Vấn đề nâng khống thiết bị y tế ở CDC địa phương nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng nay.
Thảo luận tại Quốc hội hôm nay (26/10), các ĐBQH bày tỏ sự đồng tình về báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Theo ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) báo cáo thẩm tra cho biết, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, cá biệt có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan, tổ chức có chức năng phòng, chống dịch lại có hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế.
Kết quả điều tra vụ án xảy ra CDC Hà Nội cho thấy các can phạm đã nâng khống giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần giữa lúc cơn đại dịch đang bùng phát rất mạnh, đang được các cơ quan chức năng hoàn tất các trình tự thủ tục ở giai đoạn cuối cùng.
Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn. |
Tuy nhiên, theo ông Sơn điều đáng quan tâm và cần được điều tra làm rõ có hay không việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế trong vụ việc này hình thành một mặt bằng giá thiết bị y tế để đẩy các CDC của các địa phương vào tình trạng buộc phải mua với giá "cắt cổ", vì không còn con đường nào khác.
"Vậy những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người? Tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát để điều tiết, để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, để cho dân nhờ", ĐBQH đặt vấn đề.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng phản ánh việc cử tri lên án gay gắt và đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật khi các đơn vị chức năng mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế nâng khống, trục lợi từ chính sách xã hội hóa về dịch vụ khám, chữa bệnh.
Ông cũng đánh giá, tình trạng lợi dụng khó khăn do thiên tai, bão lụt để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, gian lận thương mại các mặt hàng thiết yếu, hưởng lợi trên sự đau khổ của nạn nhân, mà đa số trong số họ là những người đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Vô nhân đạo khi chiếm đoạt tài sản của người nhà nạn nhân lũ lụt
ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho hay trong những ngày cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và gần đây là nhân dân miền Trung oằn mình chống lũ, bên cạnh những tấm gương thiện nguyện có những kẻ mạo danh từ thiện, lợi dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
"Vô nhân đạo hơn là chiếm đoạt tài sản của chính cả người nhà của các nạn nhân lũ lụt, gây bức xúc trong dư luận và trong nhân dân", ông Sỹ nêu.
Đinh Công Sỹ phát biểu tại phiên thảo luận. |
Hiện tượng phản ánh không chính xác các sự kiện, các vụ việc được phát tán trực tuyến với những hình ảnh và lời bình sai lệch, dẫn dắt dư luận theo ý đồ riêng đã diễn ra khá nhiều.
"Có rất nhiều hình ảnh gán ghép lời bình không đúng sự thật về sự tham gia của lực lượng công an, bộ đội và các lực lượng chức năng các địa phương tham gia phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống lũ, gây ra sự nhìn nhận chưa đúng, đánh giá thiếu khách quan của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội với các cơ quan, tổ chức và các cá nhân", ông Sỹ dẫn chứng.
Nguy hiểm hơn, các thông tin dạng này được lan truyền và chia sẻ vô cùng nhanh chóng, với nhiều lời bình luận tiêu cực, thiếu tính xây dựng, gây hoang mang trong xã hội. Các loại hành vi này không đơn thuần là phản ánh sai, dẫn dắt người xem có nhận định sai lệch về các vấn đề, mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự.
Theo ĐB trong báo cáo của Chính phủ đánh giá về tội phạm và vi phạm pháp luật cũng như các giải pháp để giảm, đấu tranh với nhóm tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực này cần phải được đề cập thêm.
Ông cho rằng, cùng với những biện pháp nghiệp vụ của Bộ Công an, rõ ràng là chưa đủ, không thể xử lý tận gốc được các vi phạm trong lĩnh vực viễn thông, tin học. Theo thống kê trong 9 tháng qua, cả nước xử phạt hành chính 188 vụ với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng.
ĐBQH tỉnh Sơn La cho rằng với mức xử phạt này chưa tương xứng với những hậu quả về mặt xã hội cũng như hậu quả về mặt tinh thần gây ra cho cộng đồng hay cá nhân.
Phát biểu cùng vấn đề, ĐBQH Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) thông tin tại Việt Nam, với số lượng người sử dụng internet là hơn 68 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số, nhưng sự hiểu biết về bảo mật thông tin cá nhân còn hạn chế.
Chế tài hiện hành xử lý hành vi đánh cắp thông tin dữ liệu cá nhân cũng chưa đủ sức răn đe, nên đã xuất hiện các hành vi thu thập, sử dụng, mua bán thông tin cá nhân. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhiều người, dẫn tới nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
"Gần đây là vụ việc vợ nạn nhân vụ Rào Trăng 3 bị lừa mất 100 triệu đồng trong và khoản hay vụ việc 3 ngân hàng BIDV tại Phú Thọ đã bán thông tin của 50 công ty, doanh nghiệp cho nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hay sự cố rò rỉ 2 triệu dữ liệu khách hàng của một ngân hàng mà báo chí đã đưa tin và còn rất nhiều vụ việc khác nữa đã xảy ra", ĐBQH dẫn chứng.
ĐBQH bày tỏ sự đáng lo ngại và cho biết cử tri Hà Nội, Lâm Đồng đã có kiến nghị Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp bảo mật thông tin cá nhân của người dùng.
Thành Nam
Hủy 716 quyết định tạm giữ thiếu căn cứ, trái phép luật trong năm 2020
Quốc hội hôm nay (26/10) thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; các báo cáo về phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét