Gói hỗ trợ 26.000 tỷ được Thủ tướng chỉ đạo xây dựng theo tinh thần hết sức khẩn trương nhưng cũng đầy thận trọng, kỹ lưỡng để đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn.
Ngày 1/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết ước tính khoảng 26.000 tỷ đồng.
|
Thủ tướng thăm khu vực sản xuất, thăm hỏi, động viên cán bộ nhân viên Công ty Nissei Electric Việt Nam - một doanh nghiệp Nhật Bản tại khu chế xuất Linh Trung 1, TP. Thủ Đức, TP.HCM, ngày 26/6. |
Thực tế, dưới sự chỉ đạo rất sớm, quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nghị quyết đã được xây dựng với nhiều cuộc họp, bàn bạc, thảo luận hết sức kỹ lưỡng để bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nếu chính sách được ban hành vội vàng, không phù hợp với cuộc sống, không khả thi thì triển khai sẽ rất khó khăn và người dân cũng không được thụ hưởng thật.
Đơn cử, một nội dung được thảo luận rất nhiều là việc hỗ trợ với nhóm lao động tự do. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi triển khai Nghị quyết 42 năm 2020, có những tổ trưởng tổ dân phố phải đi đến 8-9 lần mới gặp được người lao động tự do để khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ được, bởi họ thường xuyên di chuyển, làm ăn xa hoặc đi sớm về muộn…
Trước nhiều ý kiến khác nhau, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dứt khoát yêu cầu vẫn phải bổ sung nhóm lao động này vào Nghị quyết cho dù việc triển khai có khó khăn tới đâu. Bởi đây cũng là những đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng sâu và trực tiếp của dịch bệnh, Nhà nước phải đặc biệt quan tâm, chăm lo cho họ một cách cụ thể và thiết thực.
Tuy nhiên, nếu Chính phủ ban hành một chính sách cụ thể và Chính phủ đứng ra hỗ trợ ngân sách cho nhóm đối tượng này sẽ rất khó triển khai trong thực tế. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng kết luận, Chính phủ quy định mức hỗ trợ tối thiểu, giao các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ.
Nhìn lại nửa đầu năm, trong bối cảnh “khó khăn trăm bề”, ngay khi Chính phủ vừa được kiện toàn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân. Trong số những những kết quả nhiều mặt đạt được trong 6 tháng đầu năm, riêng về an sinh xã hội, theo Thủ tướng, điều quan trọng nhất là không có ai ở bất cứ nơi nào thiếu ăn, thiếu mặc, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Một câu nói của cha ông ta thường xuyên được Thủ tướng nhắc đến tại các cuộc họp về các chính sách hỗ trợ người dân, đó là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng triệu người, vì thế những người yếu thế, những người lao động, doanh nghiệp rất mong chờ gói hỗ trợ. Hơn lúc nào hết, tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải gần dân, sát dân, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn.
Cùng với các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho những người gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là giải pháp căn cơ, lâu dài để bảo đảm và không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Từ những giải pháp ở tầm vĩ mô cho tới những nhiệm vụ cụ thể nhưng cấp bách, Người đứng đầu Chính phủ luôn sâu sát trong công tác chỉ đạo.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái kể lại, thời gian vừa qua, lo lắng trước sản lượng vải thiều lớn nhất từ trước tới nay của Bắc Giang trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp chưa từng có, ngày nào Thủ tướng cũng gọi điện quan tâm, thăm hỏi, động viên và chỉ đạo các giải pháp tiêu thụ mặt hàng có giá trị cao này, đồng thời yêu cầu các bộ phải giải quyết nhanh nhất mọi khó khăn, vướng mắc mà tỉnh đề xuất tháo gỡ. Đúng lúc căng thẳng nhất, Thủ tướng đích thân vào tâm dịch Bắc Giang để chỉ đạo, động viên, kiểm tra công tác phòng chống dịch, nhưng cùng với đó là chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm đến khôi phục sản xuất, kinh doanh, trong đó nhấn mạnh đến việc tạo mọi điều kiện tốt nhất để tiêu thụ vải thiều.
Qua hơn hai tháng dịch bùng phát trở lại, đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn. Tình hình đó đòi hỏi các cấp, các ngành phải phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động, linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các địa phương phải căn cứ tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành một cách linh hoạt, đúng hướng, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Chúng ta kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép. Đây là lựa chọn rất khó khăn nhưng không có cách nào khác, không có lựa chọn nào tốt hơn, chống dịch tốt để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế để có điều kiện chống dịch thành công. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, văn hóa, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Người dân và doanh nghiệp luôn ở vị trí trung tâm, chủ thể trong mọi quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng, vì mục tiêu cuối cùng là sức khỏe, tính mạng, hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
TP.HCM cần quyết tâm để đến cuối tháng 7 dịch COVID-19 'giảm rõ, giảm sâu'
Ngày 2/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.
Theo VGP
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét