Từng là "tâm dịch" lớn nhất nước, tỉnh Bắc Giang đang phòng dịch từ xa, sử dụng đồng bộ các biện pháp để dập dịch trong thời gian ngắn nhất.
Từng là tâm dịch của cả nước với hơn 5.000 ca mắc Covid-19, tỉnh Bắc Giang hiểu rõ giá trị của việc phòng dịch từ xa để không phải chống dịch.
Trả lời phỏng vấn VietNamNet, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết:
Từ ngày 18/5/2021, toàn bộ doanh nghiệp trong 4 KCN đều phải ngừng hoạt động khiến trên 340 doanh nghiệp ngừng sản xuất. Dịch bệnh làm gián đoạn và đứt gãy chuỗi sản xuất đang là các nhà sản xuất linh, phụ kiện phụ trợ chính của các hãng lớn như Samsung, Apple, LG.
Cùng với đó, có trên 600 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng, giải thể và rút lui khỏi thị trường. Các hoạt động kinh tế bị đình trệ đã tác động làm tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh, 6 tháng chỉ đạt 4,3%, thấp hơn 10,8% so với kịch bản.
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đoàn Bổng |
Sau gần 2 tháng dập dịch, tỉnh khống chế thành công dịch bệnh. Tính đến ngày 9/9 trong 6 KCN của tỉnh có hơn 377 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 200 nghìn lao động thực tế đang đi làm.
Dự báo đến cuối năm 2021 có khoảng 390 doanh nghiệp công nghiệp lớn hoạt động sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mới đã khởi động lại đầu tư, dự kiến cuối năm đi vào hoạt động với số vốn lên đến hàng trăm triệu USD.
Sau những ảnh hưởng rất lớn như ông nói, tỉnh Bắc Giang đã thay đổi như nào trong công tác phòng dịch?
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây từng nhấn mạnh “bỏ một đồng phòng dịch thì sẽ không mất một triệu chống dịch”. Vì vậy, Bắc Giang xem việc phòng dịch hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, chúng tôi đã chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã và cấp thôn thực hiện đúng các chỉ đạo của T.Ư về công tác phòng, chống dịch. Quan tâm củng cố và duy trì hoạt động hiệu quả của các tổ Covid cộng đồng, tổ Covid an toàn trong doanh nghiệp.
Cuối tháng 8/2021, Bắc Giang ghi nhận thêm hàng chục ca mắc mới tuy nhiên dịch được kiểm soát trong khoảng từ 5-7 ngày. Vậy đâu là cách làm của Bắc Giang khi triển khai công tác phòng dịch kết hợp với chống dịch hiệu quả?
Đó là thành quả của việc chủ động phòng dịch từ sớm, từ xa. Chúng tôi thường xuyên rà soát, kiểm soát người ngoài tỉnh đến/về địa phương; thực hiện xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng, trong doanh nghiệp và cả trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang…
Tổ Covid cộng đồng tại huyện Lục Nam |
Khi có dịch thì tập trung khoanh vùng, truy vết, xử lý ổ dịch nhanh nhất có thể. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân ủng hộ và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch mà địa phương đưa ra.
Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang luôn xác định nhân dân có vai trò lớn quyết định đến thành bại trong cuộc chiến chống dịch. Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cũng nhiều lần khẳng định “chiến thắng chống dịch của Bắc Giang là chiến thắng của nhân dân”.
KCN được xem là nơi tỉnh Bắc Giang dồn nhiều công sức để bảo vệ không cho dịch bệnh xâm nhập. Ông có thể cho biết các biện pháp tỉnh đang áp dụng?
Đầu tiên, tất cả các doanh nghiệp đều phải xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, thành lập tổ an toàn Covid trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào không thực hiện thì kiên quyết yêu cầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
Hai là chú trọng công tác phòng dịch tại khu lưu trú, quản lý chặt chẽ phương tiện đưa đón công nhân; kiểm soát nguồn lây. Ba là, khi phát hiện ca bệnh phải tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thần tốc truy vết, phân loại nguy cơ, thu hẹp phạm vi để dập dịch nhanh nhất.
Bốn là xác định chiến lược vắc xin được coi là giải pháp cấp bách và lâu dài trong phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay nhu cầu vắc xin trong KCN còn khoảng 140.000 mũi tiêm để đạt được mục tiêu 100% người lao động được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Năm là duy trì thường xuyên việc xét nghiệm tầm soát dịch bệnh đối với các đối tượng có nguy cơ cao và các nhóm còn lại. Sáu là tập trung triển khai các giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu.
Công nhân làm việc tại KCN ở Bắc Giang |
Bắc Giang tiêu thụ thành công vải thiều giữa đại dịch |
Ông Mai Sơn cho biết, kinh tế của tỉnh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì đà phục hồi khá; GRDP quý III tăng 6,7% đã bù đắp sự sụt giảm 6,8% của quý II, góp phần đưa GRDP 9 tháng lên mức 5,5% (6 tháng đạt 4,3%).
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được hơn 853 triệu USD vốn đầu tư quy đổi. Tính riêng kết quả thu hút đầu tư FDI trong 8 tháng đầu năm 2021, Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước.
Giá trị xuất khẩu 9 tháng ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ, đạt hơn 69% kế hoạch. Giá trị nhập khẩu đạt gần 11 tỷ USD, tăng 50%, đạt 81% kế hoạch.
Đáng chú ý, dịch bùng phát mạnh đúng thời điểm thu hoạch vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, vùng trồng vải thiều chuyên canh lớn nhất nước với trên 28.000 nghìn ha. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều thành công.
Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh đạt gần 216.000 tấn (tăng trên 50.000 tấn so với năm ngoái). Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ, tương đương với năm 2020.
Dập dịch thành công mở ra nhiều cơ hội cho toàn tỉnh, cuộc sống bình thường cho người dân địa phương, học sinh đã được đến trường, người lao động được đi làm.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã hoạt động trở lại, thậm chí có nhiều doanh nghiệp đã trở lại hoạt động với quy mô lớn hơn trước khi có dịch.
Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã và đang thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội”. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh đề cao cảnh giác, quyết tâm giữ bằng được Bắc Giang là “vùng xanh” trên bản đồ Covid.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đoàn Bổng thực hiện
'Vắc xin' chống dịch của Bắc Giang
Bên cạnh vắc xin tiêm để ngừa covid, Bắc Giang cho biết địa phương này cũng có một loại “vắc xin” khác để phục hồi phát triển kinh tế.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét