Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cán bộ tham gia giám sát phải có bản lĩnh và sẽ có cách để giám sát những người đi giám sát, làm đến nơi đến chốn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Giám sát phát hiện sai phạm sẽ chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, giám sát là chức năng cơ bản của Quốc hội, được quy định trong Hiến pháp.
Để chuẩn bị cho chương trình giám sát năm 2022, ngay từ năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, lựa chọn các chuyên đề sát đúng nhất, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp. |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đã giám sát thì phải hiệu lực, hiệu quả. Muốn vậy, phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng từng vấn đề được giám sát; có phương pháp giám sát tổng hợp, chi tiết, khoa học, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay; phải huy động tổng lực các cơ quan chức năng tham gia thực hiện giám sát.
"Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong từng ngành, lĩnh vực. Có như vậy, sau giám sát, chúng ta mới hy vọng có thể tạo ra sự chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Về phương thức giám sát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương, tỉnh, thành nào làm ở tỉnh thành đó và có kiểm tra chéo lẫn nhau. HĐND làm độc lập, các đoàn ĐBQH và đoàn giám sát cũng làm độc lập, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cũng làm độc lập.
Lãnh đạo Quốc hội lưu ý: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, nếu trong quá trình giám sát phát hiện những dấu hiệu sai phạm đối với tất cả các lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội.
Cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Do đó, giám sát phải khoa học. Tổ chức giám sát phải chặt chẽ. Cán bộ tham gia giám sát phải bản lĩnh. Chúng ta cũng sẽ có cách để giám sát lại những người đi giám sát. Mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước”.
Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu thảo luận, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu các khó khăn, vướng mắc về các chuyên đề giám sát.
Giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giám sát với tinh thần xây dựng, phát huy được mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt việc tốt để nhân rộng. “Đó mới là giám sát, chứ không chỉ nhăm nhăm phát hiện ra khuyết điểm, sai phạm”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Quá trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trưởng đoàn và các thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám sát. “Lần này, Thường vụ nêu rõ mỗi người chỉ tham gia một đoàn giám sát, chứ không có chuyện “đánh trống ghi tên” ở đấy cho có thành phần. Mà đã vào cuộc thì phải làm đến nơi đến chốn”, ông Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu đoàn giám sát lắng nghe “nhiều kênh, nhiều tai” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời không được sách nhiễu, không gây phiền hà cho những hoạt động bình thường của cơ quan, đối tượng được giám sát. Ông Huệ cũng lưu ý đoàn giám sát những vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin, tránh tình trạng “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”.
Với các trưởng, phó đoàn và các thành viên trong đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật. Đồng thời tránh tình trạng khi phát hiện ở dưới cơ sở bằng "con voi", nhưng lên dần các cấp thì “gọt giũa hết”, cuối cùng chẳng còn gì để bàn.
Vì chúng ta giám sát trên tinh thần hết sức xây dựng, giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đoàn giám sát kịp thời có báo cáo về tiến độ, rà soát các vấn đề phát sinh thường xuyên có giao ban nội bộ và có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề phát sinh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí tham gia sâu rộng vào quá trình giám sát của Quốc hội.
4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021. Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. |
Trần Thường
Chủ tịch tỉnh, huyện còn ngại tiếp dân
"Thực tế có tình trạng lãnh đạo ngại tiếp xúc, ngại tiếp công dân. Tôi có thời gian làm Chủ tịch UBND tỉnh nên hiểu tâm lý này", Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam nói.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét