Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

Đại tá 25 năm miệt mài nâng bước trẻ mồ côi trở thành tiến sĩ, cử nhân

25 năm qua, đại tá Phạm Xuân Sanh (phường Bình Hiên, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn miệt mài giúp đỡ học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn chắp cánh ước mơ với con chữ.

Căn nhà nhỏ treo kín bằng khen nằm trên đường Trưng Nữ Vương (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) lọt thỏm dưới những tòa nhà cao tầng, đây là nơi đại tá Sanh và gia đình đang sinh sống.

Tiếp chúng tôi với nụ cười hiền hậu, ông Sanh kể, trước khi về công tác ở Quân khu 5, suốt thời kỳ chống Mỹ với cương vị là Đội trưởng Đội đặc công Mặt trận 4 Quảng Đà ông đã tham gia hàng chục trận đánh.

Sau thời gian phục vụ quân ngũ, năm 1990, ông về hưu và tham gia công tác tại địa phương với nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam của phường.

{keywords}
Đại tá Phạm Xuân Sanh

Lý do thôi thúc "tiếp sức" cho trẻ mồ côi....

Mong muốn giúp các hoàn cảnh kém may mắn, năm 1995, ông thành lập Trung tâm Huynh đệ bảo trợ trẻ em mồ côi Bình Hiên và đã kết nối được với Hội Huynh đệ Á-Âu (tại Pháp) vận động tổ chức này “tiếp sức” cho các em mồ côi được đến trường.

Ông Sanh chia sẻ, các em học sinh mồ côi cha, mẹ sẽ được người đỡ đầu ở Pháp hỗ trợ chi phí học đến hết bậc đại học, cao học và học nghề sau khi tốt nghiệp THPT.

“Những năm đầu tôi vận động các nhà hảo tâm ở Pháp giúp được 40 cháu. Mỗi cháu được hỗ trợ từ 400.000 đến 700.000 đồng/tháng, tùy điều kiện của người đỡ đầu.

Năm 2004, trung tâm mở rộng địa bàn nên đổi tên thành Trung tâm Huynh đệ quận Hải Châu và duy trì từ đó đến nay. Dù mang tên quận Hải Châu nhưng các cháu ở các quận, huyện khác của thành phố đủ điều kiện vẫn được hỗ trợ”, ông Sanh cho biết.

{keywords}
Những hình ảnh tư liệu của trung tâm được ông Sanh lưu giữ cẩn thận

Ông tâm sự, đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh mồ côi cha, mẹ rơi vào con đường lầm lỡ khi không được cưu mang, định hướng đúng. Chính điều đó đã thôi thúc bản thân ông chưa muốn nghỉ ngơi, giúp đỡ các em trưởng thành.

“Giúp được các cháu là chia sẻ bớt gánh nặng với xã hội. Tôi luôn tâm nguyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các cháu cho đến khi nào mình không thể làm được nữa thì thôi..”, ông Sanh nói.

Nhiều trẻ thành đạt

Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã hỗ trợ 186 học sinh đến trường. Trong đó có 70 trường hợp đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, có người được qua Pháp học đại học.

“Ở trung tâm không giới hạn việc học, nếu các cháu có nguyện vọng học vấn cao hơn vẫn được hỗ trợ. Hiện tại phần lớn các cháu sau ra trường đều có công việc ổn định. Trong đó, có một người là tiến sĩ đang công tác ở Bộ Ngoại giao, 2 thạc sĩ. Một số cháu bây giờ làm giám đốc, phó giám đốc các công ty.

Khi ra trường, có công việc ổn định nhiều cháu đã quay trở lại giúp đỡ các em trong trung tâm đang đi học..” ông Sanh vui mừng và cho biết đây chính là động lực để ông không mệt mỏi làm bệ đỡ gieo hoài bão cho các em.

{keywords}
Miệt mài 25 năm “đưa đò” ông Sang đã giúp trẻ mồ côi trở thành tiến sĩ, cử nhân

Không chỉ giúp đỡ việc học, ông Sanh cho biết, mới đây có hai người sau khi học nghề lái xe xin vào chạy taxi nhưng không có điều kiện để đóng tiền ký quỹ để vào làm. Không muốn các cháu lỡ mất công việc, ông liên hệ với tổ chức từ thiện hỗ trợ luôn kinh phí.

Mồ côi cha, mẹ bị mù, Lê Minh Tuấn (23 tuổi, trú phường Bình Hiên) được cưu mang từ khi mới vào lớp 1. Đến nay, Tuấn đã là chàng sinh viên năm 4 của Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng.

Không chỉ được hỗ trợ tiền hàng tháng, năm đầu khi bước vào đại học, cậu sinh viên được người đỡ đầu tặng một chiếc máy tính gửi về từ Pháp để hỗ trợ việc học.

“Nhờ có trung tâm giúp đỡ em mới được đến trường, đi học đến bây giờ. Bản thân em luôn tự hứa phải cố gắng học tốt để không phụ lòng bác Sanh, cùng những người đã giúp em có được như ngày hôm nay”, Tuấn tâm sự.

Nhận bằng khen của Thủ tướng

Không dừng lại ở việc giúp đỡ các em học sinh mồ côi, hàng năm ông Sanh trích lương hưu, vận động các đảng viên, nhà hảo tâm giúp đỡ những gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo.

Bên cạnh đó, dù tuổi đã cao nhưng ông không quản ngại vất vả, cùng đồng đội trở về chiến trường xưa để tìm thông tin và hài cốt các liệt sĩ.

{keywords}
Năm 2019, ông Sanh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen

“Khu dân cư nơi tôi sinh sống, hơn 20 năm nay, năm nào cũng tổ chức ngày Thương binh - Liệt sĩ và tặng quà cho các gia đình chính sách. Các hộ nghèo, cận nghèo cũng được tặng quà vào mỗi dịp Tết. Giúp được cái gì thì tôi luôn sẵn sàng, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, ông bày tỏ.

Với những gì đã làm, ông Sanh được trao tặng nhiều bằng khen. Trong đó, năm 2018, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang “Vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Năm 2019, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen “Vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2019.

Tại Đại hội thi đua yêu nước Đà Nẵng lần thứ 5 mới đây, ông Sanh được Chủ tịch UBND TP tặng bằng khen “Vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước” giai đoạn 2015-2020.

Bà Lê Thị Bích Loan, Bí thư Đảng ủy phường Bình Hiên cho biết, cựu chiến binh Phạm Xuân Sanh là tấm gương tiêu biểu trong “Học tâp và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Dù tuổi đã cao nhưng ông luôn tham gia năng nổ, nhiệt tình cùng với địa phương, là một đảng viên rất gương mẫu, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, là hội viên Hội Cựu chiến binh luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội cụ Hồ”, bà Loan cho biết.

Hồ Giáp

Cụ bà 70 tuổi còng lưng nhặt ve chai nuôi 4 đứa cháu mồ côi

Cụ bà 70 tuổi còng lưng nhặt ve chai nuôi 4 đứa cháu mồ côi

Điều cụ Đỗ Thị Tùy lo lắng nhất bây giờ là nếu một ngày mình không còn khả năng lao động, hoặc không may mất đi, 4 đứa cháu mồ côi tội nghiệp của bà sẽ ra sao?



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét