Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

ĐBQH lo người lao động tiêu hết 'của để dành' cho tương lai

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, như “của để dành” cho quỹ hữu trí. Tuy nhiên, do khó khăn người lao động phải rút phần tiền này để tiêu dùng trong hiện tại.

Sự lo lắng này được ĐBQH đặt ra trong phiên thảo luận Quốc hội trực tuyến chiều nay (27/10) về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đánh giá, ý nghĩa quan trọng của BHXH, BHYT, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 càng thấy rõ vai trò giảm thiểu rủi ro thông qua BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Ông dẫn số liệu năm 2020, có 860.741 người hưởng BHXH một lần tăng 53.652 người (tăng 6,65%) so với năm 2019. 

Đa phần người hưởng chế độ BHXH một lần (giai đoạn 2016-2020) tập trung ở độ tuổi từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm 80,9%).

{keywords}
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn

Những con số này phản ánh một thực tế là đời sống, thu nhập của người lao động đang gặp khó khăn khiến họ phải rút phần tiền để giành cho quỹ hữu trí để tiêu dùng trong hiện tại.

Theo ông, dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.

Chia sẻ và đồng cảm với người lao động, ĐBQH tỉnh Hải Dương ví von, BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động.

Ông nói: "Việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết những trường hợp sẽ không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng BHXH ngắn nên khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tạo áp lực lên xã hội và gia đình”.

Người lao động lựa chọn hưởng chế độ BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bản thân mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân.

Bên cạnh đó, việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, ông giải thích, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu như chi trả về BHYT, điều chỉnh lương hưu định kỳ, chế độ tử tuất…

Nhiều người hưởng chế độ BHXH một lần khiến độ bao phủ an sinh xã hội của nhà nước bị giảm, đi ngược lại xu thế xã hội văn minh là đảm bảo an sinh cho mọi người dân.

Ông đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28, trong đó hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần.

Ngoài ra, ông cũng đề xuất điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ…

Qua báo cáo của Chính phủ, ĐB Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho biết, các Quỹ có tính chất ngắn hạn đều có kết dư và bảo đảm về cân đối. Cụ thể, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư trong năm 2019 và năm 2020 tương ứng là 85,5 nghìn tỷ đồng và 90,59 nghìn tỷ đồng.

{keywords}
ĐBQH Trần Thị Hiền.

Do vậy, bà Hiền đề nghị cần sửa đổi để quy định linh hoạt hơn nhằm giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ ốm đau và thai sản cho cả người sử dụng lao động và người lao động, ít nhất cũng theo hướng tương tự như quy định về Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.

Theo ĐB, việc giảm mức đóng như đề xuất nhằm giúp Chính phủ linh hoạt trong quá trình điều hành, thuận lợi điều chỉnh mức đóng cho cả doanh nghiệp và người lao động, tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục và sức cạnh tranh doanh nghiệp. Điều này còn thấy rõ và có ý nghĩa trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 hiện nay.

Phát biểu tại đầu cầu tỉnh Quảng Nam, ĐBQH Lê Văn Dũng phản ánh quy định hiện nay chưa rõ việc trốn đóng và chậm nộp bảo hiểm xã hội nên các doanh nghiệp đã chây ì, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.

Ông đề nghị Bộ LĐ-TB-XH tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý phân biệt rõ trường hợp nào là trốn đóng, trường hợp nào là chậm nộp, cùng đó là các chế tài để xử lý các đơn vị sử dụng lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội.

Trần Thường - Thu Hằng

Đề xuất dùng ngân sách thanh toán tất cả chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19

Đề xuất dùng ngân sách thanh toán tất cả chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh Covid-19 và các bệnh nền.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét