Việc áp dụng các quy định phòng, chống dịch mỗi nơi một kiểu đang làm khó doanh nghiệp. Người đứng đầu nhà nước đã có ý kiến về vấn đề này.
Doanh nghiệp trở tay không kịp với quy định của chính quyền
Ngày 2/10, UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) bất ngờ ra văn bản số 6189 về đánh giá cấp độ dịch tại các phường trên địa bàn TP.Thủ Đức. Theo đó, nhà chức trách chia cấp độ dịch thành 4 vùng từ 1 - 4 tương ứng các vùng xanh, vàng, cam, đỏ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phải dựa trên căn cứ màu sắc đã phân loại để đối chiếu có được phép hoạt động hay không. Theo thống kê cấp độ 2 (vùng vàng) có 19 phường, cấp độ 3 (vùng cam) có 15 phường, toàn TP.Thủ Đức không có cấp độ 1 (vùng xanh) và cấp độ 4 (vùng đỏ). Việc đánh giá cấp độ dịch được tiến hành định kỳ hàng tuần và tùy tình hình sẽ áp dụng hoặc điều chỉnh mức độ.
Tuy nhiên, bất cập đã nảy sinh ngay khi văn bản ban hành. Cụ thể, Chỉ thị số 18 của UBND TP.HCM trước đó cho phép trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa được phép hoạt động. Trong khi văn bản của TP.Thủ Đức lại yêu cầu trung tâm thương mại phải đóng cửa nếu nằm ở vùng cam, còn siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa vẫn mở bình thường.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện một DN cho rằng, dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng chỉ ban hành phân màu vùng xuống các tỉnh/thành chứ chưa xuống cấp quận/huyện như vậy. Bộ Y tế còn đang trong quá trình lấy ý kiến mà địa phương đã ra quy định riêng. Trong khi đó, việc đánh giá cấp độ theo tuần sẽ làm khó DN vì không biết đường nào mà lần. Có thể tuần này đang được mở thì tuần sau đóng. Ngoài ra, chi phí để mở lại là rất tốt kém từ việc xét nghiệm cho các nhân viên rồi khâu dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn… nếu đóng lại thì không biết sẽ xử lý sao với nhân viên khi đã mời họ đi làm.
“Cứ đóng mở đóng mở thì doanh nghiệp trở tay không kịp. Thà đóng là đóng luôn”, đại diện DN bức xúc.
Giãn cách xã hội kéo dài gây khó khăn, giờ doanh nghiệp lại lo "ứng phó" với các quy định (ảnh: Trần Chung) |
Chủ tịch nước yêu cầu các địa phương không cát cứ trong chống dịch
Khó khăn do quy định phòng, chống dịch mỗi nơi một kiểu cũng là nội dung được nhiều đơn vị đề cập tại buổi tiếp xúc cử tri trực tuyến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn ĐBQH TP.HCM với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn vào ngày 2/10.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM thông tin, mặc dù Chính phủ đã thành lập các tổ công tác đặc biệt để chỉ đạo chung liên kết các vùng dựa trên thế mạnh tiềm năng của mỗi địa phương nhưng do bảo vệ thành quả chống dịch của từng địa phương khác nhau nên vẫn xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa từ các tỉnh thành về TP.HCM và ngược lại. Đã có thời điểm các DN đứt gãy hoàn toàn nguồn nguyên liệu.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – bà Vũ Kim Hạnh cho biết, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và ĐBSCL còn đang tiếp tục bảo vệ vùng xanh nên việc duy trì, phát triển lại chuỗi cung ứng đều tùy theo chính sách của từng tỉnh/thành một. Cũng có khi lãnh đạo tỉnh đồng tình nhưng xuống tới huyện/xã thì lại tiếp tục ách tắc.
Bà Hạnh đề nghị cần có chỉ đạo nghiêm tháo gỡ ngay tình trạng ngăn sông cấm chợ. “Chính chúng ta đang tạo ra tình trạng khủng khiếp này chứ không phải do virus gây ra”, bà phát biểu.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) nêu, khó khăn lớn nhất của DN là không thể lên được kế hoạch do sự phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô có phần bị động. Chính vì không lên được kế hoạch nên khi áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, DN phải đối mặt với nhiều rủi ro như: rủi ro chuỗi cung ứng, chi phí xét nghiệm và dịch vụ lưu trú cho cán bộ công nhân viên. Đại diện Hawa kiến nghị, hạn chế bất cập, không nhất quán trong các Chỉ thị phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế của Trung ương, địa phương và ngành hàng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương không cát cứ tại buổi tiếp xúc cử tri (ảnh: TTXVN) |
Lắng nghe ý kiến của đại diện các DN, Hiệp hội tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, không thể nói cuộc sống không có Covid-19 mà cần thích ứng với dịch ở phạm vi quốc gia và TP.HCM cần có biện pháp cụ thể hóa chiến lược thích ứng này để có sự chỉ nhất quán, xuyên suốt, đi liền với phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, vùng miền, địa phương.
Chủ tịch nước cho rằng, các cấp quản lý nhà nước cần tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa, con người. Từng bước khôi phục lại sản xuất, khôi phục lại các đường bay thương mại, tạo điều kiện cho những người tiêm 2 mũi vắc xin và có xét nghiệm âm tính di chuyển trên các phương tiện, loại hình vận tải và giám sát y tế an toàn. Không nên áp dụng giãn cách xã hội quá dài, phạm vi quá rộng khi dịch bệnh dần được cải thiện.
“Các địa phương phải thống nhất, không chia cắt, không cát cứ. Vấn đề này đã gây nhiều bức xúc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Trần Chung
Hàng vạn người kéo nhau về quê, lấy ai cứu doanh nghiệp
Hàng nghìn lao động chấp nhận về quê hương, bỏ lại sau lưng giấc mơ lập nghiệp tại thành phố. Hệ lụy kéo theo là tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt nhân công để khôi phục sản xuất trong "bình thường mới".
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét