UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo thành lập tổ quản lý các khu phong tỏa nhằm tiếp nhận thông tin đầy đủ của các hộ dân và đi chợ thay người dân.
Theo UBND thành phố, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm vẫn ở mức cao, đa số ca nhiễm mới tại các khu phong tỏa.
UBND TP cho rằng, việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, hiệu quả và thực tế đã có sự lây lan trong khu phong tòa làm số F0 tăng lên nhiều lần so với số F0 có sẵn khi vừa được phát hiện.
Trước tình hình trên, để giảm nhanh số F0 mới, UBND TP.HCM chỉ đạo tăng cường một số biện pháp quản lý các khu phong tỏa.
Một khu vực phong tỏa, cách ly y tế tại quận 12 |
Theo đó, TP.HCM yêu cầu TP Thủ Đức và các quận huyện phải xác định phạm vi phong tỏa dựa trên cơ sở đánh giá vị trí, diện tích, số ca nhiễm và các yếu tố nguy cơ dịch tễ, ảnh hưởng đến sự lây nhiễm dịch bệnh.
Các địa phương xác định phạm vi phong tỏa phù hợp (không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1, nhưng cũng không quá rộng ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân).
Thành phố nêu ra 3 tiêu chí xác định phạm vi phong tỏa gồm: Số F0 được phát hiện ngay trước lúc phong tỏa và vị trí sinh sống của các ca F0, các yếu tố ảnh hưởng đến sự lây nhiễm của khu vực có F0 như mức độ giao lưu tiếp xúc của F0, môi trường sống tại khu vực đó, tình trạng nhà ở (nhà hẹp, nhiều người... ), trong hẻm nhỏ hoặc mặt tiền, mức độ tập trung và giao tiếp của người dân trong khu vực...; việc xác định phạm vi phong tỏa cần có sự tham mưu của Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và các quận huyện.
UBND TP yêu cầu nhanh chóng xét nghiệm (bằng test nhanh trước, PCR sau) và đưa tất cả những người có nguy cơ cao (F0, F1 phát hiện thêm khi xét nghiệm) ra khỏi khu phong tỏa, đưa đến các cơ sở cách ly TP Thủ Đức và quận huyện. Cách ly tại nhà với những trường hợp F0, F1 có đủ điều kiện chống lây nhiễm và cam kết thực hiện các quy định khi cách ly của ngành y tế.
Tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp nhận thông tin của từng hộ dân, đáp ứng kịp thời lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cho người có triệu chứng, người có bệnh lý nền, người có yếu tố dịch tễ (tiếp xúc với F0).
TP yêu cầu giải tỏa khu vực phong tỏa từng phần, trước tiên là khu vực ít nguy cơ, đến khu vực nguy cơ vừa, sau cùng là khu vực nguy cơ rất cao.
TP.HCM yêu cầu nhanh chóng “làm sạch, làm xanh" khu phong tỏa bằng việc đưa tất cả người có nguy cơ cao đến các cơ sở cách ly |
Lập tổ quản lý các khu phong tỏa, đi chợ thay người dân
Về tổ chức quản lý khu phong tỏa, TP.HCM yêu cầu thành lập tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa (tổ quản lý) với sự tham gia của công an, quân sự, y tế, lực lượng thanh niên xung phong, tình nguyện viên của Thành đoàn, các đoàn thể, Trưởng các khu phố, ấp, tổ dân phố... nắm rõ địa bàn dân cư, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng.
Nhiệm vụ của tổ quản lý là tiếp nhận thông tin đầy đủ về các hộ dân trong khu phong tỏa, lập danh sách người dân có mặt thực tế trong khu phong tỏa (theo hộ dân), ghi nhận số điện thoại liên lạc của từng hộ dân để thường xuyên liên hệ, hỗ trợ khi cần thiết.
Ngoài ra, tổ quản lý có nhiệm vụ phổ biến, cung cấp thông tin, hướng dẫn của thành phố đến từng hộ dân. Ví như, những điều người sống trong khu phong tỏa cần biết; những điều cần thực hiện khi cách ly F1 tại nhà; triển khai xuất viện sớm và cách ly điều trị tại nơi cư trú các trường hợp F0 không có triệu chứng; các số điện thoại liên hệ khi người dân cần hỗ trợ và các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh khác.
Đồng thời, tổ chức “đi chợ thay", tiếp nhận nhu yếu phẩm thiết yếu từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, điều phối, cung cấp cho các hộ dân trong khu phong tỏa; không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp.
Tiếp nhận thông tin, tình hình sức khỏe, bệnh tật của người dân, báo cáo ban chỉ đạo phòng chống dịch và tổ phản ứng nhanh tại địa phương để hỗ trợ y tế kịp thời. Thông báo, hỗ trợ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành y tế.
Tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, báo cáo ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương kịp thời xem xét, giải quyết, hỗ trợ, tạo sự chia sẻ, đồng thuận, ổn định tâm lý và an dân trong khu phong tỏa.
UBND TP cũng yêu cầu lực lượng công an, quân đội thường xuyên tổ chức tuần tra, giám sát, đảm bảo thực hiện quy định về giãn cách của người dân, các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, đồng thời có hình thức cưỡng chế, xử phạt thật nghiêm đối với những hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Hồ Văn- Tuấn Kiệt
>>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất
Giãn cách ở TP.HCM: ‘Thà một lần đau'
Sẽ thêm một số bất tiện nhưng có lẽ nên chấp nhận và cần được ủng hộ để TP.HCM sớm trở lại yên bình, dịch bệnh dần lắng xuống.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét