Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Ca Covid-19 vẫn tăng rất mạnh, TP.HCM tổng lực tầm soát truy tìm F0

TP.HCM tiếp tục ghi nhận số ca bệnh tăng mạnh mỗi ngày và chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Chiến dịch lấy mẫu tầm soát diện rộng nhằm truy tìm F0 nhanh nhất đang cấp tập được triển khai.

Tổng số ca Covid-19 ở TP.HCM trong đợt dịch thứ tư đến tối 1/7 đã được Bộ Y tế công bố là hơn 4.300 ca. 24h qua, thành phố ghi nhận thêm 464 trường hợp, trong đó có 379 là các tiếp xúc đã được truy vết, cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa; 85 ca phát hiện qua sàng lọc tại cơ sở y tế và cộng đồng.  

Sở Y tế thông tin, tính từ ngày 18/5 (thời điểm Bệnh viện Vinmec Central Park phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên) đến nay, 459 bệnh nhân dương tính với nCoV được phát hiện tại 55/130 bệnh viện công lập và tư nhân.

Trong đó, đa số các ca được bệnh viện phát hiện chủ động, nhưng cũng có một số cơ sở y tế phát hiện bị động, dẫn đến sự lây lan mầm bệnh tại đây.

{keywords}
Phun khử khuẩn khu vực có ca nhiễm Covid-19. Ảnh: Trương Thanh Tùng 

Mới đây, BV Phạm Ngọc Thạch vừa phát hiện 25 ca dương tính nCoV, trong đó có 17 bệnh nhân và 8 người nhà. Theo đánh giá ban đầu, nguồn lây có thể xuất phát từ bên ngoài xâm nhập vào bệnh viện thông qua một người nuôi bệnh dương tính cư trú tại quận Bình Tân…

Liên quan đến “ổ dịch” từ các khu chợ và để đảm bảo phòng chống dịch, TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động khoảng 70/234 chợ truyền thống.

Ngày 1/7, quận Bình Tân cũng tạm dừng thêm 5 chợ truyền thống, nâng số chợ bị tạm dừng lên 11.

Theo Chủ tịch quận Nguyễn Minh Nhựt, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP, các phường nhận thấy một số chợ không đảm bảo an toàn phòng dịch, người dân vẫn còn tập trung đông nên phải cho tạm dừng. Quận Bình Tân hiện có 711 ca Covid-19 và là địa phương có số ca nhiễm cao nhất tại thành phố.

Trước đó, nhiều khu chợ rất lớn cũng buộc phải phong tỏa, tạm dừng hoạt động do liên quan đến các chuỗi, ca lây nhiễm như chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình),…

Cũng trong ngày 1/7, huyện Hóc Môn thông tin, từ 0h ngày 2/7 đến 15/7, các hộ gia đình trong khu vực ba xã Tân Xuân, Bà Điểm, Xuân Thới Đông và thị trấn Hóc Môn phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.

Ngành chức năng vẫn tiếp tục thông báo tìm người từng đến các địa điểm liên quan đến các ca dương tính nCoV. Hơn 500 điểm đang bị phong tỏa.

Cao điểm kiểm soát dịch trong 12 ngày

Từ 1/7, hầu khắp các địa bàn ở TP.HCM bắt đầu tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho người dân để truy tìm F0.

Trước đó, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong có chỉ đạo khẩn về tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch trong 12 ngày (từ 29/6 đến 10/7), nhằm huy động sức mạnh của toàn dân, toàn hệ thống chính trị trong việc phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Chủ tịch TP nhấn mạnh, đẩy nhanh việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân, người lao động tại tất cả các quận, huyện, TP Thủ Đức. Trong đó, tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân tại Quận 8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh.

{keywords}
TP.HCM bắt đầu chiến dịch lấy mẫu tầm soát tìm F0. Ảnh: Trương Thanh Tùng 

Trước đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu: “Phải mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn thành phố”.

Đối với việc khoanh vùng, phong tỏa, Chủ tịch TP nhấn mạnh việc kiểm soát chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo. Phải khoanh vùng trong vòng 1 giờ hoặc sớm hơn sau khi có xét nghiệm khẳng định nhiễm Covid-19 trên nguyên tắc, khoanh vùng nhanh, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và phong tỏa hẹp. Có kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ để nhanh chóng tầm soát các ca nhiễm.

Trước sự lây lan nhanh khó lường của biến chủng Delta, ngày 1/7 Sở Y tế ra yêu cầu khẩn đối với tất cả các bệnh viện. Sở nhận định, việc tổ chức khai báo y tế, sàng lọc kịp thời phát hiện các trường hợp chỉ điểm tại các bệnh viện mang ý nghĩa rất lớn trong công tác phát hiện, khoanh vùng, dập dịch. Đặc biệt, Sở lưu ý, ngoài xét nghiệm nCoV hàng tuần cho nhân viên, phải xét nghiệm cho bệnh nhân và người nhà.

Đối với các khu chợ, theo ngành chức năng, những chợ thực hiện tốt phòng chống dịch sẽ mở cửa, còn không "sẽ đóng cửa tiếp". Chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8) đã cho giảm 400 sạp, chợ đầu mối Thủ Đức (TP Thủ Đức) đang điều chỉnh theo dạng phân luồng ngành hàng, hạn chế cổng vào.

Các chợ còn hoạt động, yêu cầu tận dụng không gian những sạp nghỉ để giãn cách, phát phiếu đi chợ, chợ bán qua hàng rào, điều tiết người ra vào... Nếu không đảm bảo phòng chống dịch thì cho đóng cửa, không cần đợi đến khi có người mắc bệnh.

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào ngày 7-8/7, chiều 1/7, tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch TP.HCM khẳng định, thành phố đã cân nhắc yếu tố an toàn khi vẫn cho thi tốt nghiệp đợt 1.

Những thí sinh dự thi đợt 1 là những em không ở nơi phong toả hoặc thực hiện cách ly xã hội, không thuộc diện F0, F1, F2 theo phân loại của ngành Y tế và đặc biệt có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Những thí sinh không dự thi đợt 1 sẽ được quyền dự thi đợt 2 theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT.

Áp dụng Chỉ thị 16 toàn thành phố?

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều bạn đọc lo lắng khi thấy thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mà các ca bệnh chưa giảm và góp ý “thành phố nên lock down 2 tuần may ra mới ổn được”.

Bạn Tú Lê ý kiến: “TP.HCM mà xét nghiệm toàn thành phố thì số ca dương tính sẽ tăng nhiều. Giờ chỉ còn cách lock down, truy cho hết F0 mới chặn được”.

Đồng quan điểm, bạn Nhật Linh góp ý: “Phải ngưng tất cả các hoạt động, người dân ở yên trong nhà khoảng 5 đến 7 ngày thì mới mong dập được dịch. Phong tỏa chỗ này thả lỏng chỗ kia thì dịch ngày càng bùng thêm”.

Bạn Thịnh nhìn nhận: “Vẫn còn không ít địa phương quản lý chưa chặt chẽ. Tình trạng buôn bán, tụ tập... vẫn diễn ra.

Bạn Bảo Chung, Thế Huỳnh cùng băn khoăn cho rằng, các biện pháp ứng phó với dịch cũ đã không còn hiệu quả. Lãnh đạo thành phố cần ra phương án quyết liệt hơn.

Theo bạn Yêu Sài Gòn: “TP.HCM kết quả đến nay chưa có cải thiện gì, tình hình ngày càng nặng hơn và có khả năng mất kiểm soát. Do vậy thành phố nên nghiên cứu để có phương án phòng chống dịch phù hợp hơn với tình hình hiện nay, sao cho phải hài hòa giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế và an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người nghèo, người yếu thế”.

Sau khi kết thúc 2 đợt giãn cách với thời gian 1 tháng, tình hình dịch Covid-19 tại thành phố vẫn chưa khả quan. Chính quyền thành phố quyết định tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10 từ 0h ngày 29/6 đến khi có thông báo mới.__ 

TP.HCM phân địa bàn theo mức độ diễn biến dịch. Cụ thể, nhóm có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ). Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận. 

Đức Bảo 

              >>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất

TP.HCM những ngày tháng gồng mình chống dịch Covid-19

TP.HCM những ngày tháng gồng mình chống dịch Covid-19

Từ 27/4 đến nay, thành phố sôi động nhất cả nước gồng mình chống dịch Covid-19. Nhiều biện pháp mạnh chưa từng có được đưa ra để nhanh chóng hàn gắn vết thương.

Chủ tịch TP.HCM: Áp dụng biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 mà ca nhiễm chưa giảm

Chủ tịch TP.HCM: Áp dụng biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 mà ca nhiễm chưa giảm

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, dù thành phố áp dụng biện pháp cao hơn Chỉ thị 16, nhưng ca nhiễm chưa có dấu hiệu giảm. Ông yêu cầu tăng cường thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP. 



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét