Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Hà Nội khó có thể thu phí ô tô vào nội đô trong tương lai gần

Chuyên gia giao thông cho rằng, trong bối cảnh vận tải công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu đi lại của người dân, Hà Nội chưa thể thu phí phương tiện vào nội đô. 

Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến trình UBND TP vào cuối tháng 10 tới.

Đề án đề xuất lập 87 trạm thu phí ở vành đai 3, hoạt động từ 5h đến 21h hàng ngày. Thời gian thực hiện dự kiến thu phí ôtô vào trung tâm thành phố từ năm 2025.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm các nước trên thế giới khi lưu lượng phương tiện cá nhân quá đông, hạ tầng giao thông không đáp ứng được thì đều đưa ra giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân thông qua thu phí phương tiện vào nội đô. Vấn đề đặt ra là thời điểm nào thực hiện cho phù hợp.

Theo ông Thanh, Hà Nội xây dựng phương án thu phí phương tiện vào nội đô là cần thiết, nhưng trước khi thực hiện phải đảm bảo các điều kiện cần và đủ để không gây nên những bất cập, khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Hiện tại giao thông công cộng ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 20%. Trong khi để hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô thì ít nhất giao thông công cộng phải đảm bảo đạt mức 40-50% nhu cầu đi lại của người dân. Do vậy, cùng với việc củng cố hệ thống mạng lưới xe buýt, Hà Nội cần sớm hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trước khi tính tới thực hiện thu phí phương tiện vào nội đô. 

{keywords}
Các chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội chưa thể thu phí phương tiện nội đô từ 2025

“Chỉ khi giao thông công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại thì mới có thể thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, bởi nếu không người dân sẽ không biết đi bằng phương tiện gì. Trong điều kiện đường sắt đô thị mới chỉ có 2 tuyến Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội đang thi công chưa thể đưa vào vận hành, khai thác thì việc thực hiện thu phí phương tiện nội đô dự kiến năm 2025 của Hà Nội thực sự khó khả thi”, ông Thanh nói.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, phương tiện cá nhân là thành phần không thể thiếu của giao thông đô thị, ở các nước phát triển phương tiện cá nhân chiếm 30-40%, trong khi tỷ lệ phương tiện cá nhân giảm đi phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của phương tiện vận tải công cộng. 

Trọng điều kiện Hà Nội và TP.HCM hiện nay, việc thu phí hạn chế phương tiện vào nội đô là không phù hợp.

Ông Thuỷ nói rõ, năng lực vận chuyển của xe buýt chỉ phục vụ phù hợp với thành phố từ 30-40 vạn dân, còn từ 1 triệu dân trở lên phải có đường sắt đô thị.

Hà Nội cũng như TP.HCM với dân số trên dưới 10 triệu dân, trong khi đường sắt đô thị mới chỉ xây dựng 1-2 tuyến, những tuyến này nếu sớm được đưa vào khai thác cũng chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông công cộng. Do vậy, việc Hà Nội đặt kế hoạch dự kiến cấm xe máy hoạt động nội thành, thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2025 là không hợp lý.

“Cách đây 4-5 năm Hà Nội đã bàn về vấn đề này rồi, nhưng dư luận và các chuyên gia không đồng tình.  Bây giờ TP lại có chủ trương xây dựng 87 trạm thu phí ở các tuyến đường vành đai để thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô là cách làm không phù hợp. Khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại trong nội đô thì không nên áp dụng các biện pháp kinh tế cũng như áp đặt hành chính để hạn chế phương tiện cá nhân”, ông Thuỷ nói.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc thu phí nội đô để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thủ đô là cần thiết trong bối cảnh ùn tắc khu vực nội đô ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện bố trí 87 trạm thu phí dày đặc ở các tuyến đường cửa ngõ cần phải tính toán kỹ.

Để thực hiện được, Hà Nội cần thiết phải áp dụng công nghệ trong công tác thu phí. Các trạm thu phí phải áp dụng công nghệ thu phí tự động, tích hợp được việc thu phí BOT với phí phương tiện vào nội đô qua việc trừ tiền từ thẻ ngân hàng một cách thuận tiện; tránh tình trạng sử dụng phương thức thu thủ công gây ùn tắc.

“Singapore đã áp dụng thu phí vào trung tâm thành phố giờ cao điểm từ khá lâu và được người dân chấp hành. Xe gắn thẻ thu phí lưu thông qua trạm sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng chủ phương tiện...

Trong tương lai Hà Nội cần dồn tiền đầu tư các tuyến metro, xe buýt để đến năm 2030 có thể từng bước cấm xe máy, thu phí ôtô cá nhân”, ông Liên nói.

Ngoài ra, theo ông Liên, khi thực hiện thu phí phương tiện vào nội đô, Hà Nội phải dành quỹ đất làm các bãi đỗ xe đi kèm mạng lưới giao thông công cộng để phục vụ người dân ngoại tỉnh khi vào nội đô có thể gửi xe, đi lại thuận tiện bằng giao thông công cộng.

Hà Nội lập phương án đặt 87 trạm thu phí xe ô tô vào nội đô

Hà Nội lập phương án đặt 87 trạm thu phí xe ô tô vào nội đô

Sở GTVT Hà Nội cùng đơn vị tư vấn vừa xây dựng xong phương án 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô đặt tại đường vành đai. Thời gian thu phí từ 5h đến 21h mỗi ngày.

Vũ Điệp   



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét