Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Thủ tướng: Nhật bản có thế mạnh, Việt Nam có cơ hội để hợp tác phát triển

Trong ngày làm việc cuối cùng của chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản diễn ra tại Tokyo vào sáng 25/11.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về nội dung cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào chiều qua, hai bên đã thống nhất ra Tuyên bố chung. Qua đó cho thấy, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản bước sang trang mới, nâng cao tầm quan hệ chiến lược sâu sắc của hai nước lên tầm mới.

Cơ hội xúc tiến đầu tư tốt hơn

“Đây là cơ hội để chúng ta tiến hành xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư tốt hơn”, Thủ tướng Việt Nam khẳng định trước hàng trăm nhà đầu tư Nhật Bản.

Lý giải về nhận định này, Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh gay gắt nhưng quan hệ chính trị 2 nước “chưa bao giờ tốt như hiện nay”.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính

"Tại hội nghị này, tôi cảm thấy không khí ấm áp, chân thành, sự tin tưởng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam sau 2 năm chia cắt do đại dịch", Thủ tướng bày tỏ.

Đối với Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, sự ổn định chính trị là hết sức quan trọng để doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh phát triển ý tưởng của mình; để doanh nghiệp đầu tư lâu dài với quy mô lớn, có tính chiến lược.

"Các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm, chúng tôi luôn luôn đảm bảo ổn định chính trị để các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh thuận lợi”, Thủ tướng nhắn nhủ.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng thông tin thêm về yếu tố phát huy giá trị con người Việt Nam, lấy con người làm trung tâm, vừa chủ thể, động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển.

“Các doanh nghiệp đều muốn đầu tư vào một nước có con người đáp ứng những mong muốn, mục tiêu, chiến lược lâu dài của mình. Người Việt Nam vừa cần cù, chăm chỉ, cầu thị, khiêm tốn tốn và luôn lắng nghe; có sự thông minh linh hoạt trong các điều kiện. Dân tộc chúng tôi càng khó khăn càng đoàn kết, tìm cách vượt qua. Mỗi lần vượt qua khó khăn, chúng tôi càng trưởng thành, khẳng định giá trị con người Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Ông chia sẻ thêm, Việt Nam kế thừa và phát triển quyền con người được Hiến Pháp 1946 quy định và càng ngày càng hoàn thiện trong điều kiện hội nhập quốc tế. Đại hội XIII của Đảng vừa qua, Việt Nam đưa vấn đề bảo vệ an ninh con người và đang từng bước cụ thể hóa trên thực tế.

“Các bạn đến đầu tư vào Việt Nam được bảo vệ quyền con người, an ninh của mình; được tạo cơ hội để thực hiện các ý tưởng, chiến lược của mình. Cơ hội đó thành công hay không còn phụ thuộc sự an toàn. Sự an toàn này chúng tôi thực hiện qua các chủ trương, chính sách”, Thủ tướng khẳng định ổn định chính trị, đảm bảo an ninh hết sức quan trọng.

Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi qua 3 khâu đột phá. Đó là hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực, đơn giản thủ tục hành chính; đột phá về hạ tầng cả phần cứng và mềm.

Kỳ vọng luồng đầu tư mới mạnh mẽ vào Việt Nam

Thủ tướng cũng chia sẻ, không phải chỉ có thuận lợi, thời cơ mà Việt Nam cũng có những khó khăn, thách thức. Đó là Việt Nam cũng phải đối mặt với những vấn đề toàn cầu như: Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, già hóa dân số.

“Những vấn đề này có tác động toàn dân. Vì vậy chúng ta phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân để đoàn kết chung tay vượt qua khó khăn, thách thức cùng nhau phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo ông, Việt Nam không nằm ngoài tác động của toàn cầu. Vì vậy, cùng nội lực của mình, Việt Nam cần sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam còn là nước đang phát triển nên có những khó khăn không giống như các nước phát triển.

{keywords}
Các đại biểu đoàn Việt Nam dự hội nghị
{keywords}
Doanh nghiệp Nhật bản chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

“Chúng tôi kêu gọi sự chia sẻ của những nước phát triển trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế đảm bảo hội nhập sâu rộng; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới sáng tạo; tranh thủ các nguồn tài chính, đặc biệt tài chính xanh cũng như công nghệ mới, xanh sạch để phát triển bền vững. Chúng tôi rất cần quản trị hiện đại, thông thoáng”, Thủ tướng nói. Ông mong các nhà đầu tư hỗ trợ Việt Nam những vấn đề này.

Về phần mình, Việt Nam đã và đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng tiêu cực, nhũng nhiễu mà thời gian qua đã và đang làm có hiệu quả.

“Chúng tôi kêu gọi sự chung tay, góp sức, đồng lòng vượt qua khó khăn trước mắt, hướng đến sự phát triển lâu dài, đặc biệt là có những chiến lược để cùng nhau phát triển. Nhật bản có thế mạnh, chúng tôi có cơ hội”, Thủ tướng nhắn nhủ đến các nhà đầu tư Nhật Bản.

Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh đến nền tảng tình cảm giữa 2 dân tộc, đất nước và nhân dân Việt Nam – Nhật Ban. Đặc biệt là sự chân thành qua quá trình làm việc; sự tin cậy qua quá trình hợp tác giữa hai bên ngày càng nâng lên.

“Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta cùng nhau hợp tác và chiến thắng”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Kết thúc phát biểu, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng sau hội nghị sẽ có nhiều hợp tác chặt chẽ, có luồng đầu tư mới mạnh mẽ vào Việt Nam. 

 Thu Hằng (Từ Tokyo, Nhật Bản)

Lời cam kết của Thủ tướng và cơ hội 'ăn nên làm ra' của doanh nghiệp nước ngoài

Lời cam kết của Thủ tướng và cơ hội 'ăn nên làm ra' của doanh nghiệp nước ngoài

“Doanh nghiệp Nhật Bản có thể yên tâm đầu tư lâu tại Việt Nam; “có vướng mắc gì không giải quyết được thì các ngài trực tiếp gửi thư đích danh cho Thủ tướng Chính phủ”.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét