Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

Dân ùn ùn đổ về miền Tây, khu cách ly quá tải, phát hiện nhiều F0

Dòng người tự phát đổ về các tỉnh miền Tây quá đông gây ra tình trạng quá tải tại các khu cách ly tập trung, trong đó phát hiện ca nhiễm Covid-19. 

Trả lời VietNamNet vào sáng 3/10, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, những ngày qua tỉnh đã tiếp nhận khoảng 30.000 người tự phát từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… về quê.

“1h sáng nay, tôi và Bí thư Tỉnh ủy có mặt tại chốt cửa ngõ trên Quốc lộ 1, khi đó, người dân tự phát về đứng bít một đoạn đường. Tỉnh đã đưa người dân về tập trung tại khu văn hóa Hồ Nước Ngọt (TP Sóc Trăng).

Tại đây, chúng tôi phát cơm nước, bánh mì cho người dân ăn uống; sau đó sàng lọc ra đưa về từng huyện để cách ly”, ông Lâu nói.

{keywords}
Hàng chục nghìn người dân tự phát ùn ùn đổ về miền Tây. Ảnh: Tùng Tin 

Theo ông Lâu, ngay từ đầu Sóc Trăng chuẩn bị nhân lực để tiếp nhận cách ly khoảng 16.000 người. Tuy nhiên, do lượng người về cùng lúc quá lớn nên gây quá tải. 

“Chúng tôi đã có chuẩn bị, lường trước người dân từ TP.HCM về, nhưng không thể hình dung ra cảnh người dân về cùng một lúc đông như thế này. Từ đầu, Sóc Trăng chuẩn bị nhân lực để cách ly khoảng 16.000 người.

Sau 14 ngày, 16.000 người được cho về nhà thì nhận tiếp nữa, nhưng không ngờ về cùng một lúc", Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng nói. 

Theo ông Lâu, người dân về tự phát có khả năng nhiễm tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... và khi tập trung đông tại các chốt kiểm dịch. Chưa kể khi về địa phương, phải tập trung để sàng lọc cũng có khả năng lây nhiễm. 

Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận: “Nếu để người dân tiếp tục tự phát về nữa thì không tỉnh nào chịu nổi. Năng lực điều trị, tỷ lệ tiêm vắc xin của các tỉnh ĐBSCL còn thấp… nên khả năng nhiễm rất lớn. Các tỉnh miền Tây có thể sẽ chuyển đỏ. 

Chúng tôi kiến nghị phải động viên người dân ở lại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương tạm thời thêm 15 ngày, để các địa phương giải quyết hết số người đang cách ly. 30.000 người này về hai đợt là chuyện bình thường. Nhưng về một lượt thế này là chuyện hoàn toàn khác”.

Tương tự, Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện nay tỉnh phải lấy các trường học để dùng nơi cách ly cho người dân. Đến thời điểm này, đã có khoảng 16.000 người tự phát về.

Theo ông Bình, trong khoảng 8.000 ca về trước đó, đã phát hiện 14 ca dương tính. Đối với khoảng 8.000 người về tối qua, tỉnh chưa thể lấy mẫu xét nghiệm kịp nên phải đưa về từng huyện, thành phố thực hiện.

Ông Bình nói thêm, dòng người ùn ùn đổ về như hiện nay gây quá tải không chỉ đối với An Giang mà tất cả các tỉnh, thành miền Tây.

{keywords}
Lực lượng Công an tỉnh An Giang phát cơm nước, bánh mì cho người dân. Ảnh: Tiến Tầm 

Tại Trà Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn cũng thông tin, tỉnh đã tiếp nhận khoảng 5.000 người tự phát về; trong đó, đã ghi nhận 3 ca F0.

“Hiện tại Trà Vinh và các tỉnh đã quá tải do người dân ùn ùn về cùng một lúc. Tỉnh đã mở cửa tất cả các trường học để cho người dân vào cách ly 14 ngày. Sau 14 ngày, số người này được xét nghiệm âm tính thì cho về nhà theo dõi, khi đó mới có chỗ để đón người cách ly tiếp”, ông Hẳn nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, địa phương đã tiếp nhận khoảng 2.000 người.

“Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố sử dụng các cơ sở giáo dục trên địa bàn để làm nơi cách ly, tránh tình trạng dịch bùng phát. Qua xét nghiệm, tỉnh đã ghi nhận các ca F0. Riêng số người về hôm qua (2/10) đang chờ kết quả xét nghiệm”, bà Thanh nói.

Bà Thanh nói thêm, tỷ lệ tiêm vắc xin của các tỉnh, thành ĐBSCL còn rất thấp. Riêng Vĩnh Long còn hơn 600.000 người trên 18 tuổi chưa được tiêm mũi 1, hơn 250.000 người đã quá hạn mũi 2.

“Nếu không có giải pháp kiểm soát, sàng lọc và quản lý cách ly chặt chẽ, nguy cơ dịch sẽ bùng phát trong cộng đồng là rất cao khi người dân tự phát di chuyển về không theo kế hoạch chung thống nhất giữa các địa phương”, bà Thanh nhấn mạnh.

Bà Thanh đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm theo Công điện của 1265 ngày 30/9 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời kiến nghị Trung ương ưu tiên sớm phân bổ vắc xin cho các tỉnh, thành ĐBSCL để đảm bảo độ bao phủ trong cộng đồng, hướng đến tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả.

Kiên Giang, trong những ngày qua đã tiếp nhận hàng nghìn người tự phát về quê.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường lực lượng, trong đó giao cho công an phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương tiếp nhận, phân loại người dân theo từng địa bàn, bố trí nơi nghỉ ngơi tạm thời, phát thức ăn, nước uống và lấy mẫu xét nghiệm. 

Người dân sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì được đưa vào khu cách ly tại địa phương. Qua xét nghiệm nhanh, Kiên Giang cũng phát hiện các ca dương tính nCoV. 

{keywords}
Người dân được tập hợp theo từng địa phương để chờ xét nghiệm. Ảnh: Anh Vũ 
{keywords}
Người dân được phát thức ăn, nước uống miễn phí. Ảnh: Anh Vũ 
{keywords}
Người dân được lấy mẫu trước khi vào khu cách ly tập trung. Ảnh: Anh Vũ 
{keywords}
Hàng ngàn chiếc xe máy của người dân tự về quê tránh dịch trong 2 ngày qua tại cửa ngõ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Anh Vũ 
Trước diễn biến tình hình người dân di chuyển từ các tỉnh miền Đông, nhất là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về miền Tây, trong đó có Cần Thơ tăng đột biến trong những ngày qua, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ có văn bản gửi Bộ Chỉ huy quân sự TP; Sở Y tế và UBND các quận, huyện yêu cầu khẩn trương kích hoạt thêm các khu cách ly tập trung, đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận công dân về từ vùng dịch.

Hoài Thanh 

Hàng nghìn người về miền Tây được đưa đi cách ly tập trung

Hàng nghìn người về miền Tây được đưa đi cách ly tập trung

Hàng nghìn người tự phát đổ về An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang đã được ngành chức năng được đưa đi cách ly tập trung. 



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét