Có thể nói, toàn bộ việc chăm lo cho cả người đi, người ở và đặc biệt là việc tiêm vắc xin không phân biệt đối tượng đã phát đi những tín hiệu tích cực nhất sau Công điện của Thủ tướng.
Những việc làm ngay
Chiều tối ngày 2/8, anh Nguyễn Tuấn Phương, Phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu cho hay, vào năm 2020 và đầu năm 2021 gia đình anh được giảm khoảng 600.000 đồng tiền điện sinh hoạt. Số tiền này dù không lớn nhưng bớt đi phần nào chi phí.
“Lần này, ngoài tiền điện còn được giảm tiền nước và cước viễn thông. Tôi cũng như mọi người thấy rất vui. Hy vọng thành phố sẽ sớm triển khai để người dân được nhận chính sách hỗ trợ”, anh Phương nói.
Về phía cơ quan chức năng, chiều 2/8, Phó giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Lê Sơn Phong nói rằng ông đang theo dõi cuộc họp từ Bộ Thông tin và Truyền thông về việc giảm cước viễn thông để “có chỉ đạo chính thức thì Sở sẽ triển khai, giảm giá cước cho người dân”.
Trước đó, TP.HCM đã triển khai tiêm vắc xin cho shipper, khơi thông luồng vận chuyển hàng hóa - huyết mạch của cuộc sống.
TP.HCM sẽ tiêm vắc xin cho khoảng 62.000 lái xe công nghệ, shipper. Ảnh: Thanh Tùng |
Đại tá Trần Quang Hiếu, Phó Giám đốc Công an Quảng Bình cho biết, ngay sau khi có Công điện của Thủ tướng, tỉnh tổ chức một cuộc họp giao nhiệm vụ cho các sở ngành liên quan, trong đó Công an tỉnh làm chốt trưởng tại các chốt kiểm soát. Sau khi có công điện của Thủ tướng, Công an tỉnh tăng thêm lực lượng, Sở GTVT chuẩn bị xe khách và xe tải để chở người dân và xe máy trung chuyển đến Hà Tĩnh.
Theo Đại tá Hiếu, tỉnh vẫn áp dụng phương án đón và dẫn đường người dân đi xe máy về đến các tỉnh giáp ranh như trước đó đã thực hiện để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh nguy cơ lây nhiễm khi đi chung xe.
Ông cũng thông tin thêm, một số trường hợp xe máy hỏng hoặc người dân không đủ sức khỏe đi xe máy như phụ nữ, trẻ em thì họ đồng ý đi ô tô.
Ông Hiếu thông tin thêm, trong 2 ngày triển khai, số lượng người đi xe máy giảm so với trước khá nhiều.
Như hôm nay có khoảng 300 - 400 người là những người xuất phát từ TP.HCM trước khi có Công điện của Thủ tướng còn sót lại. Đó chỉ là một trong những việc mà TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Bình cùng nhiều địa phương khác ngay lập tức thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói, tinh thần chỉ đạo của Thủ Thủ tướng “tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách” và nội dung Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc chăm lo an sinh với lưu ý rất cụ thể “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc” đã được các cấp, các ngành, các địa phương nhanh chóng vào cuộc với tinh thần chủ động và quyết liệt nhất.
Tích cực hơn nữa
Tại TP.HCM, ngay sau Công điện của Thủ tướng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã có những khẳng định làm yên tâm những người ở lại.
Trong phát biểu, vấn đề tiêm vắc xin cho người không có hộ khẩu, tạm trú ở thành phố… đã được ông Mãi khẳng định: “Thời gian tới TP.HCM sẽ tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân, trong đó có người dân các tỉnh đang làm việc, sinh sống tại thành phố”.
Ảnh: Thanh Tùng |
Ngoài tiêm vắc xin, để người dân ở lại có được sự an tâm như những shipper đã được tiêm tại TP.HCM, ông Mãi cũng cho biết với chỉ đạo "ai ở đâu, ở đấy" của Thủ tướng, TP.HCM đã và đang vận động các nguồn lực để chăm lo cho bà con trong thời gian ở một tháng.
"TP.HCM luôn luôn vận động mọi nguồn lực chăm lo lương thực, thực phẩm, vắc xin cho bà con, không để bà con bị thiếu thốn. Mong bà con thấu hiểu, đồng hành cùng TP vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Mãi chia sẻ.
Không chỉ vậy, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết sẽ đề xuất miễn 100% tiền nhà trọ cho người lao động. Ý kiến này được bà Thúy đưa ra tại cuộc họp về chăm lo an sinh xã hội trong thời gian giãn cách do Thành ủy tổ chức chiều 2/8.
Theo bà Thúy, thời gian qua, TP đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người dân khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Riêng công đoàn TP nhận tới hàng trăm tấn hàng hóa và chuyển thẳng đến cho công nhân các khu nhà trọ, doanh nghiệp thực hiện “ba tại chỗ”.
Tuy nhiên, những việc này chưa khiến người lao động ở các tỉnh, thành yên tâm. Theo bà Thúy, về điện, nước, cước viễn thông đã có chủ trương giảm giá theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng TP nên có chủ trương giảm thêm đến mức chịu lỗ để đỡ phần nào cho dân. Với tiền thuê nhà, TP cần có chính sách vận động chủ nhà trọ miễn phí 100%.
Bà Thúy tính toán, nếu một hộ thuê nhà trọ hết 3 triệu/ tháng. Lâu nay, TP vận động giảm 50% thì 50% còn lại người lao động lấy đâu trả khi họ đã mất việc, ngừng việc hàng tháng nay?
Hy vọng, đề xuất vận động miễn toàn bộ tiền thuê nhà cho người lao động trong lúc dịch bệnh sẽ sớm được thực hiện. Với những việc các ngành, các địa phương đã làm, sẽ làm trong những ngày tới, có thể nói, toàn bộ việc chăm lo cho cả người đi, người ở và đặc biệt là việc tiêm vắc xin không phân biệt đối tượng đã phát đi những tín hiệu tích cực nhất.
Cái ăn, cái mặc, sự an toàn và đảm bảo các dịch vụ thiết yếu với mức giá hợp lý đều đã được thực hiện để mọi người yên tâm cùng nhau vượt dịch bệnh.
Nhóm PV
Chăm lo chu đáo cho cuộc sống người dân
Sau chỉ đạo của Thủ tướng với các tỉnh, thành về việc không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP mong muốn bà con ở lại và sẽ cố gắng chăm lo chu đáo.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét