Thanh tra Chính phủ vừa trình Thủ tướng phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung về công tác phòng chống Covid-19.
Quốc hội ngày 24/10 thảo luận trực tuyến về các báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng
Tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Công an Tô Lâm ghi nhận các ý kiến của ĐBQH và cho biết từ đầu năm đến nay, nhất là từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, đất nước phải đối diện với áp lực lớn về mọi mặt, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vì thế cũng chuyển sang một trạng thái mới.
So với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch, hầu hết các loại tội phạm đều giảm, song chưa bền vững. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nguyên nhân chủ yếu là do việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm hạn chế điều kiện hoạt động của tội phạm.
Tuy nhiên, một số loại tội phạm lại có xu hướng gia tăng như chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tung tin giả, kinh doanh đa cấp qua mạng Internet, các hành vi lợi dụng các chính sách phòng, chống dịch để trục lợi.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm |
Một số ý kiến của ĐBQH đề cập đến xử lý, giải quyết một số vụ án cụ thể, một số diễn biến mới của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật như tội phạm giết người; tội phạm gây rối trật tự công cộng; tội phạm liên quan đến môi trường cát, đá, sỏi; tội phạm trên không gian mạng...
Một số vấn đề về hoàn thiện pháp luật như cần có Nghị định về thi hành án tử hình, việc ghi âm, ghi hình trong khi tổ chức điều tra, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục quan tâm, triển khai.
Trước cảnh báo của nhiều ĐBQH về tình trạng tội phạm gia tăng trong và sau giãn cách xã hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã cùng với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, không để bị động bất ngờ, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đang khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận; chủ động phòng, ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch.
Chuyển 7 vụ việc về mua sắm thiết bị y tế sang cơ quan điều tra
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng đã có giải trình về ý kiến các ĐBQH.
Số cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2020, nhưng việc phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển sang cơ quan điều tra tăng.
Ông giải thích, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch lần thứ 4, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra phải dừng, hoãn. Tuy vậy, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đã chủ động xây dựng phương án phù hợp với tình hình phòng, chống dịch để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. |
Việc chuyển các vụ việc sang cơ quan điều tra tăng so với năm 2020 cho thấy chất lượng hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm tra đã từng bước được nâng lên; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, vi phạm pháp luật.
Tổng Thanh tra dẫn chứng điển hình là cuộc thanh tra việc quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng chuyển 7 vụ việc ngay trong 6 tháng đầu năm 2021 vừa qua sang cơ quan điều tra ngay khi tiến hành thanh tra.
Trước ý kiến của đại biểu về đẩy mạnh hoàn thiện thể thế phòng, chống tham nhũng, ông Đoàn Hồng Phong cho biết “công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại”.
Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế-xã hội, phòng, chống tham nhũng để từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, không thể tham nhũng.
Nội dung nữa được các ĐBQH đề cập là thanh tra liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 217, Nghị quyết số 218, trong đó có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và có biện pháp phòng ngừa, phòng chống tiêu cực, tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch.
Thanh tra Chính phủ đã trình Thủ tướng phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung hướng dẫn, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra nội dung này trên phạm vi toàn quốc.
Trần Thường
Thu hồi tài sản tham nhũng: 'Cái mất và lấy lại chưa tương xứng'
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, công tác thu hồi tài sản tham nhũng những năm gần đây đã “làm tốt hơn, tích cực hơn” tuy nhiên “cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng”.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét