Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Đi lại ngày giãn cách

Cái sự tôi gọi là “đi” này chẳng gì khác chính là sự di chuyển của các cá nhân trong ngày giãn cách của Hà Nội theo tinh thần chỉ thị 16 của Chính phủ và chỉ thị 17 của UBND thành phố.

Những ngày này thành phố ra quân rầm rộ và kiểm tra gắt gao mọi thành phần xã hội khi họ di chuyển để hạn chế thấp nhất mọi sự lây nhiễm trong cộng đồng. Ai không trong diện được cấp phép ra đường hiển nhiên sẽ bị xử phạt theo chế tài. Đó là điều không phải bàn cãi.

Tôi quyết định lái xe vào thành phố sau gần tháng ở ẩn tại một làng quê thanh bình ngoại thành để yên tĩnh viết lách.

Chuyến đi trong lúc dịch dã căng thẳng này không phải để ngó phố phường cho vợi cơn nhớ nhung xa cách mà để ‘thực mục sở thị” quan sát cái sự di chuyển của người dân thế nào và các chốt chặn kiểm tra chống dịch ra sao trong trách vụ của một người cầm bút đang hành nghề.

{keywords}
Đường phố Hà Nội ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Phạm Hải 

Để di chuyển được trên đường lúc giãn cách này không phải đơn giản. Tôi đã được cấp tấm giấy giới thiệu tác nghiệp đúng như quy định của thành phố. Nói chuyện giấy tờ lại nhớ 5 năm trước, khi đạp xe xuyên Việt một mình, tôi lên trụ sở Hội Nhà văn VN ép bằng được chủ tịch Hữu Thỉnh ký cho tấm giấy giấy giới thiệu với địa chỉ gửi là UBND các địa phương. Anh Hữu Thỉnh tròn mắt bảo tôi chưa từng ký tờ giấy giới thiệu như này.

Phải thuyết phục thì em là nhà văn trong Hội của anh đi khảo sát thực tế các địa phương trong nước để viết thì anh phải giới thiệu em chứ sao. Có được tấm giấy giới thiệu đó quả thật tôi vào được tất cả các vùng sâu và xa vào những vùng trọng điểm đang có vấn đề như Formosa ở Hà Tĩnh.

Vốn tính cẩu thả xưa nay, trước chuyến đi tôi cẩn thận từng ly từng tý hành trang. Này khẩu trang, tấm giấy thông hành, giấy tờ tùy thân, lọ nước muối, cồn và không quên kiểm tra ví xem lượng ngân khố đề phòng bất trắc trên đường.

{keywords}
Hà Nội lập chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Hải

Chốt chặn đầu tiên tôi cho là quan trọng nhất chính là cổng gác của làng tôi đang tạm trú. Tôi xuống hẳn xe có nhời, tôi như này, như này đang ngụ cư ở làng nay tôi đi công chuyện chiều về làng các bác nhớ cho tôi vào lại. Một bác đứng tuổi có lẽ là trưởng chốt đeo hai khẩu trang cười cười, biết rồi, biết anh trọc “Sinh tử” rồi, cả làng này biết anh là con “ma làng” rồi, cứ vô văn tư mà đi, hôm nào hết dịch ta uống rượu tán chuyện phim nhé. Có chút cảm động về lời lẽ mộc mạc của bác nông dân.

Thẳng mạch từ sân bay Nội Bài qua cầu Phù Đổng về cầu Chương Dương vào trung tâm. Đường hai chiều thưa thớt xe đi lại. Xe tải vắng bóng, chủ yếu xe con và xe tải nhẹ. Bên đường gom cạnh cũng rất ít xe máy. Vào đến Gia Lâm thấy bắt đầu đông hơn người dân di chuyển. Gọi là đông chứ so với ngày mồng một Tết thì hôm nay dẫu là ngày đầu tuần đi làm cũng vắng vẻ hơn nhiều.

Xe qua cầu Chương Dương, đi ra giữa cầu tôi nhìn về chỗ bãi giữa rõ những bậc lên xuống, đó là bãi bơi sông tôi tham gia bơi lội thể thao vài năm nay. Không một bóng người. Bãi đã bị cơ quan chức năng phong tỏa, hàn bịt lối lên xuống. Thấy xao xuyến khi nhìn dòng sông đang cuộn chảy đỏ đục phù sa. Bao giờ thì tôi lại được vùng vẫy giữa dòng sông thương mến này? Hỏi và căm hận con Covid biết chừng nào.

Chủ đích chuyến đi là khảo sát sự dịch chuyển của người dân và các chốt kiểm tra chống dịch nên tôi lượn vòng vèo các phố. Vào hẳn trung tâm rồi men ra vùng ven. Đi liên tục hầu như gần khắp nội đô. Ngồi trong xe kín bưng nhưng tôi cảm nhận rất rõ không khí vắng lặng ảm đạm của cuộc sống đang căng mình chống dịch.

Hầu như các cửa hiệu, cửa hàng, các nhà dân đều đóng im ỉm, thậm chí cửa cuốn nhiều nhà buông kín mít như tử thủ với Covid. Quãng chợ Hôm một loạt cửa hàng bán thực phẩm có chăng rào chắn khoảng cách mở cửa nhưng cũng rất ít khách. Trên các phố lác đác có những cánh cửa mở bán hàng thiết yếu.

Tôi may mắn mua được cân cà phê rang xay ở cửa hiệu cà phê quen thuộc phố Nguyễn Du. Mạn bệnh viện Bạch Mai dãy phố thiết bị y tế và nhà thuốc vẫn mở cửa hàng loạt. Hỏi mua que thử tiểu đường mỗi hộp giá đã tăng lên đáng kể, tôi được người bán giải thích là do khó khăn khâu nhập hàng.

Các ngã tư, ngã năm đèn xanh đèn đỏ không có một cảnh chen chúc chờ đợi nào. Dòng người thưa thớt dịch chuyển có vẻ chậm rãi hơn rất nhiều ngày thường trước kia. Mấy hôm trước đọc báo, đọc mạng xã hội thấy tình hình như căng thẳng, sôi động ồn ào, tắc nghẽn ở những trọng điểm giao thông rồi phản ứng của một vài người dân với những hành vi chống đối người thi hành công vụ bị xử lý rốt ráo nhưng hôm nay không phải thế.

Thậm chí tôi thấy lạ là đi nhiều nhưng tôi không hề bị một chốt chặn nào kiểm tra. Muốn tự mình tìm hiểu nên tôi cẩn trọng quan sát và rồi vỡ nhẽ. Hôm đầu tiên thực hiện giấy đi đường thứ sáu ngày 30/7 Hà Nội tổ chức các chốt trên mọi đường phố chính. Mấu chốt ở chỗ này. Ngay sau đó đã có sự điều chỉnh.

Các đường phố chính rất ít phố có chốt cơ động án ngữ. Tôi chỉ tận mắt nhìn thấy chốt phố Quang Trung, phố Huế, phố Thụy Khê và một số phố khác. Các con phố còn lại thênh thang cho dòng phương tiện di chuyển. Hầu như không có người đi bộ. Chốt chặn kiểm tra giấy đi đường đã lui hết bịt chặt mọi con ngõ, cửa ra các khu dân cư.

Đây có lẽ là điều chỉnh tôi cho là vô cùng thiết thực và hiệu quả. Cư dân muốn ra khỏi nơi cư trú đều phải xuất trình giấy tờ hợp lệ mới được ra đường. Vô cùng đắc địa. Những người đi ra được đường phố nếu có gì nghi vấn thì có các tổ tuần tra cơ động kiểm tra nhanh nhậy. Chắc chả ai dại nếu không có việc lại mạo hiểm di chuyển để nhãn tiền lĩnh án phạt sát sạt.

Khu bờ hồ Ha Le chăng dây nilon cấm người dân tập thể dục. Dạo khắp thành phố vài tiếng đồng hồ tôi không hề bị kiểm tra, chỉ một lần ở ngã tư Điện Biên Phủ bị cảnh sát giao thông tuýt còi vì lỗi lấn làn. Sau khi kiểm tra giấy tờ, vị cảnh sát không phạt vì lỗi nhỏ chỉ nhắc nhở đường vắng nhưng anh đi cẩn thận trong ngày dịch này. Tôi thấy vui, cảm ơn thịnh tình của người cảnh sát tốt bụng.

Có một chi tiết lúc tạt qua nhà lấy ít đồ cá nhân, con gái ở cách vài cây số nhờ chuyển cho ít thực phẩm. Bảo sao không bảo bác sĩ chồng đi lấy? Nhà con có giấy đi đường nhưng nhà mình lệch tuyến bố ạ, họ phạt chết. Ra thế, đủ biết là Hà Nội làm cực nghiêm về sự di chuyển của người dân. Sự nghiêm khắc này tôi nghĩ là rất cần thiết trong lúc Hà Nội cần quyết liệt để chống lại dịch đang bùng phát.

Khi về, tôi vòng lên Bưởi đi đường cầu Nhật Tân. Vẫn là khung cảnh như những gì tôi vừa chứng kiến. Viết những dòng này, tôi nghĩ Hà Nội đã rút ra được những kinh nghiệm thiết thực từ Sài Gòn. Tôi tin Hà Nội sẽ chống dịch hiệu quả hơn dẫu có thể phải thêm một kỳ 14 ngày nữa để tiếp tục giãn cách thì đã nhìn thấy sự hy vọng khống chế được dịch, hạn chế thiệt hại ở ngưỡng tối thiểu.

Dịch chẳng vui nhưng những gì tôi chứng kiến hôm nay chợt khởi lên sự tự tin nếu đồng bộ tiêm vắc xin với những biện pháp hợp lý của thành phố và ý thức người dân hẳn Hà Nội sẽ không phải chịu thảm họa như một vài nơi khác.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Giãn cách ở Hà Nội, 'ai ở đâu ở đấy, ai ho sốt liên lạc ngay'

Giãn cách ở Hà Nội, 'ai ở đâu ở đấy, ai ho sốt liên lạc ngay'

Trong giãn cách xã hội, TP Hà Nội yêu cầu người dân ở tại nhà, khi có các biểu hiện ho, sốt, khó thở... chủ động liên lạc ngay với cơ sở y tế để lấy mẫu, xét nghiệm nhằm "bóc" hết F0 trong cộng đồng. 



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét