Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Nhiều người bỏ xe cá nhân, mua vé tháng đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông

Kể từ khi đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức bán vé đến nay, thống kê cho thấy mỗi ngày tăng từ 5-10% lượng người mua vé tháng

Ghi nhận tại các ga Cát Linh, Yên Nghĩa, Văn Quán, Thượng Đình... sau khi đường sắt đô thị tiến hành bán vé thương mại, người mua vé đi tàu khá đông. Nhiều người đã chọn mua vé tháng để đi lại hàng ngày.

Có mặt tại ga Yên Nghĩa từ 7h sáng hàng ngày đi làm, chị Trần Thị Nhàn (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, khi tàu điện Cát Linh - Hà Đông chạy miễn phí 15 ngày đầu chị đã có dịp trải nghiệm và nhận thấy, đi lại rất thuận tiện. Chính vì vậy, khi đường sắt đô thị bán vé chị đã quyết định bỏ xe máy, mua vé tháng để đi làm bằng tàu điện từ nhà tới cơ quan ở khu vực Giảng Võ.

“Từ nhà đi bộ ra ga Yên Nghĩa chưa đến 10 phút nên tôi chọn phương tiện trên đi làm hàng ngày. Đi tàu điện thuận tiện, không có chuyện tắc đường như đi xe máy. Giá vé đi tàu so với đi phương tiện cá nhân cũng rẻ hơn nhiều”, chị Nhàn bày tỏ.

{keywords}
Lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông khá đông sau khi chính thức bán vé

Là một trong những khách mua vé tháng tại ga Hà Đông, anh Trần Văn Cường ở phố Quang Trung (quận Hà Đông) chia sẻ, từ khi tuyến tàu điện này bắt đầu chở khách miễn phí, anh đã chọn làm phương tiện đi làm, thay vì đi ô tô cá nhân như trước.

Theo anh Cường, nhà cách ga Văn Khê chưa đầy 300m, trong khi cơ quan anh cách ga La Thành chỉ gần 1km, nên việc đi lại bằng tàu điện rất thuận tiện.

Sáng anh Cường chỉ mất chưa đầy 4 phút là ra đến ga tàu điện. Từ điểm dừng đến cơ quan chỉ mất thêm chưa đầy 10 phút nên anh chọn cách này vì thuận tiện và nhất là giảm chi phí.

Không chỉ với những người ở gần tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bỏ xe cá nhân đi tàu điện, ngay cả những người cách tuyến tàu điện đến 5-7km cũng chọn phương án tiếp cận kết nối với tàu điện qua xe cá nhân.

Anh Lê Văn Hoàng ở đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) cho biết, nhà anh cách ga Cát Linh khoảng 3km, nhưng 2 tuần qua, ngày nào anh cũng đi xe máy đến đây gửi để đi tàu điện tới cơ quan tại đường Quang Trung (quận Hà Đông) làm việc.  

{keywords}
Nhiều người bỏ xe cá nhân, mua vé đi tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Anh Hoàng cho biết, quá ngán ngẩm với cảnh ùn tắc liên miên ở đường Nguyễn Trãi, Tố Hữu, Ngã Tư Sở... nên khi tàu điện Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác thương mại, anh chọn phương án đi tàu ngay.

“Với tôi, rõ ràng đi đường sắt đô thị tiết kiệm được cả về kinh tế và thời gian. Về mặt xã hội, đi tàu điện an toàn, văn minh hơn, không phải chịu áp lực tắc đường, ô nhiễm môi trường”, anh Hoàng nhìn nhận.

Lượng khách mua vé tháng tăng 5-10%

Trao đổi với VietNamNet, Giám đốc Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, trong 15 ngày tàu chạy miễn phí đã có hơn 380.500 hành khách đi tàu; bình quân mỗi ngày 25.360 hành khách.

Ngày đầu tiên bán vé (21/11) là ngày cuối tuần, có 25.320 hành khách đi tàu, tương đương với bình quân 15 ngày chạy miễn phí. 

Từ đó đến nay là ngày đi làm, lượng khách ổn định bằng 50-60% những ngày cuối tuần.

{keywords}
Ga Yên Nghĩa (Hà Đông) khoảng 7h sáng, hành khách chờ tàu còn khá vắng.

Trong 5 ngày đường sắt đô thị chính thức bán vé, mỗi ngày tăng từ 5-10% lượng người mua vé tháng. Đây chính là mục tiêu của tuyến đường sắt đô thị khi đưa vào khai thác, góp phần hạn chế đi lại bằng xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.

Để tạo điều kiện cho hành khách thuận tiện tiếp cận đi tàu điện, Hà Nội bố trí điểm trông giữ xe tại các ga, trong đó tại ga Cát Linh và Yên Nghĩa (chiếm 52% đi lại) đã bố trí bãi đỗ xe riêng. Các ga còn lại đã và đang được Sở GTVT bố trí điểm đỗ xe thuận tiện nhất cho khách đi tàu.

Ngoài ra, để tăng cường kết nối, tạo thuận lợi cho khách đi tàu, Hà Nội bố trí hơn 50 tuyến buýt dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông với các điểm dừng đỗ gần các ga lên xuống. Con số này bằng gần 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội. 

Không nên quá kỳ vọng ở 1 tuyến đường sắt đô thị

Khẳng định đối tượng của đường sắt đô thị hướng tới là những người đi lại thường xuyên vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc, ông Trường cho rằng, mỗi phương thức vận tải đô thị chỉ đáp ứng một số đối tượng nhất định. Vì vậy, một tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông không thể giải quyết được tất cả vấn đề mà cần có cả một hệ thống.

Tuy nhiên, với việc lượng khách đi tàu khá ổn định và có xu hướng người mua vé tháng tăng, có thể xem là tín hiệu đáng mừng về giao thông công cộng. 

{keywords}
Không thể trông chờ một tuyến đường sắt đô thị sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông Hà Nội 

Ông Trường nói rõ, chỉ khi nào hình thành mạng lưới đường sắt đô thị hoàn chỉnh mới giải quyết được căn cơ những vấn đề đặt ra của giao thông đô thị ở các thành phố lớn.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức Vũ Anh Tuấn đánh giá, đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đưa vào vận hành khai thác, cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng về thay đổi phương thức đi lại tại Hà Nội. 

Đây mới chỉ là một tuyến đơn độc nên chưa hình thành mạng lưới xương sống đường sắt đô thị. Khi nào Hà nội hình thành được mạng lưới phương tiện công cộng nhanh, sức chở lớn cơ bản với 5 - 6 tuyến đường sắt đô thị, khi đó lượng khách đi trên mỗi tuyến sẽ tự tăng nhanh chóng.  

10 năm dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông

10 năm dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông

Sau 10 năm khởi công xây dựng, đến nay Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đã được Hội đồng kiểm tra Nhà nước đồng thuận kết quả nghiệm thu, đưa vào khai thác.

Vũ Điệp - Đình Hiếu 



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét