Cái chợ làng kia là gốc rễ của sự thông thương của luân chuyển và đích cuối của nó là sự tồn tại cuộc sống bình thường như dòng chảy của sông.
Tối ngày thứ 3 của đợt Hà Nội giãn cách theo chỉ thị 16. Tôi và anh bạn luật sư chủ nhà lên gác thượng uống trà. Nông thôn ngày nay tối tối vẫn sáng lòe ánh điện. Nhà cửa san sát hắt những quầng sáng lên không trung nom rất thích mắt. Nhà ai đó chắc khá giả vọt cao hẳn lên nhấp nhánh đèn chớp đèn nháy. Xa xa chút là sân bay Nội Bài, đèn báo hiệu đường băng sáng thành vệt rực rỡ. Không gian im ắng, tĩnh lặng.
Câu chuyện cũng chỉ xung quanh việc giãn cách. Anh bạn thở dài than thở, trước cứ 5 phút một chuyến bay giờ cả tiếng họa hoằn mới có máy bay đáp xuống.
Tiểu thương tại chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) gia cố lại tấm chắn để phòng chống dịch. Ảnh: Nhị Tiến |
Tôi mở facebook cho anh bạn xem clip nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn ca khúc “Quê hương” trước sân bệnh viện dã chiến số 3 ở thành phố Thủ Đức cho bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân điều trị Covid.
Vị luật sư xúc động. Anh bảo, thương Sài Gòn quá. Tôi có lịch làm việc trong đó nhưng phải hủy không biết đến bao giờ. Rồi anh lẩm nhẩm khổ cuối bài thơ “Quê hương” của thi sĩ Đỗ Trung Quân.
“...Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Tôi biết anh đang tâm trạng về dịch và sốt ruột vì công việc. Ngôi làng của anh đã qua ba ngày giãn cách. Biết tôi hay nói về sự yên bình làng quê, anh bảo, ông không ở nông thôn không hiểu, sự yên bình này chứa đựng nhiều thứ bên trong lắm. Phải sống cùng nó hàng ngày mới hiểu, nhà văn các ông chỉ cưỡi ngựa xem hoa thôi.
Tôi cười cười, một người thành phố gốc quê như anh có nhà cửa ở quê và đang sống cùng nó hiển nhiên sự hiểu biết về quê hương gốc rễ của mình phải sâu sắc. Bất chợt anh hỏi tôi, nếu cấm chợ làng ông biết nhà tôi trụ được bao lâu?.
Có một thoáng bất ngờ nơi tôi. Chắc anh vẫn đang canh cánh vì dịch bùng phát ở Sài Gòn với những con số ca nhiễm dằng dặc và những gì đang xảy ra ở thành phố lớn nhất nước này.
Không đợi tôi trả lời anh bảo. Nhà tôi vườn rộng, nhưng không trồng rau. Ruộng canh tác không có vì tôi thoát ly đã lâu. Rau cảnh trong chậu và rau hoang góc vườn cung cấp cho tôi được 3 ngày, gạo 10 ngày, những đồ gia giảm cũng vậy. Nghĩa là tôi tồn tại được 10 ngày nếu chợ bị phong tỏa.
Làng anh có lẽ cũng như những ngôi làng khác trong vùng, có đủ đình, chùa miếu mạo và quan trọng nhất là chợ làng. Hôm đầu giãn cách tôi thấy mọi chuyện bình thường nhưng đến hôm thứ hai, xóm làng bắt đầu lập chốt kiểm soát. Người làng ra được nhưng người nơi khác đến bị kiểm soát rất chặt chẽ. Hầu như tất cả đều phải quay đầu xe.
Người dân xuất trình thẻ trước khi vào chợ Nhật Tân. Ảnh: Đoàn Bổng |
Tôi bảo lần giãn cách này thành phố vẫn cho duy trì các chợ dân sinh, chợ làng vẫn được họp đấy thôi. Anh nói mấu chốt vấn đề là ở chỗ ấy. Làng tuy bị phong tỏa giãn cách với các làng khác nhưng chợ được phép tồn tại nên dân làng tôi có thể trụ vững dài ngày trong bão dịch. Tuy sức mua bán kém đi, thu nhập người buôn bán giảm nhưng những nhu cầu thiết yếu thì dân làng không phải lo.
Tôi đã lờ mờ hiểu ra ý anh. Anh đang ở làng quê của mình nhưng lại đang nghĩ đến những vùng đất khác. À phải rồi, anh là luật sư mà. Câu chuyện tiếp tục. Cái lý của anh thật rõ ràng. Qua những gì anh bày tỏ tôi thấy thấm thía. Thì ra tưởng đơn giản nhưng ở mỗi chính sách có những hệ lụy trực tiếp đến cuộc sống.
Như làng anh nếu chợ bị cấm, nếu bịt chặt các ngả xóm, ngõ làng thì người dân dù bị phong tỏa vẫn bằng mọi cách để tồn tại. Họ sẽ tỏa ra ruộng đồng để kiếm thực phẩm vốn trồng được.
Tự nhiên tôi hình dung ra một dòng sông. Sự sống chính là sự chuyển dịch của dòng sông ấy là dòng chảy. Ai có thể ngăn được dòng chảy. Người ta chỉ có thể đắp đập nắn dòng và dòng sông ấy vẫn luôn chảy. Chảy về hạ nguồn ra sông lớn về biển cả.
Ngày thứ tư đợt phong tỏa, tôi đạp xe ra chợ sớm. Ngôi chợ làng kém đi phần tấp nập vì ý thức giãn cách vì mất đi sự góp mặt của dân làng lân cận nhưng nó vẫn phong phú chủng loại. Đồ ăn sáng, xôi, bánh cuốn, bánh chưng…Các loại rau, hoa quả mơn mởn. Những phản thịt tươi rói. Cá bơi trong chậu, đủ hết những gì cần cho bữa ăn. Và hoa, những bông cúc vàng hình như trong bão dịch đẹp hơn, rực rỡ hơn.
Tôi chọn mua một bó cúc treo ở ghi đông đạp về. Sáng sớm, người bạn luật sư của tôi đã chất đầy xe ô tô rau các loại, gạo, thịt chở về thành phố cho các con anh, cho người thân, bạn bè anh. Để mọi người hạn chế ra đường, tránh nhiễm bệnh.
Trên cánh cổng sắt nhà anh tôi thấy treo lủng lẳng một bọc ni lông của ai đó mang đến nhưng không gặp chủ nhà. Một túi mướp vừa cắt cuống còn ứ nhựa và một bịch trà ướp sen tôi cảm giác như tràn ngập hương sen trong đầm thơm ngát.
Một điều gì đó vẫn là cảm giác an nhiên, thanh bình ùa ngập trong tôi. Cái bịch quà giản dị kia là tình làng, nghĩa xóm. Cái chợ làng kia là gốc rễ của sự thông thương của luân chuyển và đích cuối của nó là sự tồn tại cuộc sống bình thường như dòng chảy của sông.
Bất chợt tôi nhớ đến trăn trở của anh bạn luật sư đang kẹt công việc ở Sài Gòn. Tôi không thể không nghĩ đến thành phố gần chục triệu dân ấy với vài ba triệu người sống bám vào vỉa hè vào các khu chợ đang quay cuồng trong đại dịch. Có thể lý giải được vì sao dòng người ngụ cư đang rời bỏ thành phố tìm về quê quán.
Lý giải, hiểu và thầm cảm ơn những chợ làng của Hà Nội vẫn đang mở cửa giữa những ngày phong tỏa dịch dã căng thẳng.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến
Bí thư Hà Nội: Các quận, huyện triển khai ngay việc phát phiếu đi chợ
Cho rằng mô hình phát phiếu đi chợ, siêu thị tại quận Tây Hồ là cần thiết để bảo đảm giãn cách, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai ngay.
- (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
- (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
- (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét