Bầy bò tót lai (F1) 10 con ở Ninh Thuận đang suy kiệt trầm trọng vì thiếu dinh dưỡng. Chúng có thể chết bất kỳ lúc nào nếu tình trạng này không được cải thiện.
Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình Nguyễn Công Vân sáng nay (1/10) cho biết, để cứu lấy đàn bò tót lai (F1) đang bị suy dinh dưỡng tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận), Sở NN-PTNN và Sở KHCN Ninh Thuận đã họp bàn giải pháp.
Trước mắt, Vườn quốc gia Phước Bình sẽ tạm ứng kinh phí để vỗ béo lại đàn, chăm sóc y tế cho chúng. Sau đó sẽ có bàn bạc lại với những đơn vị liên quan để có kế hoạch lâu dài.
"Không thể tiếp tục để tình trạng đàn bò lai bị suy kiệt", ông Vân khẳng định.
Cũng trong sáng nay, tại cuộc họp báo về kinh tế, xã hội, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói rõ, sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe hiện tại của đàn bò để cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng nhằm cứu đàn bò khỏi chết đói. Đồng thời, Sở KHCN và Vườn Quốc gia Phước Bình làm việc với đơn vị quản lý đàn bò và đề xuất phương án phù hợp, lâu dài để quản lý và phát triển đàn bò phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.
Đàn bò tót lai giờ ốm trơ xương khác với dáng vẻ dũng mãnh vốn có của chúng |
Bầy bò tót lai nói trên là kết quả giao phối giữa một con bò tót đực thuần chủng lạc bầy với những con bò cái nhà của người dân xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) hơn 10 năm trước.
Theo tài liệu của Vườn quốc gia Phước Bình, khoảng năm 2008 đến 2012, tại vườn xuất hiện một con bò tót đực (tên khoa học Bos gaurus), thường xuyên xuống nương rẫy của dân để giao phối với bò cái nhà. Kết quả cho ra đời hơn 20 con bê con mang dáng dấp của “bò tót cha”.
Đàn bò tót F1 ở Ninh Thuận gầy trơ xương cần được giải cứu |
Nhận thấy đây là cơ hội hiếm có để nhân rộng nguồn gen bò tót, từ năm 2013-2015, Sở KHCN của 2 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng thành lập đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò tót lai (F1)”. Đề tài đã chứng minh các con lai F1 là con của bò tót đực rừng và bò cái nhà.
Trao đổi với VietNam Net, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình Nguyễn Công Vân cho biết, tổng kinh phí để thực hiện dự án nuôi dưỡng đàn bò để lưu giữ nguồn gen khoảng 3 tỷ đồng. Vào tháng 9/2019, đàn bò tót lai được giao cho Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng (thuộc Sở KHCN) quản lý, chăm sóc.
Bò chỉ ăn rơm khô, gầy trơ xương
Hơn một năm qua, 11 con bò tót lai được đơn vị có trách nhiệm thuê ông Nguyễn Đình Tích (xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn) chăm sóc.
Ông Tích cho biết, công việc hàng ngày của ông là vận chuyển rơm cho bò ăn, bơm nước cho bò uống. Khi gần hết rơm thì điện cho Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng để chuyển tiền xuống mua.
Đàn bò tót lai giờ ốm trơ xương khác với dáng vẻ dũng mãnh vốn có của chúng |
“Cán bộ trên Lâm Đồng rất ít xuống trại để kiểm tra sức khỏe đàn bò nên chúng có bệnh cũng không biết. Trước đây, dự án thuê 2ha đất nông nghiệp của dân để làm trang trại nuôi đàn bò và trồng cỏ làm thức ăn cho chúng.
Sau khi dự án kết thúc, vì không có tiền thuê tiếp nên dân chỉ cho giữ tạm chuồng để nhốt bò. Vậy là hơn năm qua bò chỉ ăn rơm khô, không có lấy một cọng cỏ tươi", ông Tích phân trần.
Sẽ rất xót xa khi tận mắt chứng kiến những con bò tót đực F1 hiện nay. Nếu như 3-4 năm trước thân hình chúng vạm vỡ, đi đứng oai vệ, sẵn sàng tấn công người nếu cảm thấy nguy hiểm, thì giờ đây, nhiều con trong bầy gầy trơ xương, đứng không vững vì thiếu dinh dưỡng.
Theo ông Vân, khi thấy dấu hiệu đàn bò tót lai suy kiệt, Vườn đã nhiều lần báo cho Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cần có kế hoạch cải thiện sức khỏe của đàn.
Tuy nhiên, phía đơn vị có trách nhiệm vẫn không có động thái tích cực nên bò đói vẫn… đói.
"Chúng tôi là người phát hiện ra bò tót lai, tạo ý tưởng cho các đơn vị hữu trách, nhưng họ thiếu trách nhiệm quá. Chúng tôi không có trách nhiệm thực hiện dự án nên đành chịu…", ông Vân tâm tư.
Nguồn gen quý hiếm Đề tài cấp nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen bò tót quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” do Tiến sĩ Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở KHCN Lâm Đồng làm chủ nhiệm, triển khai nghiên cứu từ năm 2016, với kỳ vọng sẽ lai thành công bò tót F2, F3 để nhân rộng nguồn gen, giúp cải thiện chất lượng đàn bò nhà về khả năng cho thịt và chất lượng thịt; hướng tới xây dựng thương hiệu bò tót lai của ngành chăn nuôi tỉnh Ninh Thuận và cả nước. Để thực hiện đề tài, phía dự án đã mua từ người dân 5 con bò F1 đực và 5 con F1 cái để nuôi gần vùng rừng đệm của Vườn quốc gia Phước Bình. Các nhà khoa học nghiên cứu lai tạo bò thế hệ F2 bằng cách cho lai giữa bò đực F1 với bò cái F1; giữa bò đực F1 với bò cái Brahman, bò Red Angus và giữa bò cái F1 với con đực giống khác theo cách giao phối tự nhiên. Tuy nhiên, đến nay những con bò cái F1 của dự án vẫn chưa sinh sản. Trong khi đó, một con đực F1 thoát đàn ra giao phối với bò cái của người dân địa phương đã cho ra đời một con lai F2. Dự án đã mua con F2 này đưa vào nuôi trong trại thực nghiệm. |
Kỳ án xét nghiệm ADN để phân xử tranh chấp bốn con bò ở Hà Tĩnh
Cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh nhiều lần tổ chức hòa giải cho hai hộ dân trong vụ tranh chấp bốn con bò nhưng bất thành, buộc phải đưa ra phương án hi hữu là xét nghiệm ADN để xác định chủ.
Lê Trường
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét