Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

Sợ mất 40 triệu, hỏi uống rượu bia bao lâu thì hết nồng độ cồn

Từ 1/1/2020, tài xế có nồng độ cồn bị xử phạt vi phạm hành chính. Vậy sau khi uống rượu bia bao nhiêu thời gian, người uống mới thải hết nồng độ cồn?

Luật Phòng chống tác hại rượu bia quy định người điều khiển phương tiện kể cả điều khiển xe đạp, xe máy có nồng độ cồn sẽ bị xử phạt. Mức phạt quy định rõ tại nghị định 100/2019 thay thế nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1/1/2020.

Một tài xế vừa bị phạt 40 triệu và tước giấy phép lái xe gần 2 năm đặt câu hỏi: "Tôi uống từ trưa mà tới chiều vẫn còn nồng độ cồn. Vậy không biết tới bao giờ thì mới hết để không bị phạt?"

Có ý kiến cho rằng, điều này phụ thuộc vào lượng rượu, bia uống vào. Tuy nhiên thông thường sau khi uống từ 6 - 12h, nồng độ cồn vẫn có thể đo được trong máu, sau 12 - 24h nồng độ cồn vẫn đo được trong khí thở. Sau 36h vẫn đo được trong nước tiểu…
 
Một vài ý kiến cho rằng, hiện nay CSGT kiểm tra nồng độ cồn dựa trên phương pháp đo qua ống thở, do vậy, 24h sau khi uống vẫn có thể bị phát hiện có nồng độ cồn và đương nhiên nếu điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt.

{keywords}
Kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, Phó chánh văn phòng UB An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho rằng, để quy định cụ thể định lượng rượu bia tương ứng với thời gian nồng độ cồn trở về bằng 0 sẽ rất khó. Bởi, thời gian phụ thuộc vào cơ địa, khả năng đào thải của mỗi người.
 
“Thực tế có người cơ địa đào thải tốt, chỉ 12h là không còn nồng độ cồn, nhưng có người sau 24h vẫn còn. Do vậy đưa ra khuyến cáo để người dân định lượng tham khảo chung, quan trọng nhất vẫn là cảm nhận của cơ thể mỗi người. 

Theo ông Minh, việc xử phạt nồng độ cồn cần hết sức thận trọng. Các cơ quan chức năng nên có hướng dẫn quy định theo dạng khuyến cáo định lượng như uống một cốc bia thời gian bao nhiêu sẽ hết nồng độ cồn để người dân định lượng. Như tại Mỹ họ quy định rõ sau khi uống rượu bia phải 36h sau tài xế chuyên nghiệp mới được lái xe.

Một chuyên gia giao thông cho rằng, UB An toàn giao thông quốc gia cần yêu cầu Bộ Y tế (phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới) và Bộ GTVT cung cấp chỉ số định lượng rượu bia đối với nam và nữ thông thường trong thời gian bao lâu sẽ hết nồng độ cồn để người dân biết để thực hiện.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc đưa ra định lượng tương ứng với thời gian nồng độ cồn trở lại bằng 0 là cần thiết nhưng không thể áp dụng chính xác hoàn toàn với tất cả mọi người.

Quan trọng nhất vẫn là người uống rượu bia phải biết được thời điểm mình tỉnh táo hoàn toàn và có thể điều khiển phương tiện đảm bảo an toàn.

"Đây không phải là vấn đề quá khó khăn vì trước khi áp dụng với người điều khiển xe đạp, xe máy có nồng độ cồn bị xử phạt thì Luật Giao thông đường bộ đã áp dụng xử phạt với người có nồng độ cồn điều khiển ô tô", ông Thanh nói.

Ăn trái cây cũng có thể "dính" nồng độ cồn
 
Ngoài băn khoăn về thời gian để nồng độ cồn trở lại bằng 0 sau khi sử dụng rượu bia, một vài ý kiến lo ngại ăn trái cây (sầu riêng, vải, chôm chôm…) lên men cũng có nồng độ cồn. Nếu đúng theo quy định thì người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt.

Vị Phó chánh văn phòng UB An toàn giao thông quốc gia cho hay, đúng là có một số loại hoa quả và một số loại nước súc miệng khi sử dụng có lên men và có nồng độ cồn nhất định, tuy nhiên mức độ rất thấp.

“Ăn trái cây, dùng nước súc miệng có lên men không ảnh hưởng nhiều đến an toàn lái xe, nếu theo quy định cứ có nồng độ cồn sẽ phạt liệu có hà khắc quá không? Việc này phải rà soát đánh giá thận trọng”, ông Minh nhìn nhận.

Vị này cũng cho rằng, mục tiêu chính là xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn để làm sao chấm dứt tình trạng uống rượu bia vẫn lái xe, nhưng trong quá trình thực hiện phát sinh vấn đề gì cũng cần sơ kết, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Dọa gọi bộ trưởng, dứt khoát không cho đo nồng độ cồn

Dọa gọi bộ trưởng, dứt khoát không cho đo nồng độ cồn

Ông L.H.H. (SN 1953, ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) xưng là tiến sĩ, làm vụ trưởng ở Bộ GD-ĐT và 'dọa' gọi cho Bộ trưởng.

Vũ Điệp



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét