Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

‘Văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ’

GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh, trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước.

Tại hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã phát biểu tham luận mang tên "Văn hóa - con người nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam".

Theo ông Vũ Minh Giang, văn hóa là tất cả những gì do một cộng đồng (dân tộc) sáng tạo nên trong quá trình lịch sử, nhưng không đồng nhất với lịch sử. Văn hóa là tổng hòa những giá trị đã được kết tinh, trở thành bản sắc, là nền tảng tinh thần của một cộng đồng, phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Đó là những giá trị trường tồn. 

{keywords}
GS.TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh: VGP

Ông cho hay, có thể coi văn hóa là căn cước của một cộng đồng, nhưng bao giờ cũng có hai hợp phần nội sinh và ngoại sinh (tiếp thu được từ bên ngoài, biến thành cái của mình).

Một trong những đặc điểm nổi bật của Việt Nam là nằm ở vị trí giao tiếp có tầm chiến lược cực kỳ quan trọng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của những toan tính bên ngoài. Chính vì vậy, Việt Nam luôn luôn bị xô đập bởi các biến cố khu vực và thế giới. Tính cách dễ thích ứng và nhạy cảm phần nhiều được hình thành do tác động của yếu tố này. Điều này cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc. 

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho hay, khi ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Trung ương đã nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém.

Chính vì vậy, khi đánh giá, Bộ Chính trị đã đưa ra những kết luận hết sức quan trọng. Theo đó, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh…

Tinh thần dân tộc cao là động lực thúc đẩy dân tộc vươn tới đỉnh cao

Theo ông, cùng với đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, cũng phải đánh giá đúng và thấy hết những khó khăn khi khai thác các nguồn lực văn hóa.

Trước hết, đó là những trở ngại trước các thói quen, tập tính và hạn chế của cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, mà một trong những nhược điểm lớn, gây rất nhiều hậu quả tai hại là không có thói quen nhìn xa, là tâm lý “ăn xổi”. 

Suy cho cùng, thói quen này cũng là biểu hiện của những tàn dư lịch sử, nằm trong di tồn văn hóa. Nếu không có nhận thức thật sâu sắc để có biện pháp khắc phục hữu hiệu thì đây là một cản trở lớn cho sự phát triển. 

Một trong những hạn chế khác của di tồn văn hóa có hại cho sự phát triển là tâm lý bình quân cào bằng. Quan niệm “dàn hàng ngang mà tiến” hay “xấu đều hơn tốt lỏi” đôi khi là những yếu tố cần thiết để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, mặt trái chính là tâm lý ghét sự vượt trội - một biểu hiện của tâm lý bình quân. Trong phát triển nói chung, đây là yếu tố có sức cản vô cùng mạnh mẽ...

GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh, trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước, để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. 

Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam.

Bên cạnh việc phát huy sức mạnh mềm, việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đến nay, những di sản này chưa được khai thác hiệu quả; mới chỉ được giữ gìn theo cách bảo quản và đôi khi được tôn tạo bằng những khoản kinh phí rất hạn chế.

Ông cũng khẳng định, tinh thần dân tộc cao sẽ là động lực và sức mạnh thúc đẩy một dân tộc vươn tới đỉnh cao. Vấn đề đặt ra hiện nay cho Việt Nam là làm thế nào để động viên được cao nhất sức mạnh này cho công  cuộc xây dựng đất nước và cạnh tranh quốc tế.

Hương Quỳnh

Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư tại hội nghị văn hóa toàn quốc xem TẠI ĐÂY.

Tổng Bí thư: Đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa

Tổng Bí thư: Đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét