Cảnh báo sạt lở đất mới dự báo được tới cấp xã tại các tỉnh miền núi phía Bắc; các khu vực khác như Nam Trung Bộ, Tây Nguyên… mới cảnh báo được tới cấp huyện.
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia Trần Hồng Thái cho biết, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chủ yếu dựa vào việc kết hợp, lồng ghép các bản đồ địa hình, độ dốc, thảm phủ trên bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất kết hợp với dự báo mưa từ các mô hình số, ước lượng mưa từ ảnh vệ tinh, rađa, đo mưa tự động.
Khi xuất hiện các hình thế thời tiết có thể gây mưa lớn, trong điều kiện số liệu và công nghệ hiện nay đã cho phép dự báo sớm được mưa lớn diện rộng ở vùng núi trước 1 - 2 ngày, từ đó cảnh báo được nguy cơ xuất hiện hiện tượng lũ quét, sạt lở đất trên khu vực rộng, nhiều tỉnh.
Sạt lở đất san phẳng một ngôi làng Quảng Nam |
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tiệm cận, sử dụng các sản phẩm cảnh báo lũ quét hiện đại bậc nhất trên thế giới (như của Hoa Kỳ) làm công cụ hỗ trợ cảnh báo.
Tuy nhiên, lũ quét, sạt lở đất thường chỉ xuất hiện ở một vài điểm trong tỉnh, thời gian xuất hiện không đồng thời và việc cảnh báo chi tiết đến huyện, xã hoặc khu vực có nguy cơ cao, rất cao chỉ có thể thực hiện trước được khoảng 3 - 6 giờ với độ chắc chắn không cao.
Ngoài ra, đặc điểm hoàn lưu, địa hình ở vùng núi phía Bắc và Trung Bộ của nước ta cho thấy, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra vào ban đêm, gây khó khăn trong truyền thông tin cảnh báo, nhất là đối với nhân dân ở vùng sâu, vùng xa càng làm tăng nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.
Bên cạnh đó, do tính phức tạp, bất ngờ, ngắn hạn của lũ quét, sạt lở đất nên để cảnh báo được lũ quét, sạt lở đất tại một địa điểm, tại con suối, sườn núi, ngoài việc cần xác định được lượng mưa đã xuất hiện và dự báo sẽ xảy ra chi tiết theo không gian, thời gian trên khu vực đó, quan trọng là còn cần phải xác định được các thông tin nền về điều kiện sinh lũ quét và sạt lở đất như địa hình, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, đặc điểm thảm phủ, độ ẩm, mức độ bão hòa, ngưỡng mưa sinh lũ quét và sạt lở đất, các hoạt động KT- XH, dân sinh như giao thông, khai thác mỏ, xây dựng, phân bố dân cư...
Trên thực tế hiện nay, các thông tin nền cần thiết này thuộc phạm vi quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương, cụ thể như thông tin chi tiết về lớp phủ, biến động rừng, khai thác lưu vực thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cung cấp; thông tin chi tiết về giao thông, cầu, đường thuộc phạm vi quản lý của ngành giao thông vận tải; thông tin chi tiết về kinh tế, xã hội, dân sinh, phân bố dân cư thuộc phạm vi quản lý của ủy ban nhân dân các cấp; các thông tin này còn phải đảm bảo được tính cập nhập liên tục theo thời gian và chi tiết đến từng địa điểm.
Sạt lở đất tại Trà Leng, Bắc Trà My |
"Kể cả khi dự báo chính xác và chi tiết được lượng mưa (ví dụ dự báo mưa định lượng đến ô lưới 1 x 1km như các nước tiên tiến) thì vẫn chưa đủ để có thể dự báo chính xác được lũ quét và sạt lở đất, nếu thiếu và chưa xác định kịp thời được các thông tin chi tiết nền như đã nêu ở trên.
Điển hình như Nhật Bản là một nước phát triển, có trình độ khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, có hệ thống quan trắc tự động mật độ rất cao (2 - 5km2/trạm), có hệ thống vệ tinh và ra đa dày đặc, bao trùm lãnh thổ, có hệ thống mô hình hiện đại dự báo mưa chi tiết với độ phân giải 1 x 1km cũng thường xuyên bị thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất do không thể cảnh báo chính xác trước" - ông Thái thông tin.
Mới cảnh báo được tới cấp huyện
Chỉ trong 20 ngày, miền Trung hứng chịu tới 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới khiến mưa chồng mưa, lũ chồng lũ. Nhiều dòng sông xuất hiện lũ lớn nhất trong lịch sử như sông Kiến Giang của tỉnh Quảng Bình, sông Thạch Hãn, sông Hiếu của tỉnh Quảng Trị. Nhiều khu vực bị sạt lở khiến nhiều người bị thiệt mạng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn phân tích, cảnh báo sạt lở đất dựa trên nhiều yếu tố, trong đó yếu tố tĩnh là địa hình địa mạo, cấu trúc địa chất, yếu tố động là tác động của mưa, động đất... Càng có nhiều thông tin, càng thăm dò, khảo sát chi tiết thì càng dự báo được chính xác.
Sạt lở đất tại Hướng Hóa (Quảng Trị) |
"Nếu chỉ điều tra bên ngoài mà không xem đến các hang, thậm chí các hang khai thác khoáng sản, nó thành hang chết, nước vào trở thành bị phong hóa. Những vụ sạt lở như vừa giờ đều là nổ từ bên trong ra. Muốn làm chi tiết thì phải điều tra được hết cả những hang đó. Về cảnh báo sạt lở đất, tôi cho rằng còn nhiều khó khăn. Ngành địa chất cần đi khảo sát, có đủ số liệu mới làm được" - ông Thái nói.
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là đơn vị được giao thực hiện điều tra, khảo sát, thăm dò các thông số về địa chất để đưa ra cảnh báo về sạt lở đất. Thời điểm hiện tại, dự án này mới hoàn thành được việc cảnh báo tại các tỉnh miền núi phía Bắc và cảnh bảo tới cấp xã; việc cảnh báo được thực hiện trước từ 3-6 giờ trên diện chứ không thể cảnh báo điểm, không thể biết tại ngọn đồi nào, tuyến đường nào, khu vực nào vào thời điểm nào có thể sạt lở đất đá.
Tại các khu vực còn lại, công tác cảnh báo sạt lở đất mới cảnh báo được tới cấp huyện, chưa cảnh báo được tới cấp thôn, xóm.
Từ tháng 5/2018, khi Tổng cục Khí tượng Thủy văn yêu cầu Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp cung cấp thông tin, cử cán bộ sang trực dự báo cùng với cơ quan khí tượng, trong các bản tin dự báo khi đó mới có thêm thông tin cảnh báo về sạt lở đất.
TS. Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xác nhận, chưa thể dự báo sạt lở đất đá. Việc cảnh báo được thực hiện trước từ 3-6 giờ trên diện chứ không thể cảnh báo điểm, không thể biết tại ngọn đồi nào, tuyến đường nào, khu vực nào vào thời điểm nào có thể sạt lở đất đá.
Sạt lở núi ở Hà Tĩnh, phát 7 lệnh sơ tán dân khẩn cấp
Mưa to dồn dập ở Hà Tĩnh, đã khiến một số khu vực bị ngập lũ. Ở huyện Cẩm Xuyên xảy ra sạt lở núi tại 2 xã, địa phương này vừa ban hành 7 lệnh sơ tán dân khẩn cấp.
Kiên Trung
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét