Từ đêm nay, mưa cường độ lớn có khả năng gây ngập úng cục bộ trên các khu vực đô thị như Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt, TP.HCM…
Theo Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, 10h sáng nay (26/10), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách Khánh Hòa khoảng 270km, cách Ninh Thuận khoảng 250km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
TP.HCM có nguy cơ ngập úng |
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Đến 22h tối nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận.
Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Từ hôm nay đến hết ngày 27/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.
Từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ lượng mưa từ 100-200mm, có nơi trên 200mm.
Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên 150-250mm, có nơi trên 300mm.
Từ chiều nay, trên khu vực ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.
Một số khu vực đã và đang còn ngập ở Quảng Nam (Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành) và Quảng Ngãi (Bình Sơn) từ ngày 26 sẽ mưa to trở lại nên nguy cơ ngập úng, lũ quét và sạt lở là rất cao.
Từ ngày 27-30/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông. Lượng mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 400mm.
Đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, khu vực Bắc Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; đỉnh sông Kôn (Bình Định), sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận), sông La Ngà (Bình Thuận), thượng lưu sông Đồng Nai, các sông ở Nam Tây Nguyên lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các tỉnh Nam Tây Nguyên, thượng lưu sông Đồng Nai, từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.
Mưa cường độ lớn tập trung vào đêm 26 sang sáng 27/10 có khả năng gây ngập úng cục bộ trên các khu vực đô thị như Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt,…
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Nguy cơ làm tràn các hồ chứa nhỏ đang thi công hoặc đã đầy nước khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên. Nguy cơ mất an toàn với một số mỏ khai thác khoảng sản như các mỏ khai thác titan ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, đặc biệt các mỏ khai thác Bauxit khu vực Đắk Nông và Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ sáng nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, từ đêm nay đến ngày mai, mưa đặc biệt lớn ở TP.HCM kèm triều cường. TP.HCM có nguy cơ ngập lụt rất lớn.
Theo ông Hiệp, thiên tai năm nay ở Việt Nam không khốc liệt như năm 2020 nhưng các địa phương không được chủ quan do đột biến từ 1, 2 cơn bão theo dự báo có thể gây mưa, gió lớn.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, khu vực Nam Tây Nguyên… quan tâm vấn đề sạt lở, nhất là khu vực đã có cảnh báo.
Trong 3 ngày tới, địa phương cần có người ứng trực, báo động, nhất là ban đêm khi bà con đang ngủ, mục tiêu bảo đảm an toàn con người là trên hết.
Về giao thông, ông Hiệp lưu ý các tỉnh thành đảm bảo lực lượng ứng trực để đảm bảo thông đường nhanh nhất có thể nhằm khắc phục hậu quả bão lũ và phát triển kinh tế - xã hội.
Hương Quỳnh
Người dân Quảng Nam thẫn thờ vì hàng tạ thóc ngâm trong nước lũ
16h chiều nay (25/10), thời tiết đã hửng nắng nhưng nhiều nơi ở Quảng Nam vẫn chìm trong biển nước. Một số hộ dân ở thôn Đàn Long (huyện Phú Ninh) thẫn thờ vì bao nhiêu lúa mới thu hoạch đã bị lũ nhấn chìm.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét