Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Đề xuất người ngoài quân đội, công an tham gia gìn giữ hòa bình LHQ

Quốc hội chiều ngày 24/10 họp trực tuyến, nghe tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LLGGHB LHQ).

Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng tham gia LLGGHB LHQ gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ thuộc Bộ Công an được cử tham gia. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia LLGGHB của LHQ.

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc  phòng cho biết từ 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ LLGGHB LHQ tại các phái bộ.

Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc QĐND Việt Nam tham gia LLGGHB (quân số khoảng 320 người).

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề.

Thực hiện đề án CAND tham gia LLGGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực chuẩn bị lực lượng. Bộ Công an đã cử 10 lượt cán bộ tham gia các khóa của LHQ về đào tạo sĩ quan cao cấp, kỹ năng quản lý, lập kế hoạch, đào tạo ngoại ngữ, tập huấn nghiệp vụ GGHB....

Thảo luận về vấn đề này, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nhất trí thông qua nghị quyết tại kỳ họp lần này, ông cho biết thêm theo LHQ xác định LLGGHB bao gồm những người lính và những cảnh sát dân sự và các dân thường khác. Ông đặt vấn đề về sự khác nhau khi tổ chức bộ máy của phái bộ LHQ có bộ phận cảnh sát dân sự, trong khi công an, cảnh sát của Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) bày tỏ sự đồng tình cao với Nghị quyết khi Chính phủ, Quốc hội đã cân nhắc thận trọng trong việc xác định việc tham gia của lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường, bất ổn, bất định của thế giới, những thách thức mới, tình huống mới đối với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển thì sẽ làm nảy sinh những yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với các hoạt động của LLGGHB LHQ.

{keywords}
Đại biểu Lý Tiết Hạnh phát biểu tại điểm cầu Bình Định

Việt Nam với những ưu thế, vị thế, uy tín, kinh nghiệm cũng cần phải đặt ra nhiệm vụ phải chủ động tham gia, đảm nhiệm các nhiệm vụ trong tình hình mới, vì vậy nữ ĐB đề xuất cần cân nhắc là bên cạnh lực lượng vũ trang thì xem xét có quy định về việc mở rộng thêm một số đối tượng, lực lượng để đào tạo, huấn luyện sẵn sàng đáp ứng, chủ động tham gia khi có yêu cầu.

Mở rộng chính sách với người tham gia LLGGHB

Về chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân tham gia GGHB, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng cần quan tâm thêm vì lực lượng này phải đến những địa bàn rất khó khăn, thậm chí còn nguy hiểm đến cả tính mạng.

"Chính vì vậy, ngoài những chế độ chính sách mà LHQ cho các cán bộ chiến sĩ được hưởng, Việt Nam cũng có thêm những chế độ, chính sách khác nữa cho anh em thì rất tốt", ông Cương đề xuất.

Phân tích thêm, ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho biết theo dự thảo Nghị quyết trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn và hy sinh, từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét giải quyết chế độ, chính sách bệnh binh, thương binh, liệt sĩ theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của LHQ.

Ông Mai cho rằng quy định như trên chưa đầy đủ và chưa chặt chẽ: "Chưa đầy đủ tức là không phải chỉ có chế độ thương binh, liệt sĩ mà còn các chế độ khác nữa thì chúng ta không quy định, ví dụ như các chế độ về bảo hiểm, các chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng,..."

{keywords}
ĐB Nguyễn Hoàng Mai

ĐB tỉnh Tiền Giang đề nghị cần quy định rộng hơn, sửa lại thành: "Trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của LHQ". 

Giải trình về các vấn đề trên, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết dự thảo Nghị quyết quy định các lĩnh vực tham gia gồm: tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, thông tin liên lạc, công binh, quân y, cảnh sát. Đây là những lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện, khả năng và nguồn lực để tham gia.

Trên thực tế, Việt Nam đã và đang tham gia các lĩnh vực tham mưu, hậu cần, quân y, quan sát viên quân sự. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đều khẳng định năng lực và hiệu quả, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Hiện nay, LHQ đang tiếp tục đề nghị Việt Nam cử thêm lực lượng và mở rộng sang các lĩnh vực khác như công binh, cảnh sát, quan sát viên và giám sát bầu cử.

Về kinh phí và chế độ chính sách, Việt Nam chính thức tham gia LLGGHB LHQ từ năm 2014, tuy nhiên, hiện nay chưa được bố trí nguồn ngân sách riêng để triển khai nhiệm vụ này.

Kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và tuân thủ theo Luật Ngân sách nhà nước nên không thể chi cho nhiệm vụ này được. Vì vậy, dự thảo nghị quyết quy định ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho lực lượng tham gia GGHB LHQ nhằm tạo cơ sở pháp lý để bố trí nguồn lực cho hoạt động này theo đúng quy định.

Mặt khác, theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch dự thảo Nghị quyết quy định lực lượng trực tiếp và gián tiếp  được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất nhiệm vụ và đặc thù hoạt động theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh từ trần,... trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và của LHQ.

Về chính sách cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng xin tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và đề nghị giao cho Chính phủ quy định. 

Thành Nam

Điều đặc biệt của vợ chồng sĩ quan Việt đầu tiên đi gìn giữ hòa bình

Điều đặc biệt của vợ chồng sĩ quan Việt đầu tiên đi gìn giữ hòa bình

Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan có 2 quân nhân đặc biệt, đó là cặp vợ chồng đại úy Lê Hồng Thanh (36 tuổi) và Lê Thị Hồng Vân (32 tuổi).



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét