng bị họ giữ lại, không cho về.
Tôi đến tận nơi đối thoại với họ rồi nhận ra, phía chính quyền cũng thiếu sót khi không thực hiện nghiêm chỉnh việc chi trả tiền dịch vụ hỗ trợ bảo vệ rừng, để họ hiểu và nhận thức được lợi ích từ việc bảo vệ rừng.
Phải lên phương án cứu đói cho dân, phải đặt địa vị của mình vào dân để thấu hiểu được nỗi khổ của họ”, ông Sáng chia sẻ.
Việc xóa đói được ông Nguyễn Quang Sáng bắt đầu từ việc phát triển đảng ở cơ sở, ông đặt mục tiêu phải xóa những bản trắng (bản không có đảng viên) theo nghị quyết của tỉnh.
“Các bản không có chi bộ sẽ tạo nên khoảng trống chính trị, không có người lãnh đạo để sâu sát tình hình và thông qua những chính sách của Nhà nước.
Đảng viên ở vùng biên có vai trò rất quan trọng, họ có nhiệm vụ đi sâu, sống cùng dân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng nhân dân. Đảng viên cơ sở sẽ trực tiếp hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh”, lời ông Sáng.
Từ tư tưởng đó, Huyện ủy Mường Nhé đã có những nghị quyết giao cho chính những tổ chức đảng, các đảng viên tiên phong trong việc triển khai các mô hình kinh tế làm gương để người dân soi vào và tạo động lực, không khí hăng say thi đua lao động.
Ông cho biết, huyện thu hút đầu tư dự án trồng hơn 10.000ha cây mắc ca và hơn 1.000ha cây cao su. Riêng với dự án trồng cây mắc ca, ông Sáng kỳ vọng, sẽ giải quyết việc nâng cao thu nhập cho dân và phủ xanh đất trống đồi trọc.
“Chúng tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh, với cây mắc ca sau khoảng 5 năm sẽ cho thu hoạch, vòng đời 80 năm.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, 1ha trồng được khoảng 280 cây mắc ca, mỗi ha năng suất thấp nhất khoảng 1 tấn quả, với giá bán trung bình 120.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng”, ông Sáng lạc quan.
Với những cố gắng toàn diện, trong thời gian ông làm bí thư, huyện Mường Nhé giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 97% xuống còn hơn 60%.
Theo ông Sáng, ở Mường Nhé còn nhiều vấn đề đặt ra trong thời gian tới. Đặc biệt là vấn đề di cư tự do, quản lý sinh hoạt tôn giáo và chống tà đạo mà các thế lực chống phá truyền bá vào.
Ông tâm sự, ngày xưa khi vào huyện, với nhiều khó khăn trước mắt, ông tự nhủ bản thân rằng, chuyến đi này phải “bình định” bằng được Mường Nhé.
“Cá nhân tôi thấy, công việc của nhiệm kỳ vừa qua là khổng lồ, xử lý tất cả vấn đề của Mường Nhé rất căng thẳng”, ông nói.
Ông lạc quan, trong tương lai, Mường Nhé hội tụ nhiều yếu tố, thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là khu vực A Pa Chải, xã Sín Thầu.
“Chúng tôi sẽ xây dựng khu kinh tế cửa khẩu A Pa Chải. Việc này sẽ tạo động lực cho không chỉ Mường Nhé mà cả tỉnh Điện Biên trong giao thương, phát triển dịch vụ với nước láng giềng”.
Ông Sáng đặt mục tiêu: “Ở Điện Biên, nhất là thành phố Điện Biên Phủ, nhì phải là Mường Nhé, dù bây giờ rất khó khăn nhưng tương lai chắc chắn sẽ làm được”.
Sín Thầu - xã vùng cao nằm ở phía cực Tây Bắc của huyện Mường Nhé, là nơi có ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc.
Là một phụ nữ dân tộc Hà Nhì, chị Pờ Mỳ Lế nhớ mãi giây phút hồi hộp nhận quyết định làm Bí thư xã.
“Trong 3 tháng đầu nhận quyết định, tôi lo lắng đến sút cân. Ở Sín Thầu, việc một phụ nữ lên lãnh đạo công tác Đảng là chưa có tiền lệ, điều này là một trong những lý do khiến tôi cảm thấy áp lực”, chị Lế tâm sự.
Theo chị Lế, xã Sín Thầu có hơn 90% là đồng bào người dân tộc Hà Nhì, trải qua nhiều thế hệ, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn thấp thoáng trong nhiều nếp nhà của người dân.
“Tôi công tác với niềm tin phải thành công để chứng minh rằng, người phụ nữ Hà Nhì có thể gánh vác được việc lớn”, chị Lế nói.
Hai mục tiêu mà nữ Bí thư đặt ra cho nhiệm kỳ của mình là thay đổi nhận thức của người dân về phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo và đưa chủ trương của Đảng vận dụng vào thực tiễn.
Trong chưa đầy 1 nhiệm kỳ, chị Pờ Mỳ Lế cùng tập thể cán bộ, đảng viên trong xã đã góp phần làm khởi sắc xã vùng biên viễn qua những con số biết nói.
Từ một xã có trên 70% là hộ nghèo, đến tháng 6/2019, con số này đã giảm còn xấp xỉ 30%. Sín Thầu đã hoàn thành 18/19 tiêu chí để hướng đến xã nông thôn mới.
Theo thống kê của xã Sín Thầu, hiện tại toàn xã gieo trồng được gần 150ha lúa, hơn 100ha cây ngô được gieo trồng (vượt kế hoạch gần 20 ha đề ra), có gần 6.000 gia súc, gia cầm tăng trưởng đều. Việc tuốt lúa được máy móc hỗ trợ ngay trên ruộng.
Câu chuyện về những lão nông nơi đây với mô hình làm trang trại chăn nuôi, số vốn rót vào hàng trăm triệu không còn xa lạ. Sự bạo dạn trong đầu tư ấy, bắt nguồn từ những đảng viên nêu gương trong phát triển kinh tế.
Anh Lý Ná Na (SN 1977, trú bản Tá Miếu) là một trong những bí thư chi bộ có tư duy làm kinh tế táo bạo của bản. Đầu năm nay, thay vì chăn nuôi trâu bò nhỏ lẻ, anh đầu tư hơn 300 triệu để làm mô hình trang trại bò với tổng đàn ban đầu gần 40 con.
“Là người đầu tiên trong bản đầu tư trang trại, trước khi mua bò, tôi đã được huyện tập huấn cách nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật để phòng tránh các bệnh cho trâu bò khi thời tiết lạnh giá hay mưa gió”, lời anh Na.
Bí thư bản Tá Miếu trải lòng: “Người dân vẫn giữ thói quen chăn nuôi trâu, bò thả rông. Là đảng viên, bí thư đảng ủy xã khích lệ tôi làm gương, nhiệm vụ của tôi là phải làm thành công mô hình này để phát triển kinh tế gia đình, từ đó dân bản nhìn thấy sẽ thay đổi tư duy làm kinh tế”.
Đầu tháng 10, một cuộc họp chi bộ định kỳ tại bản A Pa Chải được tổ chức ngay tại nhà của Bí thư chi bộ Pờ Sang Phù (SN 1958, nguyên bí thư đảng ủy xã). Các ý kiến được đưa ra bàn luận, các đảng viên tập trung tháo gỡ những vướng mắc mà địa phương đang đối mặt.
Phó bí thư Lã Quý Bằng (cán bộ biên phòng tăng cường) nêu 2 vấn đề lớn mới xảy ra. Đó là tháo gỡ khó khăn do dịch tả lợn châu Phi và vấn đề ngô cứ trồng lên là chết hàng loạt.
“Các đảng viên, đặc biệt là những người sống tại bản phải là người nắm thực tế, phân tích cho bà con hiểu nguyên nhân của dịch tả lợn là do việc mua thực phẩm từ bên ngoài vào gây lây lan, sau đó vận động bà con cùng tham gia đẩy lùi dịch. Kết quả bản A Pa Chải là bản đầu tiên dập dịch thành công ở Sín Thầu”, anh Bằng nêu.
Anh Bằng tiếp tục dẫn chứng việc hạn hán kéo dài hồi tháng 4 khiến cây ngô cứ trồng là chết. Trong khi ngô là nguồn chính để chăn nuôi, các đảng viên phải đồng hành, thuyết phục bà con không chán nản. Kết quả, vụ mùa tuy sản lượng không cao, nhưng đảm bảo lương thực.
Nhìn lại chặng đường 4 năm làm bí thư đảng ủy xã, với chị Pờ Mỳ Lế dù còn nhiều thử thách, nhưng có những mục tiêu đặt ra chị cảm thấy ấm lòng và vững tin cho hành trình phía trước.
“Tôi rất vui khi trong 4 năm qua, số đảng viên của xã tăng lên gấp đôi, từ 42 lên 82 người với 11 chi bộ trực thuộc.
Những đảng viên ở vùng biên có vai trò đặc biệt quan trọng. Họ là những người ưu tú, lời nói của họ trong bản có sức nặng rất lớn khi đưa đường lối của Đảng, Nhà nước đến thôn bản”, chị Lế tự hào.
Nữ Bí thư Sín Thầu kể lại buổi lễ kết nghĩa giữa Sín Thầu với thị trấn Khúc Thủy, huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
“Hôm ấy là 20/1/2015, buổi lễ kết nghĩa giữa 2 địa phương được tổ chức tại xã Sín Thầu. Giữa 2 địa phương có nhiều điểm chung khi có số đông người Hà Nhì sinh sống, nhiều nét văn hóa giao thoa.
Hai bên có những buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế. Điều quan trọng, việc chung sống hòa bình ở vùng biên luôn là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta hướng đến để tập trung phát triển kinh tế, xã hội”, nữ Bí thư cho biết.
Bí thư huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Sáng nhìn nhận: “Nữ Bí thư Pờ Mỳ Lế là người có trình độ, trong công tác đảng đã làm được những điều tích cực, ấn tượng, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện xã vùng biên có vị trí trọng yếu”.
Về những khởi sắc của vùng đất Mường Nhé sau những thăng trầm của lịch sử, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Lò Văn Muôn tâm đắc với vai trò của xây dựng Đảng.
Ông cho biết, trong nhiều năm qua, sự quan tâm của tỉnh ủy đối với các đảng bộ, tổ chức đảng ở vùng biên đều nằm trong mối quan tâm chung của tỉnh ủy. Những đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đều được triển khai đồng bộ đến với các vùng khó khăn, trong đó có Mường Nhé.
“Có nhiều nghị quyết triển khai chung, đồng bộ cho các địa phương, tuy nhiên khi áp dụng với các địa phương cụ thể lại phát huy những vai trò cụ thể.
Ví dụ điển hình như nghị quyết 04 năm 2016 về xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển đảng, cơ sở đảng ở những thôn bản chưa có đảng viên hoặc chưa có chi bộ, đây là một trong số những nghị quyết dùng chung cho đảng bộ nhưng mục tiêu hướng đến phần nhiều cho vùng biên”, lời ông Lò Văn Muôn.
Đối với Mường Nhé, ông Muôn nhìn nhận, đảng bộ các cấp đã thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình trong mọi công việc về chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.
Trong những việc nổi lên ở Mường Nhé về trật tự an toàn xã hội, di cư tự do, nội dung về quản lý rừng hay xóa đói, giảm nghèo đều có vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng.
Theo ông Muôn, trong lịch sử, Mường Nhé là vùng đất màu mỡ, dân cư thưa, thuận lợi cho việc làm nương rẫy nên thu hút di cư tự do, kèm theo việc di cư tự do cũng mang theo các nguy cơ, hạn chế ở từ nơi khác đến.
Bên cạnh đó, các thế lực hoặc các phần tử lợi dụng việc đó để tuyên truyền, lôi kéo và kích động tư tưởng ly khai dẫn tới sự kiện tháng 5/2011.
Với ông Lò Văn Muôn, sự kiện tháng 5/2011 là vụ việc tụ tập đông người - một hành động vi phạm pháp luật trong một đất nước có chủ quyền.
Ông chia sẻ: “Với lượng người kéo về Nậm Kè, Mường Nhé lên đến 6-7 nghìn người trong thời gian ngắn, sinh hoạt trong các lều trại và bị các đối tượng phản động lừa dối về việc một vị 'vua Mông' từ trên trời sẽ xuất hiện khiến tình hình chính trị bất ổn.
Thời điểm ấy, Phó bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn là người trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng của địa phương để thực hiện việc giải tán đám đông. Ông Sơn cũng là người đi đầu để gặp gỡ, thuyết phục, đấu tranh với đối tượng cầm đầu.
Tôi cho rằng hành động của ông Mùa A Sơn là hành động có trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương, thể hiện Mường Nhé thuộc chủ quyền của chúng ta, của tỉnh Điện Biên, của đất nước Việt Nam chứ đâu phải của một nhóm người nào”, ông Lò Văn Muôn nhận định.
Trước hệ lụy của việc dân di cư tự do từ nhiều nơi về Mường Nhé, dẫn đến việc khó khăn trong việc nhập khẩu, ông Muôn cho rằng mọi việc làm của người dân phải tuân thủ quy định pháp luật.
“Có không ít người hỏi chính quyền câu: tôi có phải người Việt Nam không? Theo tôi, những câu hỏi như vậy phản ánh góc độ nhận thức và hiểu biết còn hạn chế.
Pháp luật của nước ta được tự do cư trú trên đất nước Việt Nam nhưng ai muốn di chuyển đến, di cư đến cũng phải có đủ các điều kiện cụ thể.
Đằng này, một bộ phận người dân lẳng lặng theo đường rừng, trốn tránh mọi sự quản lý, mọi sự kiểm soát, tự vào khai phá, phát rừng làm nương nên hỏi làm sao là công dân Việt Nam được. Công dân Việt Nam muốn cư trú ở đâu thì đều phải theo quy định của pháp luật”, ông Muôn thẳng thắn.
Bên cạnh đó, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên cho biết, tỉnh cũng triển khai chính sách và đã xin ý kiến của Trung ương về việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu.
Có nhiều trường hợp, tỉnh đã giao cho cơ quan chức năng bỏ công sức, thời gian để xác minh, chứng minh là họ có đủ điều kiện để cấp chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lò Văn Muôn cho biết, tháng 8 vừa qua, làm việc với ban Giám đốc Công an huyện Mường Nhé tại Hà Nội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đặt kỳ vọng huyện phấn đấu trở thành điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội, tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bộ trưởng xác định, để yên tâm sản xuất, người dân phải ổn định chỗ ở, từ đó hơn 1.000 căn nhà với tiêu chí 3 cứng bằng nguồn vốn Bộ Công an huy động sẽ được triển khai tại huyện.
“Tỉnh ủy đã có kế hoạch thực hiện nghiêm túc việc thực hiện làm nhà này và đã có những kết quả bước đầu”, ông Muôn nói.
Trưởng công an huyện Mường Nhé, Đại tá Nguyễn Ngọc Trường cho biết, đến nay các lực lượng đang tích cực và đảm bảo tiến độ hoàn thiện nhà cho những gia đình được chọn hỗ trợ.
Huyện đã rà soát, lập danh sách số hộ có nhu cầu cần hỗ trợ đến từng bản, hộ gia đình. Lập biên bản làm việc, hướng dẫn cho các hộ gia đình viết đơn xin hỗ trợ làm nhà theo mẫu.
“An cư mới lạc nghiệp, khi có nhà khang trang để ở, tôi tin người dân sẽ yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế, bỏ tập quán di canh, di cư như mong muốn của Đại tướng Tô Lâm”, trưởng Công an huyện Mường Nhé chia sẻ.
Đoàn Bổng - Thiết kế: Phạm Luyện
Giọt nước mắt của vị tướng hải quân giữa Trường Sa
Trong hải trình thăm và làm việc tại Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2019, hình ảnh Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện 2 lần rơi nước mắt khiến nhiều người xúc động.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét